Bà Phan Thị Bạch Vân, chủ nhân Nữ lưu thơ quán - Ảnh tư liệu
Chủ nhân Nữ lưu thơ quán Gò Công
Đường Phan Bội Châu nhỏ hẹp nằm ngay trung tâm thị xã Gò Công. Năm 1928-1929, con đường này có tên Chủ Phước.
Thời đó, ở số nhà 24-26 đường Chủ Phước có một nhà xuất bản sách nổi tiếng với tên gọi "Nữ lưu thơ quán". Bây giờ, tôi nhiều lần ngược xuôi trên đường Phan Bội Châu, tìm dấu tích Nữ lưu thơ quán ngày xưa, nhưng ai cũng lắc đầu không biết.
Bà Ngô Thị Inh (65 tuổi) cho biết bà sinh sống từ nhỏ trên con đường này, nhưng chưa hề nghe nói đến Nữ lưu thơ quán. Nhà giáo ưu tú, nhà nghiên cứu về Gò Công Phan Thanh Sắc xác nhận mấy chục năm qua ông nhiều lần đi tìm dấu tích Nữ lưu thơ quán, nhưng vẫn chưa tìm ra.
Theo tác giả Lê Thị Thanh Tâm (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM), người sáng lập Nữ lưu thơ quán là bà Phan Thị Bạch Vân (tên thật Phan Thị Mai, sinh năm 1903 tại làng Bình Trước, tổng Phước Vĩnh Thượng, tỉnh Biên Hòa, nay là phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai).
Năm 17 tuổi, bà Vân đi lấy chồng, nhưng hôn nhân sớm tan vỡ. Từ năm 1928 bà bắt đầu viết văn, viết báo, đăng bài trên Đông Pháp thời báo. Nhờ nghiệp văn chương, bà Vân gặp ông Võ Đình Dần, chủ nhà thuốc nổi tiếng ở Gò Công và nên duyên chồng vợ, về làm dâu Gò Công năm 1928.
Tại đây, bà Vân sáng lập Nữ lưu thơ quán, trụ sở đặt tại số 24-26 đường Chủ Phước (nay là đường Phan Bội Châu, phường 1, thị xã Gò Công). Sau khi thành lập, Nữ lưu thơ quán Gò Công liên hệ với nhiều văn nhân cả nước, làm công việc biên soạn, xuất bản sách phục vụ chị em phụ nữ, ngày càng nổi tiếng trên văn đàn.
Các văn nhân tên tuổi cộng tác với Nữ lưu thơ quán có Đạm Phương nữ sĩ (Huế), Nguyễn Thị Đan Tâm (Trung Kỳ), Tùng Viên (Trung Kỳ), Vũ Xuân Đệ (Hà Nội), Quốc Anh (Đồng Hới), Á Nam Trần Tuấn Khải (Hà Nội). Mỗi tháng 3 kỳ, Nữ lưu thơ quán xuất bản sách văn học, khoa học, giáo dục... với mục đích:
"Lựa chọn để bán ra cho cả thảy chị em bạn gái bằng cái giá thật hạ những truyện sách xuất bản trong xứ, có ích cho tinh thần đạo đức và nền luân lý nước nhà, giúp cho trí thức nữ lưu được chóng mở học vấn thêm cao".
Từ hoạt động này, Nữ lưu thơ quán đã góp phần truyền bá tư tưởng dân chủ, tiến bộ, kiến thức khoa học cho thanh niên, phụ nữ. Lúc đó, tủ sách của Nữ lưu thơ quán rất phong phú, ngoài sách lịch sử, khoa học, tiểu thuyết, còn có những bộ sách rất thiết thực cho phụ nữ như sách dạy đạo vợ chồng, sinh sản, nuôi nấng con cái.
Thời đó, bà Vân được xem là nữ nhà văn yêu nước, tranh đấu sôi nổi cho nữ quyền và luôn trăn trở trước vận hạn của đất nước, dân tộc. Giới văn chương lúc đó đánh giá bà Bạch Vân là cây bút đa dạng, dịch thuật, viết xã thuyết, làm thơ, sáng tác tiểu thuyết...
Bà viết bài kêu gọi "Phụ nữ Việt Nam ta thử lập vài cái học bổng" (1927), muốn "Mưu trừ tuyệt nghề xe kéo" (1928), làm thơ trào phúng phê phán thói hư tật xấu của xã hội...
Trong tác phẩm của mình, bà bộc lộ những suy nghĩ của một người phụ nữ mới: "Mình cũng mắt cũng tai cũng đầu cũng óc như nam nhi, cớ sao nam nhi người ta lại có quyền vùng vẫy nơi bể học rừng văn, còn mình lại buộc trở về toan đi nương thân gửi phận, chực bám vào người là cớ làm sao".
Trường nữ sinh Gò Công thập niên 1920 - Ảnh tư liệu
Việc Nữ lưu thơ quán công khai truyền bá tư tưởng "thương nước thương dân, lo cho hậu vận nước nhà, ham mến quốc văn, bảo tồn quốc túy" khiến nhà cầm quyền Pháp bất an.
Đầu tiên, nhà cầm quyền buộc Nữ lưu thơ quán phải đổi tên tủ sách "Tinh thần phụ nữ" thành "Sách nữ lưu".
Trong các năm 1928-1929, nhà cầm quyền ban hành nhiều nghị định thư cấm lưu hành các đầu sách của Nữ lưu thơ quán, trong đó có ba cuốn của bà Bạch Vân là Gương nữ kiệt, Giám hồ nữ hiệp và Nữ anh tài. Sau đó Nữ lưu thơ quán bị buộc đóng cửa vào tháng 12-1929.
Ngày 10-2-1930, bà Bạch Vân bị nhà cầm quyền đưa ra tòa Mỹ Tho xét xử tội danh "phá rối cuộc trị an trong xứ bằng văn chương tư tưởng". Tòa đã dựa vào hai chữ "tham chính" trong một bài viết của bà để buộc tội "xúi phụ nữ Việt làm quốc sự".
Nhưng bà Bạch Vân đã kiên quyết phản bác, cho rằng "ai đó đã cố tình diễn dịch sai từ ngữ" để gán tội cho mình. Bà phủ nhận cáo buộc "làm rối trị an dân chúng bằng việc viết sách" với quan điểm:
"Thấy đàn bà An Nam còn dốt nhiều và bị áp chế dưới quyền đàn ông nên viết ra những quyển sách ấy cố tâm khuyến dụ người đàn bà lo học thêm để mở mang trí thức, tập luyện các nghề nghiệp như đàn ông".
Ý kiến của bà được luật sư đồng tình, bênh vực, cho rằng bà không có tội. Theo ông luật sư, hành động "biết đường giải nghiệp cho phụ nữ... làm gương bằng việc lập nhà in thơ quán" của bà Bạch Vân là chuyện nên khen. Bị đuối lý, tòa Mỹ Tho phải tuyên bà Bạch Vân trắng án. Bà mất ngày 2-8-1980.
Manh Manh nữ sĩ
Chân dung Manh Manh nữ sĩ - Ảnh tư liệu
Ba năm sau khi Nữ lưu thơ quán Gò Công bị đóng cửa, đất Gò Công xuất hiện một nữ nhà thơ, nhà báo mạnh mẽ đòi nữ quyền và ủng hộ phong trào thơ mới.
Người đó là Manh Manh nữ sĩ. Manh Manh nữ sĩ tên thật là Nguyễn Thị Kiêm, sinh năm 1914 tại Sài Gòn, nhưng là người quê Gò Công.
Bà Kiêm là con gái của quan Tri huyện Nguyễn Đình Trị (huyện Trị) một cây bút có tiếng trong làng báo thời đó.
Có lẽ chịu ảnh hưởng từ ông huyện Trị nên sau khi lấy bằng Thành chung, bà Kiêm gia nhập làng báo. Lúc đầu, bà Kiêm viết cho các tờ Phụ Nữ Tân Văn, Công Luận, Nữ Lưu, Việt Nam, Tuần Lễ Nay...
Đầu năm 1932, bà Kiêm được giới văn nghệ sĩ, báo chí biết đến qua bút danh Nguyễn Thị Manh Manh khi bà nhiều lần đăng đàn lên tiếng ủng hộ phong trào Thơ mới và đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ.
Trong hồi ký của mình, giáo sư Phan Cự Đệ kể: "Tối ngày 26-7-1933, Nguyễn Thị Kiêm (tức Manh Manh nữ sĩ, khi ấy mới 19 tuổi) diễn thuyết tại Hội Khuyến học Sài Gòn về "Lối thơ mới". Hội này thành lập đã 25 năm mới có một buổi phụ nữ lên diễn đàn, mà cũng là buổi đông thính giả nhất.
Hơn hai năm sau, vào tháng 11-1935, Nguyễn Thị Kiêm lại diễn thuyết một lần nữa tại Hội Khuyến học Sài Gòn. Lần này, bà và ông Nguyễn Văn Hạnh cùng diễn thuyết tranh luận về Thơ mới".
Sau đó bà Kiêm còn đi diễn thuyết ủng hộ Thơ mới, đòi nữ quyền ở nhiều nơi như Quy Nhơn, Đà Nẵng, Huế, Hải Phòng, Hà Nội... Cuối năm 1934, tờ Phụ Nữ Tân Văn bị đình bản, Manh Manh nữ sĩ mất chỗ dựa để đấu tranh cho phong trào Thơ mới và đòi nữ quyền.
Bà trở lại làm phóng viên, cộng tác với nhiều báo, được đánh giá là cây bút mạnh về thể loại phỏng vấn, phê bình, chuyên đả kích các tập tục hủ bại như trọng nam khinh nữ, tảo hôn, đa thê.
Năm 1937, Manh Manh nữ sĩ thành hôn với ông Trương Văn Em (Trương Tuấn Cảnh, nhà báo Lư Khê), nhưng sau đó chia tay. Năm 1950, Manh Manh nữ sĩ lấy chồng người Pháp và sang Pháp định cư cho đến khi qua đời năm 2005, thọ 91 tuổi.
Trong những tài liệu ít ỏi còn lưu giữ được, người ta thấy Manh Manh nữ sĩ dù ủng hộ phong trào Thơ mới nhưng làm thơ rất ít và không in tập thơ nào.
Các tác phẩm còn lưu giữ được của Manh Manh nữ sĩ gồm 4 bài thơ: Viếng phòng vắng (1-1933), Canh tàn (7-1933), Hai cô thiếu nữ (1933), Bức thư gửi cho tất cả ai ưa hay ghét lối Thơ mới (12-1933) và bài diễn thuyết Vấn đề nữ lưu và văn học (5-1932).
Tất cả những tác phẩm này của Manh Manh nữ sĩ được đăng trong bộ sách Việt Nam Thi nhân tiền chiến tập 2, xuất bản tại Sài Gòn năm 1968.
****************
"Gọi mắm nhưng thật ra không phải mắm, đó là loại nước chấm thượng hảo hạng làm từ thịt con tôm".
>> Kỳ tới: Độc đáo món quê mùa Gò Công tiến vua
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận