05/10/2022 09:44 GMT+7

Gò Công - Kỳ cuối: Mong gặp lại Làng thành phố vàng son một thủa

HÙNG ANH
HÙNG ANH

TTO - Việc chính quyền Tiền Giang quyết định đưa thị xã Gò Công trở lại vị thế thành phố khiến người dân vui mừng. Liệu có thể khôi phục những nét cổ kính, vàng son một thuở của Gò Công xinh đẹp để phát triển du lịch như phố cổ Hội An?

Gò Công - Kỳ cuối: Mong gặp lại Làng thành phố vàng son một thủa - Ảnh 1.

Kho bạc Gò Công thập niên 1920 - Ảnh tư liệu

Tôi cứ thắc mắc tại sao Hội An lại phục hồi, giữ gìn được những giá trị cổ kính? Nhà cổ được phục hồi, những khu phố mới tách rời khỏi khu phố cũ, và Hội An trở thành đô thị du lịch nổi tiếng. Còn đô thị cổ Gò Công, tại sao không...

Thạc sĩ LÊ ÁI SIÊM

Đưa "pháo đài yến" ra khỏi phố

Những ngày ở Gò Công, tôi chạnh lòng khi nghe nhiều người gọi đùa đô thị cổ từng nổi tiếng từ thuở Nam Kỳ lục tỉnh này là "thị xã pháo đài yến".

Ông Nguyễn Văn Thọ, cư dân thị xã, cho biết từ năm 2006 đến nay nhiều căn nhà cổ hàng trăm năm tuổi của thị xã đã biến mất, nhường chỗ cho hàng trăm căn nhà dị dạng trị giá bạc tỉ, xây dựng rất kiên cố nhưng phá vỡ cảnh quan đô thị cổ kính.

"Người ta gọi đó là "pháo đài yến" cũng không quá lời, vì nhà lầu 2-3 tầng xây tường vững chắc nhưng không có người ở, chỉ dành nuôi chim yến. Nhà không cửa sổ, hai bên tường chi chít ô cửa nhỏ như... lỗ súng pháo đài.

Trên mái nhà, máy dẫn dụ chim phát ra rả tiếng kêu của chim yến suốt ngày đêm làm ảnh hưởng đến nhiều người. Cá biệt, có những gia đình xây nhà 2-3 tầng lầu nhưng cả nhà cư trú ở tầng trệt, các tầng lầu ưu tiên dành cho chim yến trú ngụ", ông Thọ tâm sự nỗi niềm.

Người đàn ông cả đời gắn bó với xứ Gò Công này kể phong trào nuôi chim yến lấy tổ (dân trong nghề gọi là nuôi vàng trắng) ở thị xã Gò Công bắt đầu năm 2006, khi người dân tình cờ phát hiện hàng ngàn con chim yến trú ngụ và đóng tổ trong tòa nhà Dinh Tỉnh trưởng Gò Công cũ (dinh Tham biện thời Pháp thuộc).

Nhiều người bắc thang lên xem thì thu được rất nhiều tổ yến. Nghe đồn hồi đó người ta lấy được gần 100kg tổ yến bán với giá gần 30 triệu đồng/kg.

Sau đó một doanh nghiệp ký hợp đồng thuê tòa nhà để chăm sóc và khai thác tổ yến, dù từ năm 1985 người Pháp đã có thông báo ngưng sử dụng tòa nhà vì hư hỏng, xuống cấp, rất nguy hiểm.

Vài tháng sau, người ta lại phát hiện thêm một bầy chim yến rất đông đóng tổ ở nhà lồng chợ Gò Công mới, nên tiếp tục hợp đồng thuê nơi này để nuôi chim và thu hoạch tổ yến.

Từ đó tiếng đồn rộ lên, nào là một kg tổ yến chưa sơ chế giá 30 triệu đồng, một kg tổ đã chế biến giá 50 - 60 triệu đồng, đắt như "vàng trắng", chỉ cần đầu tư xây nhà nuôi chim yến vài tháng là thành tỉ phú.

Từ đó cả thị xã lên cơn sốt xây nhà nuôi chim yến lấy tổ. Theo thống kê chưa đầy đủ của các cơ quan hữu trách tỉnh Tiền Giang, cuối năm 2011 toàn thị xã Gò Công có khoảng 140 cơ sở nuôi yến. Đến hết năm 2019, toàn tỉnh Tiền Giang có hơn 1.000 nhà nuôi yến, trong đó nhà xây dựng kiên cố chuyên dụng gần 700 căn, nhà kết hợp ở hơn 320 căn.

Trong số này thị xã Gò Công chiếm khoảng hơn 50%. Việc xây một "pháo đài yến" 3 tầng diện tích 300m2 tốn gần 3 tỉ đồng, chưa kể chi phí trang bị máy móc phát ra tiếng kêu dụ chim về ở và nhiều hạng mục cần thiết khác.

Ông Thọ cho biết với mật độ nhà nuôi chim yến như hiện nay, thị xã Gò Công trở thành nơi có nhiều "pháo đài nuôi chim yến" nhất nhì Việt Nam. Những "pháo đài chim yến" đã phá vỡ cảnh quan đô thị cổ của Đồng bằng sông Cửu Long.

Thạc sĩ Lê Ái Siêm (chủ tịch Hội Khoa học - Lịch sử Tiền Giang) cho biết: Ngoài các khu phố cổ, thị xã Gò Công còn có nhiều di tích cấp quốc gia như khu Lăng Hoàng gia của dòng họ Quốc công Phạm Đăng Hưng, đền thờ và lăng mộ Anh hùng dân tộc, Bình Tây đại nguyên soái Trương Định và nhiều dinh thự cổ của những bá hộ, hào phú xưa.

Phố cổ Gò Công là sự kết hợp những kiến trúc như nhà phố, nhà vườn, nhà kho, lẫm lúa, di tích, hội quán, tiệm buôn người Hoa, nhà thờ, hồ nước... tạo nên cảnh quan đô thị đặc biệt riêng có của thị xã. Đáng tiếc, hiện nay nhiều kiến trúc cổ của thị xã đang bị xuống cấp trầm trọng trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt của vùng duyên hải.

Nhiều công thự cũ, nhà cổ bị xóa sổ do quá trình đô thị hóa. Đáng lưu ý, những "pháo đài chim yến" dị dạng đã phá vỡ cảnh quan cổ kính của thị xã hàng trăm năm tuổi, khiến nhiều người bức xúc.

Vì vậy, chính quyền Tiền Giang đang buộc những "pháo đài chim yến" ở thị xã Gò Công phải di dời ra ngoại thành. Hạn cuối là ngày 31-12-2024, trước khi thị xã Gò Công xinh đẹp, cổ kính được đưa trở lại vị thế thành phố.

Gò Công - Kỳ cuối: Mong gặp lại Làng thành phố vàng son một thủa - Ảnh 3.

Một nhà làm việc xưa ở Gò Công - Ảnh: tư liệu

Khôi phục "dấu xưa thành cũ"

Trước động thái nâng cấp thị xã lên thành phố, nhiều người bày tỏ đưa Gò Công trở lại vị thế thành phố thì dễ, nhưng phục hồi những giá trị văn hóa, kiến trúc cổ xưa của đô thị để có thể giới thiệu với khách du lịch gần xa, trong nước và quốc tế là chuyện "nói dễ hơn làm".

Thạc sĩ Lê Ái Siêm cho biết khi còn ở cương vị giám đốc Bảo tàng Tiền Giang, ông rất xót xa trước tình trạng phố cổ Gò Công đang mất dần do nhu cầu phải có nơi ở ngày càng hiện đại của người dân.

Lúc đó, ông Siêm từng nhiều lần đề nghị chính quyền thị xã Gò Công tìm các giải pháp phù hợp để vừa bảo tồn được phố cổ, vừa bảo đảm phát triển đô thị. Nhiều người đồng cảm, nhưng rồi việc bảo tồn phố cổ vướng chuyện kinh phí, giải pháp hỗ trợ dân cư bảo tồn phố cổ, quy hoạch xây dựng đô thị... nên chìm vào quên lãng.

"Tôi từng nhiều lần đến phố cổ Hội An. Hội An xưa cũng có nét tương tự như Gò Công. Nhưng thị xã Gò Công đặc biệt hơn Hội An ở chỗ nơi đây là vùng đất ngoại thích của triều Nguyễn, nơi xuất thân của hai bà hoàng và nhiều yếu tố đặc biệt khác về địa lý, con người.

Tôi cứ thắc mắc tại sao Hội An lại phục hồi, giữ gìn được những giá trị cổ kính? Nhà cổ được phục hồi, những khu phố mới tách rời khỏi khu phố cũ, và Hội An trở thành đô thị du lịch nổi tiếng.

Còn đô thị cổ Gò Công, tại sao không thể đưa phố mới, công sở ra ngoại thành, và phục hồi, tôn tạo các khu phố cổ, các công trình, di tích xưa cũ trong nội ô để phục vụ khách du lịch, trong khi thị xã Gò Công hiện nay đã rất gần TP.HCM nhờ có cầu Mỹ Lợi bắc", ông Siêm suy tư.

Tâm đắc chuyện đưa thị xã Gò Công trở lại vị thế thành phố, ông Siêm cho biết Làng thành phố Gò Công thời Pháp thuộc là cái làng độc đáo, riêng có ở miền Nam, vì trong làng có thành phố, trong thành phố có làng, là Làng thành phố duy nhất ở xứ thuộc địa.

"Phố cổ Gò Công là sự pha trộn rất độc đáo của kiến trúc Đông-Tây. Gò Công mất đi những ngôi nhà cổ và những căn phố cổ thì chỉ là một Gò Công cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21 như những thị trấn, thị xã mới thành lập. Những ngôi nhà cổ của thị xã Gò Công đang biến mất, phố cổ Gò Công như tảng băng đang tan dần.

Rồi đến một lúc nào đó, người ta kể chuyện phố xưa Gò Công cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 như là chuyện cổ tích không có thật trong đời. Tôi mong đô thị cổ Gò Công sẽ được phục hồi, để các thế hệ sau sẽ còn nhìn thấy được chút gì đó của Làng thành phố trong cuộc sống hiện đại của mình", ông Siêm bày tỏ nguyện vọng.

Gò Công - Bí ẩn Làng thành phố đầu tiên của lục tỉnh - Kỳ 5: Độc đáo món quê Gò Công tiến vua Gò Công - Bí ẩn Làng thành phố đầu tiên của lục tỉnh - Kỳ 5: Độc đáo món quê Gò Công tiến vua

TTO - "Gọi mắm nhưng thật ra không phải mắm, đó là loại nước chấm thượng hảo hạng làm từ thịt con tôm", ông Phạm Văn tâm sự.

HÙNG ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp