Ông gọi thể chế là "điểm nghẽn của điểm nghẽn" bởi vì nó tác động trực tiếp tới hạ tầng và nhân lực. Nếu thể chế kém hiệu quả hoặc bế tắc, nó sẽ cản trở cả việc phát triển hạ tầng và tối ưu hóa nguồn nhân lực.
Vậy thể chế là gì? Thể chế là hệ thống các thiết chế (Đảng, Nhà nước, các tổ chức xã hội...) và các quy tắc, luật lệ điều chỉnh hoạt động của chúng.
Nghẽn thể chế là hiện tượng hệ thống các thiết chế hoạt động bế tắc, kém hiệu quả vì các quy tắc, luật lệ ôm đồm, chồng chéo và xung đột.
Như vậy, về bản chất, nghẽn thể chế là hiện tượng các thiết chế hoạt động bế tắc, kém hiệu quả. Nguyên nhân của nghẽn thể chế là sự ôm đồm, chồng chéo và xung đột của các quy tắc, luật lệ (hay hệ thống pháp luật).
Muốn gỡ nghẽn thể chế thì phải cải cách hệ thống pháp luật.
Việc quan trọng đầu tiên là phải xác định một cách mạch lạc, rõ ràng chức năng, nhiệm vụ của các thiết chế cấu thành nên thể chế, không để xảy ra tình trạng chồng chéo, trùng lặp giữa chúng với nhau.
Đảng lãnh đạo chứ không làm thay Nhà nước; Quốc hội không làm công việc của Chính phủ; chính quyền trung ương không làm công việc của các chính quyền địa phương; các tổ chức chính trị - xã hội không làm công việc của Đảng và Nhà nước...
Thứ hai là cần khắc phục tình trạng ôm đồm trong công tác xây dựng pháp luật. Khi các thiết chế bị điều chỉnh quá nhiều, sự ràng buộc sẽ gia tăng, sự tuân thủ sẽ trở nên vô cùng khó khăn, tốn kém.
Trong không ít trường hợp, sự bế tắc sẽ xảy ra, vì các thể chế không biết phải làm thế nào để có thể tuân thủ cho hết các quy định của pháp luật.
Chỉ đạo của Tổng bí thư Tô Lâm về việc "Tuyệt đối không... luật hóa các quy định của nghị định và thông tư" chính là để khắc phục tình trạng ôm đồm nói trên.
Thứ ba là cần xóa bỏ sự chồng chéo, xung đột của các văn bản quy phạm pháp luật. Chồng chéo và xung đột giữa các văn bản pháp luật gây ra sự không rõ ràng cho việc thực thi, khiến các cơ quan quản lý không biết phải tuân theo quy định nào.
Điều này dẫn đến sự trì hoãn trong quyết định và hành động, làm tăng sự mơ hồ về trách nhiệm. Để xóa bỏ sự chồng chéo, xung đột của pháp luật thì cần đổi mới triệt để quy trình lập pháp và nâng cao chất lượng của kỹ thuật lập pháp.
Thứ tư là phải cắt giảm hơn nữa các thủ tục hành chính rườm rà. Thủ tục hành chính rườm rà tạo ra nghẽn thể chế vì nó kéo dài quá trình xử lý, gây trì trệ và làm mất nhiều thời gian trong việc phê duyệt hoặc thực thi các chính sách.
Khi các thủ tục quá phức tạp, người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuân thủ, làm tăng chi phí và tạo ra sự lãng phí nguồn lực.
Thứ năm là cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giúp tháo gỡ nghẽn thể chế bằng cách trao quyền tự chủ cho các địa phương và đơn vị quản lý, giúp họ ra quyết định nhanh chóng và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Điều này loại bỏ sự chồng chéo và phụ thuộc vào cấp trung ương, giảm thiểu các thủ tục phức tạp và tăng cường hiệu quả quản lý. Phân quyền tạo điều kiện linh hoạt trong thực thi chính sách, giúp tối ưu hóa nguồn lực và đẩy nhanh quá trình phát triển.
Tháo gỡ điểm nghẽn thể chế là yếu tố rất quan trọng cho giai đoạn phát triển hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới với mục tiêu vươn mình mạnh mẽ. Bằng cách cải thiện hệ thống pháp luật, đơn giản hóa thủ tục hành chính và nâng cao năng lực thể chế,
Việt Nam sẽ khơi thông các nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và tận dụng các cơ hội phát triển để đạt được sự thịnh vượng bền vững cho dân tộc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận