Một thanh niên dán tờ rơi lên tường nhà người dân ở P.Phước Long B, Q.9, TP.HCM bị camera an ninh ghi lại |
“Chuyện nhỏ sao không giải quyết được?”, “Chưa bao giờ thấy xử phạt người dán quảng cáo, công ty thuê người này” hay “mức xử phạt còn quá nhẹ”…là những bình luận bức xúc của nhiều bạn đọc sau phóng sự của TTO.
Chuyện tờ rơi được phát bừa bãi, rơi đầy ở ngã ba, ngã tư hay quảng cáo dán lung tung, chồng chất lớp này lên lớp khác trên cột điện, cột đèn, chân cầu vượt, tường của các công trình công cộng dường như đã trở thành…chuyện thường ngày.
Hành vi phát, dán tờ rơi quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội. Quy định của pháp luật đã có nhưng người dán cứ dán, người phát cứ phát,…
Có mức phạt nhưng chưa thấy phạt?
Luật sư Trần Ngọc Quý (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng việc xử lý hành vi phát, dán tờ rơi quảng cáo là khó nhưng không phải không thực hiện được. Các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương cần tăng cường quản lý an ninh trật tự xã hội, mạnh tay xử phạt người phát, dán tờ rơi cũng như những cơ sở đã cử nhân viên phát, dán tờ rơi không đúng nơi đúng chỗ, nội dung tờ rơi lập lờ, gian dối.
Theo Nghị định 28/2017/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ ngày 5-5, đối tượng treo, đặt, dán, vẽ quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 1-2 triệu đồng. Đối với người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quảng cáo bằng hình thức này sẽ bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng.
Hành vi phát tờ rơi quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội cũng bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đến 500.000 đồng. Người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo trên tờ rơi làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng.
Nghị định cũng quy định phạt tiền từ 15-20 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định.
Nên có trụ thông tin quảng cáo?
Ông Quý cho rằng các cơ quan chức năng cần lập và thông tin rộng rãi đường dây nóng để khi người dân phát hiện các trường hợp phát, dán tờ rơi nơi công cộng không đúng quy định có thể báo về. Lực lượng chức năng cũng cần cơ động để tới xử lý kịp thời.
Ngoài ra, ở một số tuyến đường đã có hệ thống camera giám sát thì việc trích xuất thông tin không quá khó khăn. Trên mỗi tờ rơi quảng cáo đều có thông tin của công ty, doanh nghiệp, có thể căn cứ vào đó để liên hệ xác minh và nhắc nhở, cảnh cáo, xử lý nếu sai phạm.
Theo kiến trúc sư (KTS) Khương Văn Mười, việc phát, dán tờ rơi quảng cáo là cách làm thủ công và sẽ giảm dần theo sự phát triển của xã hội. Thay vào đó là xu hướng quảng cáo trực tuyến. Tuy nhiên, dù có giảm thì hình thức này vẫn sẽ còn tồn tại.
“Vì vậy, tại mỗi khu vực cần có những trụ, bảng thông tin quảng cáo miễn phí để góp phần hạn chế tình trạng phát, dán tràn lan”, ông Mười đề xuất.
Việc cần làm của cơ quan chức năng là xác định không gian, vị trí đặt trụ, bảng thông tin, giới hạn thời gian được dán cho một mẩu quảng cáo cũng như kiểm soát nội dung, vị trí dán của tờ rơi quảng cáo.
Ông Mười lưu ý: “Điều này sẽ tránh được một số việc như: một quảng cáo nhưng dán quá lâu, chiếm diện tích, quảng cáo dán chồng chất bừa bãi, nội dung quảng cáo không phù hợp với quy định pháp luật”.
Phải kiên quyết
Cột điện bị dán đầy quảng cáo trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Q. Bình Thạnh, TP.HCM) Có mẩu quảng cáo đã rách, mất mỹ quan - Ảnh: Mạnh Khang |
Theo ông Minh Hoàng (TP.HCM), vấn đề là chúng ta chưa “mạnh tay” trong xử lý các hành vi phát, dán tờ rơi quảng cáo tràn lan nên chưa răn đe được các đối tượng này. “Dường như các cơ quan chức năng vẫn còn phớt lờ chuyện này”, ông Hoàng nhận định.
Ở một góc nhìn khác, chị Hồng Mai (Q. Tân Bình, TP.HCM) cho biết: “Để không còn quảng cáo tràn lan thì người dân cũng phải chung tay với cơ quan chức năng. Thấy ai dán quảng cáo trước nhà mình thì tự giác đứng ra nhắc một tiếng. Họ không đi, không gỡ thì dán xong mình gỡ ra. Vậy thì đâu có ai dám dán nữa!”.
Một bạn đọc cho rằng đã là hành vi vi phạm pháp luật thì phải được xử lý dù là bất kỳ trường hợp nào. Không thể cứ mãi viện lý do nhân đạo là vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn hay học sinh, sinh viên làm thêm mà cho qua. “Càng làm như vậy, càng khiến tình trạng này không giải quyết được”, bạn đọc này nhấn mạnh.
Đồng Tháp: Có trụ quảng cáo nhưng ít người dùng Gần một năm qua, tại TP Cao Lãnh (Đồng Tháp), nhiều trụ thông tin quảng cáo rao vặt miễn phí đã được lắp đặt dọc theo các tuyến đường lớn, đông người qua lại để người dân, doanh nghiệp, tổ chức có nhu cầu thực hiện quảng cáo dịch vụ, sản phẩm, tránh tình trạng dán, phát tờ rơi quảng cáo trên cây, cột điện gây mất mỹ quan đô thị. Tuy nhiên, hiệu quả của các trụ này chưa cao. Bạn Minh Tân (ĐH Đồng Tháp) cho biết: “Số lượng trụ còn ít, phân bố thưa thớt, màu sắc chưa bắt mắt, diện tích dán lại không nhiều và vị trí đặt trụ cũng không thuận tiện nên trụ “trống trải” trong khi các cột điện, trạm chờ xe buýt xung quanh lại dày đặc giấy quảng cáo”. |
Mời bạn đọc nghe các phát biểu:
>> KTS Khương Văn Mười
>> Luật sư Trần Ngọc Quý
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận