Cục Dự trữ nhà nước Hà Nội là 1 trong 7 đơn vị đã sai phạm khi cho doanh nghiệp gửi nhờ gạo trong kho nhà nước - Ảnh: MAI THƯƠNG
Theo thông báo của 22 cục Dự trữ nhà nước (DTNN) khu vực, đúng 10h ngày 12-5, cả 22 cục DTNN sẽ đấu thầu rộng rãi các gói thầu để mua 182.300 tấn gạo.
Tại sao đã trúng thầu lại xù hợp đồng?
Cụ thể, Cục DTNN khu vực Hà Bắc (Bắc Ninh) mở thầu rộng rãi mua 9.000 tấn gạo. Đơn giá 11.287,5 đồng/kg. So sánh đơn giá mời thầu vào ngày 12-5 với giá trúng thầu cách đây 2 tháng thì mỗi ký gạo Nhà nước phải chi thêm 1.470 đồng (nhà thầu từ chối ký hợp đồng cung cấp gạo nên đã phải hủy). Như vậy ngân sách nhà nước phải tốn thêm hơn 13,2 tỉ đồng để mua 9.000 tấn gạo dự trữ ở Cục DTNN khu vực Hà Bắc.
Tương tự, Cục DTNN khu vực Đông Bắc cũng mua 9.200 tấn gạo dự trữ năm nay, ngân sách sẽ tốn thêm hơn 10,5 tỉ đồng do giá gạo đã tăng, trong khi lần đấu giá trước, các doanh nghiệp trúng thầu từ chối ký hợp đồng do giá gạo đã tăng.
Ngoài ra hàng loạt cục DTNN cũng phải đấu giá mua lại gạo dự trữ, như khu vực Bắc Thái đấu thầu lại để mua 9.000 tấn gạo. Cục DTNN Hà Nội công bố đấu thầu 9.000 tấn gạo...
So với đơn giá bình quân khoảng 9.720 - 9.950 đồng/kg của đợt trước nhưng nhà thầu đã "xù" hợp đồng, đến thời điểm này mỗi ký gạo mà ngân sách phải chi thêm 1.100 - 1.470 đồng. Ước tính để mua 182.300 tấn gạo dự trữ quốc gia năm nay, ngân sách sẽ phải tốn thêm khoảng 200 tỉ đồng, gấp 7 lần so với 27,8 tỉ đồng mà 22 cục DTNN tịch thu tiền bảo lãnh dự thầu của 26 nhà thầu hủy hợp đồng.
Gạo vào kho vẫn chờ để "hô biến"?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đặng Ngọc Tuyến - phó chánh thanh tra Bộ Tài chính - cho biết vừa phát hiện sai phạm ở 7/22 cục DTNN khu vực gồm Hà Bắc, Đông Bắc, Bắc Thái, Hà Nội, Hà Nam Ninh, Bình Trị Thiên và Thanh Hóa.
Ông Tuyến cho hay trước đây cũng kiểm tra công tác quản lý và mua gạo dự trữ quốc gia nhưng chưa phát hiện sai phạm. Bị ảnh hưởng dịch COVID-19, giá gạo vọt lên và 26/28 nhà thầu đã hủy, từ chối ký hợp đồng cung cấp gạo dự trữ quốc gia.
Qua kiểm tra các kho gạo, ngoài lượng gạo của các doanh nghiệp khác, điều đặc biệt là thanh tra Bộ Tài chính phát hiện có hơn 10.000 tấn gạo của các đơn vị đã trúng thầu gạo hôm 12-3 nhưng từ chối ký hợp đồng cung cấp gạo cho Nhà nước.
Trong khi đó, theo Luật dự trữ quốc gia, khu vực kho dự trữ quốc gia phải được tổ chức bảo vệ chặt chẽ, an toàn, bí mật... Thông tư số 56/2013 của Bộ Công an cũng quy định hệ thống mạng lưới và kế hoạch bảo vệ đối với các kho DTNN thuộc danh mục bí mật nhà nước của ngành tài chính.
Liệu có chuyện 7 cục DTNN nói trên thông đồng với doanh nghiệp hủy hợp đồng rồi chờ để bán gạo giá cao hơn hay không? Ông Tuyến trả lời Bộ Tài chính đã có công văn gửi Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Bộ Công an để phối hợp điều tra, làm rõ sai phạm và xử lý theo quy định của pháp luật nếu có.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đỗ Việt Đức - tổng cục trưởng Tổng cục DTNN - cho biết sai phạm của 7 cục DTNN đã rõ khi cho gửi nhờ gạo trong kho của Nhà nước. Tới đây, Tổng cục Dự trữ sẽ tăng cường kiểm tra, thanh tra theo quý hoặc đột xuất để giám sát chặt chẽ hơn. Về trách nhiệm khi để hàng loạt cục DTNN sai phạm, lãnh đạo Tổng cục Dự trữ thừa nhận sai đến đâu sẽ nhận đến đó. Còn chủ yếu là cấp cục phải nhận trách nhiệm.
Sẽ giám sát chặt và nâng chế tài
Gạo dự trữ quốc gia năm nay để làm gì?
Về lượng gạo dự trữ năm nay, ông Đỗ Việt Đức cho biết theo quyết định của Thủ tướng, năm 2020 cơ quan dự trữ sẽ đấu thầu để mua 190.000 tấn gạo và 80.000 tấn thóc vụ đông xuân sản xuất ở Nam Bộ. Sau khi hoàn tất các thủ tục đấu thầu và ký hợp đồng, lượng thóc gạo này sẽ được lưu kho ngay trước tháng 6. Lượng gạo mua trong năm nay sẽ được trợ cấp, cứu đói cho người dân các địa phương khó khăn để ăn tết và thời gian giáp hạt; hỗ trợ học sinh vùng khó khăn... trong năm 2021.
Theo ông Tuyến, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục DTNN và các đơn vị chức năng của Bộ Tài chính rà soát các quy trình, quy chế quản lý kho DTNN để sửa đổi, bổ sung. Trong đó, một trong những giải pháp là phải trang bị, lắp đặt hệ thống camera giám sát tại tất cả các điểm kho DTNN.
Về ý kiến đặt ra rằng Nhà nước có nên buộc doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải tạm trữ một tỉ lệ gạo cho dự trữ quốc gia như đang phải đảm bảo dự trữ lưu thông tối thiểu 5% lượng gạo xuất khẩu, ông Tuyến cho rằng nên cân nhắc thận trọng. VN hằng năm thường xảy ra thiên tai lũ lụt, nên gạo dự trữ quốc gia là để đảm bảo mục tiêu này.
Về chế tài đối với doanh nghiệp tự phá hợp đồng cung cấp gạo cho dự trữ quốc gia, phía Bộ Tài chính cho biết cũng đã xem xét đến việc cấm không cho các doanh nghiệp vi phạm tham gia đấu thầu 3 - 5 năm.
Để ngăn chặn việc từ chối hợp đồng như đợt đấu thầu gạo vừa rồi, một loạt cục DTNN đã thông báo nâng giá trị đảm bảo trong hồ sơ mời thầu. Cụ thể, tỉ lệ đặt cọc được nâng từ 3% lên 5% giá trị gói thầu. Trường hợp hết thời hạn giao hàng mà bên B không giao đủ số lượng hàng thì bị phạt bằng 5% giá trị giao thiếu thay cho mức 1,5 - 3% như quy định trước đó.
Ông Phạm Phan Dũng (nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ quốc gia):
Nên sửa Luật đấu thầu
Đấu thầu mua hàng dự trữ quốc gia gồm rất nhiều loại hàng hóa như các thiết bị quân sự, xăng dầu, thiết bị y tế, gạo... Luật đấu thầu năm 2013 quy định mua hàng dự trữ quốc gia thực hiện theo quy trình đấu thầu thông thường như mua cái bàn, cái ghế, máy vi tính... Dưới luật đến nay cũng không có một văn bản nào hướng dẫn riêng.
Ví dụ sau khi trúng thầu gạo, doanh nghiệp có 2 lựa chọn, ví dụ giá gạo đang mua 10.000 đồng/kg, bán cho các cục dự trữ 10.000 đồng/kg, nếu giá gạo trên thị trường giảm doanh nghiệp sẽ giao gạo ngay để hưởng chênh lệch giá. Nhưng khi giá thị trường lên cao hơn giá chào thầu, doanh nghiệp sẽ không bán gạo cho Cục DTNN nữa.
Để tránh tình trạng doanh nghiệp sau trúng thầu nhưng không ký hợp đồng cần ban hành một cơ chế riêng về đấu thầu. Ví dụ các cục DTNN sẽ áp dụng biện pháp giữ hàng và thanh toán tiền cho các doanh nghiệp theo giá trúng thầu của họ. (BẢO NGỌC)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận