Những bất cập liên quan việc xây dựng một số đường cao tốc ở Việt Nam như mới xây được rất ít, nhiều tuyến không đủ chuẩn và không an toàn cho thấy có những trục trặc trong tư duy quy hoạch và phát triển hạ tầng ở Việt Nam. So sánh với các nước khác cho thấy rất rõ điều này.
Sau Thế chiến thứ hai, Tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower đã triển khai sáng kiến xây dựng hệ thống đường cao tốc. Kết quả sau gần bảy thập niên, nước Mỹ đã có khoảng 80.000km đường cao tốc.
Hệ thống đường cao tốc của Mỹ mang tên Dwight D. Eisenhower được ví như kỳ quan thứ 8 của nhân loại và đã đóng góp rất lớn cho sự phát triển của cường quốc số 1 thế giới này.
Sau gần bốn thập niên kể từ khi khởi công tuyến cao tốc đầu tiên, Trung Quốc đã xây dựng được hơn 180.000km đường cao tốc cùng với khoảng 45.000km đường sắt cao tốc và 10.000km đường sắt đô thị.
Những hạ tầng giao thông xương sống này là một nhân tố quan trọng giúp Trung Quốc từ nước thu nhập thấp hiện đã chạm ngưỡng nước có thu nhập cao.
Mỹ, Trung Quốc và nhiều nước phát triển khác có rất nhiều tuyến cao tốc hàng chục, thậm chí mấy chục làn đường, đáp ứng nhu cầu vận chuyển ngày càng cao trong quá trình phát triển của họ.
Nhìn rộng hơn, hạ tầng giao thông là một nền tảng then chốt cho sự phát triển của các quốc gia. Đây cũng là một chỉ báo cho sự phát triển của một quốc gia.
Sau gần ba thập niên tính từ khi khởi công tuyến cao tốc đầu tiên, Việt Nam mới chỉ có khoảng 1.900km đường cao tốc, bằng hơn 1% của Trung Quốc. Nếu không tính những đoạn không đủ chuẩn (không có đủ hai làn mỗi chiều) thì con số còn khiêm tốn.
Đây là một trong những lý giải tại sao cách nay khoảng bốn thập niên, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc và Việt Nam tương đương nhau nhưng hiện tại chúng ta chỉ bằng khoảng 1/3 của Trung Quốc.
Có thể nói bất cập xảy ra do tư duy và cách làm của chúng ta. Đủ mọi thứ đã được vẽ ra như những bàn tiệc buffet ngon mắt, sau đó mỗi nơi được làm một ít một cách dàn trải và manh mún.
Tầm nhìn ngắn hạn và việc triển khai kém hiệu quả đã dẫn đến tình trạng nhiều tuyến đường vừa xây xong đã quá tải và nhiều công trình mãi chẳng thể xây để rồi phải nâng cấp và cơi nới các công trình hiện hữu.
Nhiều tuyến cao tốc đang trong tình trạng như vậy, nhất là những tuyến hai làn xe trên trục Bắc - Nam. Kết quả: chúng ta có được những "bàn tiệc buffet" sau khi ăn, mọi thứ cứ lổm nhổm, manh mún và bất cập.
Nếu hạ tầng được đầu tư trọng tâm trọng điểm vào những nơi có khả năng tạo ra tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, tạo ra nhiều nguồn lực hơn để mang đi đầu tư những nơi khác mà một số nền kinh tế Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc đã làm thì mọi thứ đã rất khác.
Chúng ta đã thấy rõ việc tập trung đầu tư hệ thống cao tốc và việc phát triển đường sá, cơ sở hạ tầng ở một số tỉnh thành miền Bắc đã phát huy hiệu quả cho tăng trưởng như thế nào.
Trung Quốc là một so sánh trực diện để cho thấy những bất cập xảy ra trong làm đường cao tốc ở Việt Nam.
Nguyên nhân là do cách làm của chúng ta chứ không phải do thiếu nguồn lực. Theo tôi, việc cần làm đối với Việt Nam hiện nay là sửa chữa những bất cập và chọn được hướng đi đúng.
Những tuyến đường không đủ chuẩn cao tốc thì phải trả lại đúng cấp của chúng, không nên vì bệnh thành tích hay để đạt mục tiêu đã đặt ra mà vẫn giữ như hiện nay.
Nhưng điều quan trọng là cần tập trung nguồn lực xây dựng bằng được hệ thống đường cao tốc cũng như các hạ tầng thiết yếu khác, đặc biệt là các hạ tầng để các trung tâm kinh tế có thể tăng trưởng nhanh hơn.
Chúng ta không thể thay đổi quá khứ, nhưng tương lai như thế nào được quyết định bởi những gì chúng ta làm trong ngày hôm nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận