22/06/2020 11:20 GMT+7

Góc khuất phía sau hợp đồng chuyển nhượng cầu thủ - Kỳ 2: Jernej Kamensek phá vỡ 'luật im lặng'

NGUYÊN KHÔI - HOÀNG VŨ
NGUYÊN KHÔI - HOÀNG VŨ

TTO - “Ở VN, tiền lót tay có ý nghĩa lớn, thậm chí nhiều khi còn vượt xa các khoản lương tháng. 99% các HLV ở VN đều muốn nhận phần chia từ các khoản lót tay. Đó cũng là lý do tại sao V-League không thể có ngoại binh giỏi”...

Góc khuất phía sau hợp đồng chuyển nhượng cầu thủ - Kỳ 2: Jernej Kamensek phá vỡ luật im lặng - Ảnh 1.

Giám đốc kỹ thuật Kamensek hướng dẫn cầu thủ trẻ Bình Định tập luyện - Ảnh: N.K.

Sự thật nào phía sau phát biểu sốc của nhà môi giới (NMG) Jernej Kamensek?

7 năm "thấu hiểu" những góc khuất

Là NMG người Slovenia, Jernej Kamensek sang VN làm việc vào năm 2010 và được gọi với cái tên thân mật: Kama. CLB Thanh Hóa sử dụng nguồn cung ứng từ Kama nhiều nhất với Pape Omar Faye, Nastja Ceh, Ivan Firer và HLV Ljupko Petrovic.

Nguồn ngoại binh của Kama được đánh giá rất chất lượng. Tiền vệ Nastja Ceh từng khoác áo tuyển Slovenia dự World Cup. Tiền đạo Ivan Firer đến VN năm 2016 và sau đó được CLB Auxerre (Pháp) chiêu mộ. HLV Ljupko Petrovic từng giúp CLB Red Star Belgrade đoạt chức vô địch Cúp C1 năm 1991. Ngay cầu thủ được xem là ít tên tuổi nhất mà Kama giới thiệu, tiền đạo Pape Omar Faye hiện là trụ cột của Hà Nội.

Năm 2017, Kama rời VN. 7 năm hành nghề môi giới ở VN đủ giúp Kama "thấu hiểu" những góc khuất trong chuyển nhượng của bóng đá VN. Tháng 4-2019, trả lời tờ Goal, Kama gây sốc khi tiết lộ: "Không một cầu thủ chuyên nghiệp nào lại chi tiền cho HLV để được ký hợp đồng. Điều này thật điên rồ và chống lại hoàn toàn các tiêu chuẩn của FIFA".

Kama cho rằng tham nhũng là vấn nạn nghiêm trọng ở V-League. Nó khiến các CLB tốn những khoản tiền lớn hằng năm, nhưng không mang lại hiệu quả và trở thành miếng mồi béo bở để nhiều người trục lợi. Ông nói: "Tiền lót tay là một ví dụ. Ngoài NMG và cầu thủ, "quyền lợi" này còn được san sẻ từ lãnh đạo CLB đến HLV. Những người tốt sẽ không chấp nhận thỏa hiệp với cách làm này, vì vậy họ dễ trở thành cái gai trong mắt HLV trưởng".

Ông đưa ra dẫn chứng từ tiền đạo F. mà mình từng giới thiệu cho một CLB năm 2016. Chơi tốt ở các vòng đầu tiên, nhưng càng về sau F. càng gặp rắc rối với HLV trưởng do không... biết điều. "Tôi đã nói với F. về văn hóa "quà cáp" tại VN. Nhưng anh ta đã từ chối làm theo. Và cuối cùng "người ta" bảo F. không... đạt yêu cầu khi lượt đi V-League 2016 kết thúc", Kama kể.

Buồn cười ở chỗ dù bị đánh giá không đạt yêu cầu ở V-League nhưng khi trở lại quê nhà thi đấu, F. đã cùng CLB đoạt vé dự Europa League và được một CLB của Pháp chiêu mộ năm 2017.

Nói rõ hơn về tiền chuyển nhượng, Kamensek chia sẻ: "Tôi tốn ít nhất 5.000 USD để mang một cầu thủ đến đây. Nhưng sau khi các HLV nhận khoản mong muốn của họ, tôi chỉ còn 2.000 USD. Nếu không tham nhũng, mỗi CLB ở V-League có thể tiết kiệm 30% ngân sách cũng như tìm được những ngoại binh chất lượng thực sự".

Những chia sẻ của Kama cho thấy tại sao có nhiều CLB ở V-League thay ngoại binh liên tục chỉ trong một mùa bóng. Do ký hợp đồng là có phần trăm tiền chuyển nhượng, nên HLV hay lãnh đạo CLB chỉ cần xài nửa mùa hay một mùa là sa thải, kiếm ngoại binh mới để tiếp tục hưởng phần trăm tiền chuyển nhượng.

Do chất lượng ngoại binh đến VN có trình độ sàn sàn nhau nên giữa một nhóm ngoại binh đến CLB thử việc, HLV bỏ một cầu thủ có chuyên môn 7 điểm để lấy cầu thủ 5-6 điểm nhưng được chi phần trăm cao hơn là chuyện bình thường.

Kama vừa được CLB hạng nhất Bình Định bổ nhiệm làm cố vấn kỹ thuật trợ giúp HLV Nguyễn Đức Thắng và xây dựng giáo án cho tuyến trẻ. "Sau khi chia tay vào năm 2017, tôi đã không dự định trở lại vì bóng đá VN quá phức tạp ở hậu trường. Tôi trở lại theo lời mời của HLV Nguyễn Đức Thắng vì tôi tin anh ấy", Kama giải thích.

Về những phát biểu trước đây trên Goal, Jernej Kamensek không muốn nhắc lại khi được hỏi với lý do giờ anh đang làm một công việc mới và không còn liên quan đến chuyển nhượng cầu thủ.

Kama nói đúng

Một NMG có thâm niên cay đắng nói với Tuổi Trẻ khi được hỏi về những chi tiết mà Jernej Kamensek công bố: "Một thời gian dài, các CLB đều lắc đầu với nguồn cầu thủ mà tôi giới thiệu. Họ từ chối không phải do cầu thủ kém, mà là do tôi không chịu chi tiền lót tay.

Chi tiền lót tay để quân mình được ký hợp đồng

Thực tế có NMG sẵn sàng chi tiền cho HLV để cầu thủ của mình được ký hợp đồng. Nhưng đó chỉ là số ít, vì những HLV có tầm nhìn và có tâm chẳng bao giờ họ làm thế. Họ chỉ muốn lấy những ngoại binh tốt nhất cho CLB để đạt thành tích tốt. Những HLV nhận tiền để ký hợp đồng sau này sẽ rất khó làm việc với các cầu thủ khác trong đội.

Chủ tịch CLB TP.HCM Nguyễn Hữu Thắng

Thực trạng đáng buồn là khi muốn chuyển nhượng cầu thủ, NMG buộc phải chi tiền cho HLV hoặc lãnh đạo CLB để được thử việc và ký hợp đồng. Khi ký hợp đồng với cầu thủ, có CLB sẵn sàng nâng số tiền lương và tiền lót tay lên hơn so với thực tế để bỏ tiền túi chênh lệch.

Chưa hết, cầu thủ được lãnh đạo CLB ký hợp đồng mà không thông qua HLV trưởng, muốn được đá có khi phải có quà cho HLV trưởng, nếu không anh ta có thể ngồi dự bị mãi".

Mức phí lót tay bị nâng lên thế nào? Vị này trả lời: "Tùy trường hợp. Tôi có thể đưa ra trường hợp mình đã trải qua: một ngoại binh có phí chuyển nhượng 100.000 USD/năm và lương 4.000 USD/tháng sẽ được nâng lên thành 150.000 USD/năm và lương 6.000 USD/tháng. Cầu thủ chỉ được nhận mức lương đã thương thảo, còn tiền chênh lệch thì vào túi người khác.

Đó là chưa kể giám đốc điều hành CLB hay HLV còn ngỏ ý đòi tiền trực tiếp từ NMG nếu như ký hợp đồng. Ví dụ như cầu thủ tôi giới thiệu có giá chuyển nhượng 50.000 USD/năm, họ đòi 35.000 - 40.000 USD. Đòi như thế thì làm sao tôi chịu nổi, trong khi tôi còn phải chi cho cầu thủ và các NMG khác mà tôi liên kết trong việc giới thiệu cầu thủ cho nhau".

Có HLV sẵn sàng trả lại tiền nếu thương vụ bất thành

Trong chuyển nhượng ở VN, chuyển nhượng ngoại binh dễ ăn hơn so với cầu thủ nội. Lý do là cầu thủ nội thường bị ràng buộc bởi hợp đồng đào tạo (VFF quy định 25 tuổi trở lên) nên chuyển nhượng thường khá khó khăn. Còn ngoại binh thì chuyển nhượng thoải mái, miễn là... có tiền.

Một NMG ngoại lâu năm ở V-League cho biết để cầu thủ của mình có thể được CLB nào đó ký hợp đồng, ông thường làm việc với HLV trưởng. Có HLV không lấy tiền lót tay, nhưng cũng có HLV ra giá thẳng thừng. Anh kể: "Ở V-League, có một HLV thường ra giá thẳng thắn khi tôi muốn giới thiệu ngoại binh. Dù vậy, HLV này rất sòng phẳng, nếu đã lấy tiền của tôi để ký hợp đồng nhưng ông chủ CLB lại không muốn lấy cầu thủ đó, ông ấy sẽ trả lại tiền cho tôi. Đây là điều hiếm có!".

Kỳ 3: Nghề lắm rủi ro

Hỗn loạn chuyển nhượng cầu thủ do thỏa hiệp Hỗn loạn chuyển nhượng cầu thủ do thỏa hiệp

TT - Thời gian qua, tiếp sau vụ thủ môn Santos cùng lúc có ba hợp đồng với ba CLB khác nhau, nay lại đến vụ tiền đạo Timothy hết đến rồi lại đi khỏi CLB Navibank Sài Gòn và B.Bình Dương như thể đi chợ. Rồi chuyện tiền đạo Samson đòi rời TĐCS Đồng Tháp dù vẫn còn một năm hợp đồng với CLB. Thực tế đó phản ánh tình trạng hỗn loạn của thị trường chuyển nhượng cầu thủ bóng đá VN.

NGUYÊN KHÔI - HOÀNG VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp