Phát biểu tại hội thảo “Những giải pháp phát triển sản xuất và xuất khẩu thủy sản bền vững” diễn ra tại TP Cần Thơ ngày 24-10, ông Vũ Văn Tám - thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn - cam kết sẽ thúc đẩy việc xúc tiến tìm nguồn vốn ngoài ngân sách để vực dậy ngành thủy sản đang tăng trưởng chậm trong những tháng cuối năm 2012.
Phóng to |
Người nuôi tôm đang gặp khó khăn về vốn để tái sản xuất vì tôm chết. Trong ảnh: thu hoạch tôm thẻ chân trắng tại xã Trần Phán, huyện Đầm Dơi, Cà Mau - Ảnh: Chí Quốc |
Theo bà Dương Phương Thảo - phó vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), đến đầu tháng 10-2012 kim ngạch xuất khẩu thủy sản mới chỉ đạt 4,46 tỉ USD, tăng 4,3%, do vậy rất khó đạt được mức 6,5 tỉ USD như kế hoạch năm 2012.
Bà Thảo nhận định mức tăng trưởng của ngành thủy sản chủ yếu tập trung vào quý 1, chậm lại vào quý 2 và có biểu hiện suy giảm vào quý 3-2012 do hai ngành hàng chủ lực là cá tra và tôm gặp khó. Trong đó, tôm bị dịch bệnh và bị cạnh tranh gay gắt ở các thị trường Ấn Độ, Thái Lan, còn cá tra thì giá nguyên liệu tăng, giá tiêu thụ thấp.
Là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất do tôm chết, ông Nguyễn Văn Khởi - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng - cho biết mùa vụ năm 2011 và 2012 tỉnh bị thiệt hại trên 4.000 tỉ đồng vì tôm chết. Tôm chết phần lớn là do bệnh đốm trắng, đầu vàng, hội chứng teo và hoại tử gan...
Trước thực trạng tôm chết hàng loạt, ông Khởi kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ con tôm như đối với cá tra theo công văn 1149 ban hành tháng 8-2012 (giãn nợ tối đa 24 tháng và hạ lãi suất đối với khoản vốn đã vay, tiếp tục cho vay mới với lãi suất 11%/tháng).
Ông Vũ Văn Tám cho biết con tôm cũng khó khăn như cá tra, nên bộ đã chính thức có tờ trình Chính phủ báo cáo việc thực hiện công văn 1149 và đề xuất cho người nuôi tôm được hưởng chính sách như đối với người nuôi cá tra.
Về hướng ra cho thủy sản, ông Tám cho rằng ngoài việc tiếp tục phát triển hệ thống thủy lợi và hạ tầng phục vụ ngành thủy sản bằng vốn ngân sách hằng năm, phải kêu gọi đầu tư cho ngành này bằng nguồn vốn ODA, FDI và các nguồn vốn quốc tế khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận