Một gia đình nhiều thành viên sống trên vỉa hè ở khu Barangay, thủ đô Manila. Họ hồn nhiên khi được chụp ảnh - Ảnh: QUỲNH TRUNG |
Ở công viên Rajah Soliman đối diện bờ biển đông đúc du khách của thủ đô Manila, những đứa trẻ Philippines với làn da đen nhẻm, cơ thể nhỏ thó nằm lăn lóc dưới đất hoặc trên những tấm bìa cactông. Phía xa xa là những chiếc xe hơi bóng loáng đậu dưới lòng đường.
Tương phản rõ rệt
Tại một góc khác, ở khu Barangay, lại thấy một đại gia đình trong cái lều lụp xụp kết nối tạm bợ bằng những tấm bạt dựa vào mảng tường bên vỉa hè. Trong khi người lớn dán mắt vào cái tivi nhỏ xíu với hình ảnh mờ nhạt thì những đứa trẻ nằm lăn lóc ngủ ngon lành.
Khi tôi giơ điện thoại lên ra hiệu xin chụp ảnh, chẳng những không ái ngại mà các thành viên trong đại gia đình “vỉa hè” này còn cười tươi và tạo dáng hưởng ứng.
Cách khu Barangay này chỉ vài trăm mét là những tòa nhà, khách sạn sang trọng. Thậm chí ở khách sạn Diamond Philippines gần đó, còn có một hầm dành riêng cho các VIP (nhân vật quan trọng) trú ẩn phòng khi xảy ra xung đột hay bạo lực.
Đó là những hình ảnh tương phản đau lòng tôi bắt gặp thường xuyên trong những ngày đầu tháng 3 này ở Manila, thủ đô của Philippines - quốc gia được xem là có khoảng cách giàu nghèo lớn nhất Đông Nam Á.
Cô Epi Collantes, một bác sĩ ở Manila có nhà gần công viên Rajah Soliman, chia sẻ rằng nhiều người nghèo ở vùng quê không có việc làm, lại không có đất đai trồng trọt, không được nhận nhiều hỗ trợ của chính phủ nên lên thành phố kiếm việc làm công nhật như phụ hồ, bưng bê ở các nhà hàng, quán ăn.
“Họ không có nhà cửa ở Manila, lại học vấn thấp nên rất khó kiếm việc làm ổn định ở một thành phố quá đông dân như Manila. Do đó có rất nhiều người vô gia cư phải ngủ ngay trên hè phố.
Chính phủ cũng nhiều lần đưa họ về quê nhà nhưng sau đó họ trở lại vì không thể kiếm kế sinh nhai ở quê nhà” - bác sĩ Epi Collantes cho biết.
Những người vô gia cư ngủ mê mệt trên vỉa hè ở khu Barangay - Ảnh: QUỲNH TRUNG |
Tăng dân số quá nhanh
Philippines là quốc gia có trên 7.000 hòn đảo lớn nhỏ nhưng phần lớn cư dân tập trung trên 11 hòn đảo chính. Theo Cục Thống kê Philippines, số người thuộc diện nghèo đói năm 2015 ước tính lên đến 21,6% dân số.
Tổ chức phi chính phủ Oxfam Philippines cho biết nơi xảy ra nghèo đói khốc liệt nhất ở Philippines là đảo Mindanao. Hòn đảo này giàu tài nguyên khoáng sản và có nguồn lực nông nghiệp trù phú nhất ở Philippines nhưng 7/10 hộ gia đình ở đây sinh sống dưới mức nghèo đói.
Nhiều người Philippines đã tận dụng lợi thế tiếng Anh để ra nước ngoài kiếm việc (dù là làm giúp việc nhà) và gửi tiền về nuôi gia đình. Do đó, nền kinh tế của Philippines khá phụ thuộc vào lượng kiều hối để duy trì mức độ tăng trưởng cao trong những năm gần đây.
Lý giải với Tuổi Trẻ về khoảng cách giàu nghèo và tình trạng nhiều người vô gia cư ở Manila, ông Karim Raslan, chuyên gia hàng đầu về ASEAN, cho rằng nguyên nhân chính là tốc độ gia tăng dân số nhanh nhưng nền kinh tế Philippines vẫn chưa đủ nội lực để tạo công ăn việc làm cho tất cả mọi người.
“Chính quyền thất bại trong việc thi hành các chính sách giảm tỉ lệ sinh trong khi người dân theo Công giáo không thuận tình với giải pháp nạo phá thai khiến tỉ lệ sinh nước này tăng nhanh” - chuyên gia Raslan giải thích.
Theo ông Karim Raslan, để giảm bất bình đẳng về thu nhập cũng như ngăn người nhập cư kéo đến các thành phố lớn, Chính phủ Philippines cần tiếp tục khuyến khích tăng trưởng kinh tế để tạo cơ hội việc làm cho người dân, đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài vào xây dựng cơ sở hạ tầng, và cuối cùng là tập trung phát triển nền nông nghiệp ở các tỉnh, thành và hòn đảo khác.
Oxfam Philippines cho rằng nền quản trị yếu kém của nhà nước cộng với việc các chủ đất được chính quyền ưu ái đã góp phần khiến cho cái nghèo ở nước này tồn tại dai dẳng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận