Trong khi đó, các doanh nghiệp đầu mối kêu khó khăn do cách tính giá quá chặt gây lỗ và mong nhà bán lẻ... thông cảm.
Tại hội thảo lấy ý kiến sửa đổi dự thảo nghị định 95 và nghị định 83 về quản lý kinh doanh xăng dầu do VCCI và Bộ Công Thương tổ chức ngày 14-2, đã thu hút hơn 300 doanh nghiệp (DN) đến từ 50 tỉnh thành tham gia, trong đó nhiều DN đã bày tỏ bức xúc về những bất cập trong điều hành, cũng như việc đầu mối "chèn ép" nhà bán lẻ...
Nhà bán lẻ "tố" bị chèn ép
Ông Hà Thanh Tùng, Công ty TNHH Xăng dầu Hà Giang, đại diện cho nhóm DN bán lẻ với 9.000 cửa hàng (53% thị phần bán lẻ), cho biết theo tính toán, số lỗ của DN bán lẻ từ khi xảy ra bất ổn thị trường đến nay lên tới cả 3.000 - 4.000 tỉ đồng, nguy cơ phải ngừng kinh doanh, tác động tới việc đảm bảo chuỗi cung ứng.
"DN bán lẻ bị hạn chế nguồn hàng, chỉ được lấy hàng từ một nguồn, bị chèn ép trong chiết khấu, lỗ cũng phải chịu", ông Tùng bức xúc và đề nghị cần có sự công bằng giữa DN bán lẻ và thương nhân phân phối.
Ông Hoàng Trung Dũng, giám đốc Công ty CP Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ (APP), cho rằng nên để bán lẻ được lấy từ ba nguồn, tạo cạnh tranh về giá.
Tuy nhiên, theo ông Dũng, với 34 thương nhân đầu mối xăng dầu hoạt động hiện nay, không đủ nguồn lực tài chính mạnh để đảm bảo nguồn cung cho thị trường. Vì vậy, để chia lửa cho các đầu mối, đặc biệt khi thị trường khó khăn, giá lên cao như thời gian qua, cần duy trì hệ thống phân phối.
Theo ông Văn Tấn Phụng, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty CP Thương mại dầu khí Đồng Nai, điều lạ lùng trên thị trường này là DN bị lỗ vẫn phải bán, vẫn phải kinh doanh. Trong khi đó, thương nhân phân phối có vai trò đưa hàng từ đầu mối về các đơn vị nhượng quyền, đại lý xuống cửa hàng bán lẻ, nhưng cũng gặp khó khăn khi không nhập được hàng.
"Là DN tại Đồng Nai, sát TP.HCM có tổng kho Nhà Bè nhưng vừa rồi chúng tôi cũng rất khó lấy được hàng. Không lấy được từ đầu mối, phải điều hòa hàng từ thương nhân phân phối khác, chuyển hóa qua lại để có đủ hàng cung ứng.
Do đó, dự thảo không nên khống chế việc thương nhân phân phối chỉ được lấy hàng từ ba đầu mối để đảm bảo cung ứng xăng dầu" - ông Phụng nêu quan điểm.
Đầu mối kêu khó, mong... thông cảm!
Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Hồng Nam - trưởng ban chính sách kinh doanh của Petrolimex - cho biết theo quy định hiện nay, thương nhân đầu mối phải dự trữ tồn kho 20 ngày.
Tuy nhiên, công thức tính giá có biên độ giá quá ngắn, nên khi giá xuống khiến DN "chết vì tồn kho", bị thua lỗ nên DN không có đủ nguồn để chia sẻ chiết khấu lại cho các DN.
Do đó, ông Nam cho rằng việc thay đổi chu kỳ điều hành giá không quan trọng bằng công thức tính giá bao gồm được cả mức tồn kho của DN.
Trong bối cảnh DN đầu mối phải nhập hàng, chi phí lớn hàng chục triệu USD cho mỗi tàu, nên dù đồng tình với việc chia sẻ chiết khấu cho các đại lý bán lẻ, nhưng theo ông Nam, cần đảm bảo chi phí kinh doanh của thương nhân đầu mối và phân phối.
Ông Phạm Văn Thoại, chủ tịch Saigon Petro, cũng cho biết dù có 34 thương nhân đầu mối nhưng thực chất chỉ khoảng hơn 15 DN nhập hàng.
Khó khăn dồn vào các DN đầu mối của Nhà nước, vừa phải vay vốn khi ngân hàng siết tín dụng, bán hàng thu tiền Việt nhưng mua hàng phải trả tiền đô, chịu thiệt lỗ tỉ giá. Việc nhập khẩu thì không hề dễ dàng, có thời điểm "giá trên trời".
"Các ý kiến nêu ra là thỏa đáng nhưng phải hiểu cho chúng tôi. Chúng tôi có lãi thì chia liền, nhưng chúng tôi bị lỗ quá. Mong các anh chị hết sức bình tĩnh, phải từ từ, lắng nghe chia sẻ, tìm ra giải pháp để tháo gỡ" - ông Thoại nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ sau hội thảo, nhiều đại lý bán lẻ, phân phối xăng dầu cho biết việc các thương nhân đầu mối kêu khó khăn và "xin chia sẻ" là không thuyết phục, bởi thực tế các đầu mối lãi cả nghìn tỉ đồng.
"Cùng trong chuỗi cung ứng, phân phối xăng dầu nhưng khó khăn, lỗ thì đổ hết cho bán lẻ, chúng tôi có số liệu, hóa đơn bán hàng cung cấp rõ ràng việc giá mua vào bằng giá bán ra, trong khi đầu mối chỉ biết kêu than và đòi chia sẻ, đồng cảm là không thuyết phục" - một DN bức xúc.
* Ông Nguyễn Đình Cung (nguyên viện trưởng CIEM):
Hãy để thị trường tự vận hành
Thị trường bất ổn vừa qua cho thấy sự quản lý, điều hành yếu, có vấn đề. Mấu chốt là Nhà nước quyết định giá bán lẻ.
Trong khi xăng dầu thế giới là thị trường cạnh tranh, minh bạch, biến động giá hằng ngày, hằng giờ. Nếu lo lắng giá xăng dầu tác động CPI, Nhà nước nên giảm thuế trong xăng dầu sẽ có tác động hơn nhiều.
Cần đưa xăng dầu quay trở lại thị trường, để thị trường quyết định giá cả. Khi chúng ta tự do hóa giá gạo cũng có nhiều lo lắng, nhưng thị trường rất "thông minh".
Nếu lo thì nên lo nhóm người dân nghèo, giá cao thì trợ cấp trực tiếp cho người dân ở vùng sâu, vùng xa. Cần bỏ trần giá, bỏ quỹ bình ổn giá... để thị trường quyết định.
Có thể xây dựng công thức tính giá, công bố giá tối đa trên thị trường hằng ngày, có thể là giá tham chiếu, DN dựa trên cơ sở này để làm. Cần rà soát lại điều kiện kinh doanh, những thứ gì hạn chế cạnh tranh, quyền tự do kinh doanh thì bỏ, chỉ giữ các quy định liên quan chất lượng, an toàn.
* Ông Đậu Anh Tuấn (phó tổng thư ký kiêm trưởng Ban pháp chế VCCI):
Cần trao xăng dầu về cho thị trường
Quan điểm trong việc soạn thảo dự thảo nghị định lần này cần nhất quán việc cạnh tranh bình đẳng, tự do kinh doanh và công khai minh bạch.
Chúng tôi tin rằng khi đáp ứng yêu cầu này sẽ đáp ứng yêu cầu của DN, người dân. Việc cơ quan quản lý xử lý nghiêm tình trạng cây xăng đóng cửa chỉ là giải pháp tình thế, trong khi thực tế DN đang kinh doanh thua lỗ.
Lẽ ra phải giải quyết bài toán chi phí, thuế, tiến tới thị trường thì mới hiệu quả. Do đó, cần phải trao thị trường xăng dầu về cho thị trường để tạo thuận lợi cho DN kinh doanh bền vững.
Đây cũng là một yêu cầu quan trọng trong sửa đổi nghị định 95 và 83 lần này, tạo thuận lợi cho DN muốn bán hàng, muốn cạnh tranh, muốn đầu tư, muốn phục vụ...
* Ông Trần Duy Đông (vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương):
Quản lý xăng dầu sẽ theo thị trường
Các công cụ quản lý nhà nước đều không có tác dụng về dài hạn, mà cuối cùng vẫn phải quay về quy luật thị trường.
Có nhiều vấn đề chúng ta loay hoay tìm hướng xử lý trong khi lẽ ra cơ quan quản lý nhà nước không cần ngồi bàn, mà để thị trường tự vận hành sẽ hiệu quả hơn, như chiết khấu tối thiểu, chu kỳ điều hành...
Việc sửa đổi dự thảo có nhiều vấn đề đặt ra. Như nguồn lực nhà nước để can thiệp thực sự vào thị trường đã đủ chưa, vì hiện nay vẫn phải kêu gọi nguồn lực doanh nghiệp. Các công cụ quản lý nhà nước nên can thiệp đến đâu?
Tư duy về quan hệ cung cầu, về quy luật cạnh tranh? Chúng tôi khẳng định sẽ tiếp thu lắng nghe các ý kiến, góp phần sửa đổi bất cập của nghị định. Về dài hạn, quản lý xăng dầu tiến tới theo quy luật khách quan của thị trường, nhưng cần phải có thời gian để làm việc này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận