Niềm vui của các bệnh nhân ung thư đang được điều trị tại khoa ung bướu, xạ trị Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội) khi nhận thông tin có thể được chi trả như hiện nay cho đến hết liệu trình điều trị - Ảnh: N.Khánh |
Ngay sau phiên họp này, Tuổi Trẻ đã có cuộc gặp gỡ với bà Tống Thị Song Hương - vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế. Bà Hương cho biết:
Những gì báo chí phản ánh những ngày vừa qua là đúng, là tâm tư của bệnh nhân. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến những ngày qua rất lắng nghe và ghi nhận, tiếp thu tâm tư của người dân.
* Thưa bà, trong số các thuốc mới giá cao mà quỹ Bảo hiểm y tế giảm chi trả có nhiều thuốc điều trị ung thư và đang là cơ hội sống của bệnh nhân. Sau phiên họp với Phó thủ tướng, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội VN sẽ có hướng giải quyết như thế nào?
- Danh mục thuốc được Bảo hiểm y tế chi trả có 845 hoạt chất, 1.064 thuốc, trong đó có 57 thuốc điều trị ung thư và điều hòa miễn dịch được quỹ chi trả 100%.
Ngoài ra có 15 thuốc chi trả 50%, thì có 11/15 thuốc trước đây ở ngoài danh mục, quy định cũ cho phép quỹ bảo hiểm chi trả 50%, nay chúng tôi đưa vào danh mục để dễ quản lý hơn và quỹ bảo hiểm vẫn chi trả 50% chi phí. Chỉ có 4/15 thuốc là giảm chi trả từ 100% xuống 50%.
Theo quy định trong thông tư 40 ban hành năm 2014 về bảo hiểm y tế, những bệnh nhân đang điều trị trước thời điểm thông tư có hiệu lực sẽ tiếp tục có quyền lợi như hiện nay cho đến hết đợt điều trị.
Ngoài ra, trong nghị định 105 hướng dẫn thực hiện Luật bảo hiểm y tế, quỹ Bảo hiểm y tế vẫn sẽ thanh toán 100% chi phí và không quy định tỉ lệ với trẻ em dưới 6 tuổi, người có công với cách mạng, thương binh, bệnh binh đang trong giai đoạn điều trị vết thương tái phát...
Vì vậy trong giai đoạn chuyển tiếp người bệnh sẽ không bị ảnh hưởng.
* Mỗi đợt điều trị của người bệnh hiểm nghèo chỉ kéo dài hai tuần. Có áp dụng thông tư 40 thì chỉ sau hai tuần đầu tháng 1-2015 là quy định về tỉ lệ chi trả sẽ ảnh hưởng đến bệnh nhân, trong đó có những bệnh nhân phác đồ hiện nay là phác đồ cuối cùng. Với những bệnh nhân này thì giải pháp nào là phù hợp?
- Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến rất lắng nghe và ghi nhận tâm tư của người dân. Sau khi bàn bạc giữa các bên, một trong những giải pháp là các trường hợp thật sự có ảnh hưởng có thể sẽ được hưởng quyền lợi như hiện nay cho tới hết liệu trình điều trị (đều đặn mỗi ngày một viên thuốc - PV).
Bên cạnh đó, chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ quyết định 14 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó đã giao UBND các tỉnh thành thành lập quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo, và một trong những đối tượng quỹ cần hỗ trợ là người bệnh hiểm nghèo, mãn tính, chi phí điều trị lớn như bệnh nhân ung thư.
Hiện nay có địa phương chưa có quỹ này, nhưng đây là quyết định của Thủ tướng, chắc chắn địa phương sẽ thành lập.
* Còn phương án phối hợp Bộ Y tế - Bảo hiểm xã hội VN và hãng dược, như cách hiện nay đang áp dụng để cung cấp thuốc điều trị bạch cầu mãn dòng tủy và u mô đệm đường tiêu hóa, liệu có khả thi?
- Theo tôi được biết, ngoài chương trình cung cấp thuốc cho người bệnh bạch cầu mãn dòng tủy và u mô đệm đường tiêu hóa, đã có hãng dược sản xuất loại thuốc điều trị ung thư gan và ung thư thận (chi phí điều trị khoảng 1,2 tỉ đồng/năm, danh mục thuốc quỹ bảo hiểm y tế chi trả 50% chi phí - PV) có dự án phối hợp theo hướng bảo hiểm chi trả 40% chi phí, hãng dược tài trợ 30% bằng thuốc và khoảng 30% còn lại do người bệnh chi trả.
Dự án này đang ở khâu xây dựng và chờ ký phê duyệt để có thể áp dụng từ năm 2015.
Bên cạnh đó, có hai hãng dược đang cung cấp loại thuốc điều trị ung thư có chi phí điều trị 45-50 triệu đồng/tháng (quỹ bảo hiểm y tế chi 50% kể từ ngày 1-1-2015 - PV) đã đồng ý về nguyên tắc là hỗ trợ theo hình thức này.
Tôi cho rằng đây là giải pháp hữu hiệu cho người bệnh ung thư đang điều trị bằng bốn loại thuốc đắt tiền mà quỹ bảo hiểm chi trả theo tỉ lệ từ năm 2015.
Từ năm 2015-2019 cung cấp thuốc miễn phí cho bệnh nhân hai loại bệnh ung thư Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên vừa ký quyết định phê duyệt chương trình hỗ trợ hai loại thuốc chi phí 45-50 triệu đồng/tháng cho bệnh nhân bạch cầu mãn dòng tủy và u mô đệm đường tiêu hóa. Theo đó, quyết định này sẽ áp dụng từ năm 2015-2019 tại bảy cơ sở khám chữa bệnh gồm Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, Viện Huyết học và truyền máu trung ương, Bệnh viện Truyền máu - huyết học TP.HCM. Trong đó quỹ bảo hiểm y tế chi trả 40% tiền thuốc, nhà sản xuất thuốc cung cấp 60% chi phí còn lại bằng cách cung cấp thuốc theo liệu trình điều trị được bác sĩ chỉ định. Đây là lần thứ hai Bộ Y tế phê duyệt chương trình này. So với chương trình cũ, chương trình lần này có bổ sung một loại thuốc thế hệ mới, áp dụng trong trường hợp bệnh nhân đã kháng với phác đồ hiện hành, hoặc không dung nạp với thuốc đã được chỉ định. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận