Các kỹ sư lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà tại TP.HCM - Ảnh: NGỌC HIỂN
Ông Hoàng Quốc Vượng - thứ trưởng Bộ Công thương - đã cam kết như vậy tại hội thảo "Phát triển bền vững nguồn năng lượng tái tạo nối lưới và điện mặt trời mái nhà", do Bộ Công thương tổ chức ở TP.HCM ngày 9-7, khi cho rằng những giải pháp gỡ vướng sẽ được đưa vào thông tư hướng dẫn sắp được ban hành.
Nhiều quy định "làm khó" nhà đầu tư
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Anh Đông - đại diện của một DN (đề nghị không nêu tên) - cho biết DN này đầu tư dự án điện mặt trời trên mái nhà đã 1 năm vẫn chưa thể ký hợp đồng mua bán điện dù đã liên hệ với nhiều cơ quan, ban ngành liên quan.
Theo ông Đông, quyết định 13 (liên quan đến cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời - PV) sẽ hết hiệu lực vào tháng 12-2020, song đến nay DN vẫn nhận được thông báo là "đang nghiên cứu" trong khi DN phải vay ngân hàng trả lãi, đứng trước nguy cơ phá sản.
Nhiều nhà đầu tư cũng cho biết đang gặp vướng, chưa được ký hợp đồng mua bán điện do ngành điện yêu cầu phải lắp trên mái nhà thay vì sử dụng các tấm pin để thay thế mái. Trong khi đó, DN đầu tư nông nghiệp công nghệ cao cần ánh sáng trồng trọt bên dưới, việc yêu cầu phải lắp mái tôn và lắp thêm tấm pin bên trên là phản khoa học và ảnh hưởng đến hiệu suất của tấm pin.
"Phải có cơ chế riêng cho phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp chất lượng cao sử dụng mái nhà là tấm pin mặt trời" - một nhà đầu tư đề xuất.
Tương tự, ông Trần Văn Vĩnh - phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - cho biết quy định chỉ cho phép lắp đặt các dự án điện mặt trời mái nhà có công suất dưới 1 MW, trên 1 MW phải chờ bổ sung quy hoạch đã gây khó cho các nhà đầu tư.
"Cần phải gỡ vướng để các DN đầu tư đồng bộ, tận dụng được diện tích lớn trên các mái nhà để tạo ra nguồn điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất kinh doanh. Còn nếu quy định như hiện nay sẽ không huy động được người dân, DN đầu tư cho năng lượng sạch..." - ông Vĩnh nói.
Khẳng định điện mặt trời mái nhà có vai trò quan trọng trong việc giảm áp lực về nguồn điện, ông Võ Quang Lâm - phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam - cho biết việc triển khai các dự án điện mặt trời mái nhà vẫn gặp nhiều khó khăn bởi khách hàng thiếu thông tin về chất lượng, đơn vị thi công, chi phí thiết bị, lắp đặt vẫn còn cao.
"Chính sách vẫn còn nhiều "khoảng trống" khi thiếu tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các thiết bị, hệ thống điện mặt trời mái nhà cũng như chưa có quy định về việc xin giấy phép xây dựng, tải trọng kết cấu mái khi lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà" - ông Lâm cho biết.
Sẽ gỡ khó nhưng lo bị "lợi dụng"
Ông Hoàng Tiến Dũng - cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) - cho rằng các nguồn điện từ năng lượng tái tạo đã góp phần bổ sung nguồn điện cho hệ thống điện quốc gia trong bối cảnh hệ thống thiếu nguồn cung cấp bởi nguồn thủy điện sụt giảm do hạn hán kéo dài, các dự án điện khí chậm tiến độ, các dự án nhiệt điện than không thể thực hiện, đặc biệt giảm sản lượng điện huy động từ nguồn điện chạy dầu giá cao. Do đó, cần có chính sách thông thoáng hơn để thu hút đầu tư vào năng lượng sạch, trong đó có điện mặt trời.
Theo ông Đào Du Dương - Hiệp hội Năng lượng sạch VN, không nên yêu cầu bổ sung quy hoạch đối với các dự án điện mặt trời áp mái trên 1 MWp, chỉ nên yêu cầu đối với các dự án phát lên lưới trên 1 MW.
TS Đinh Thế Hiển - viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng - cũng cho rằng để khuyến khích đầu tư năng lượng tái tạo, phải có quy định gắn điện áp mái đối với các dự án bất động sản dân cư và sản xuất kinh doanh. Cụ thể, phải có tiêu chuẩn về năng lượng với các tòa nhà và các dự án chung cư, khu đô thị với ít nhất 1/3 sản lượng điện năng tiêu thụ...
Cũng tại hội thảo, ông Hoàng Quốc Vượng cho rằng các công trình trên mái của các trang trại nông nghiệp công nghệ cao không nhất thiết phải áp dụng theo cách hiểu là phải có tấm pin áp vào mái nhà, như thế sẽ cản trở sự phát triển của DN. Do đó, ông Vượng cho biết trong thông tư mới hướng dẫn quyết định số 13 (có hiệu lực từ 22-5) sẽ xem xét điều chỉnh những khó khăn, vướng mắc này của DN.
Tuy vậy, theo ông Vượng, do giá điện mặt trời mái nhà (khoảng 1.943 đồng/kWh) hấp dẫn hơn điện mặt đất (khoảng 1.644 đồng/kWh), có hiện tượng một số nơi "lách luật" chỉ dựng khung, trồng cây sơ sài rồi làm điện áp mái để được hưởng giá điện ưu đãi.
"Bộ Công thương sẽ nghiên cứu để quy định các công trình điện mặt trời lắp trên mái các trang trại nông nghiệp, các khu công nghiệp sẽ được hưởng giá như thế nào và có tham gia đấu giá hay không nhằm đẩy nhanh phát triển các dự án trên những mái nhà này" - ông Vượng cho biết.
Sửa đổi hàng loạt quy định gây khó
Ông Hoàng Quốc Vượng cho biết đến nay tại các địa phương đã có các dự án đầu tư năng lượng sạch, trong đó có điện áp mái với công suất hơn 100.000 MW điện, trong đó có gần 7.000 MW điện mặt trời và 3.000 MW điện gió, đã và đang được đầu tư xây dựng. Các nguồn năng lượng tái tạo nếu được phát huy tốt sẽ thay thế hiệu quả nguồn năng lượng nhập khẩu như than, điện từ các nước lân cận.
Tuy nhiên, theo ông Vượng, việc phát triển mạnh của điện áp mái thời gian qua cũng làm phát sinh những vấn đề liên quan đến chính sách như một số nơi phải xin giấy phép khi muốn lắp điện mặt trời, các tiêu chuẩn kỹ thuật để đáp ứng an toàn khi vận hành, giới hạn công suất của các dự án phải bổ sung quy hoạch tại các khu công nghiệp...
Do đó, Bộ Công thương đã báo cáo Thủ tướng và cũng đã có văn bản gửi các địa phương yêu cầu phải tạo điều kiện cho các hộ dân lắp đặt áp mái nếu hệ thống các tấm pin không gây ảnh hưởng đến các công trình xây dựng.
Ngoài ra, Bộ Công thương cũng sẽ nghiên cứu, báo cáo Chính phủ về việc kéo dài giá cố định đối với các dự án điện mặt trời áp mái nhằm khuyến khích người dân, DN đầu tư và sử dụng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận