24/03/2018 16:44 GMT+7

Giúp trẻ sinh non thoát khỏi nguy cơ mù lòa

Nguồn: Sở Y tế Hà Nội
Nguồn: Sở Y tế Hà Nội

Bệnh võng mạc trẻ sinh non là một tình trạng bệnh lý của mắt thường gặp ở những trẻ đẻ non, nhẹ cân (dưới 2kg).

Giúp trẻ sinh non thoát khỏi nguy cơ mù lòa - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: easycare.vn

Trẻ sinh non là trẻ ra đời dưới 37 tuần tuổi. Khi đó trẻ chưa phát triển hoàn thiện cả về thể chất và tinh thần so với những đứa trẻ sinh đủ tháng khác. Trẻ sinh non càng sớm thì càng bị thiệt thòi về sức khỏe cũng như khả năng phát triển trí lực một cách toàn diện nhất. 

Trong đó, 20 - 30% trẻ sinh non mắc bệnh lý võng mạc, có thể gây giảm thị lực hoặc mù lòa vĩnh viễn nếu không phát hiện và điều trị kịp thời.

Bệnh võng mạc trẻ sinh non (ROP - Retinopathy of prematurity) là một tình trạng bệnh lý của mắt thường gặp ở những trẻ sinh non, nhẹ cân (dưới 2.000g). Trong quá trình phát triển của thai nhi, mạch máu ở võng mạc xuất phát từ phần trung tâm phía sau võng mạc, rồi phát triển dần về phía trước và kết thúc vào lúc thai nhi được đủ tháng. 

Ở trẻ sinh non, quá trình này chưa hoàn thành. Sau khi trẻ được sinh ra, nếu các mạch máu tiếp tục quá trình phát triển bình thường thì trẻ không mắc bệnh, nếu các mạch máu phát triển một cách bất thường thì trẻ sẽ mắc bệnh.

Tuy nhiên, không phải tất cả trẻ sinh non đều mắc bệnh ở mắt, nhưng với những trẻ sinh non, nhẹ cân và ốm yếu thì nguy cơ mắc bệnh ROP càng cao và bệnh càng nặng.

Bong võng mạc là nguyên nhân chính gây nên các vấn đề về thị giác và thậm chí mù lòa ở trẻ bị mắc ROP. Trong vòng 12 tuần cuối thai kỳ, mắt của thai nhi sẽ phát triển rất nhanh. 

Khi các mạch máu của võng mạc bắt đầu hình thành ở dây thần kinh thị giác nằm ở mặt sau của mắt. Các mạch máu phát triển dần dần về phía các cạnh của võng mạc đang phát triển, cung cấp oxy và chất dinh dưỡng. 

Nếu em bé sinh đủ tháng thì mạch máu võng mạc gần như phát triển hoàn chỉnh. Nếu em bé sinh non thì trước khi các mạch máu đến các cạnh của võng mạc, mạch máu có thể ngừng phát triển. Các cạnh của võng mạc ngoại vi có thể không nhận được đủ oxy và chất dinh dưỡng. 

Kết quả là các mạch máu mới bất thường bắt đầu phát triển. Các mạch máu mới mong manh và yếu, có thể chảy máu, dẫn đến sẹo võng mạc. Khi những vết sẹo này co lại, chúng sẽ kéo võng mạc lên, khiến cho võng mạc phía sau của mắt bị bong.

Hiện nay Việt Nam đang áp dụng 2 phương pháp để điều trị ROP là lạnh đông và quang đông bằng laser với nguyên lý chung là làm bỏng vùng võng mạc vô mạch gây ra sẹo dính phòng ngừa bong võng mạc do tiến triển của bệnh và giảm khả năng sinh tân mạch võng mạc.

Phương pháp laser là sử dụng laser để tác động trực tiếp lên võng mạc, những chùm tia laser tập trung chính xác trên võng mạc tạo ra những nốt sẹo bỏng nhỏ trên võng mạc, chùm tia laser xuyên qua đồng tử đã được tra giãn mà không có một cản trở nào trên đường đi của tia sáng tới võng mạc.

Phương pháp lạnh đông, sử dụng đầu lạnh đông để tác động gián tiếp lên võng mạc qua củng mạc. Khi làm lạnh đông cần phải phẫu tích kết mạc để bộc lộ vùng củng mạc theo yêu cầu của phẫu thuật viên để có thể đạt hiệu quả mong muốn trên võng mạc. 

Phẫu thuật lạnh đông và laser có thể được thực hiện trên phòng mổ hoặc tại phòng sơ sinh và gây tê tại chỗ hoặc mê toàn thân. 

Tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh, nếu bệnh nhẹ hoặc trung bình và phát hiện sớm thì kết quả khá tốt, nếu bệnh nặng thì dù có điều trị bằng phương pháp nào thì khả năng mù vẫn rất cao, nếu phát hiện trễ và bệnh đã tiến triển đến bong võng mạc thì trẻ sẽ mù vĩnh viễn. Chức năng nhìn về sau còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố trong quá trình phát triển của trẻ.

Bệnh võng mạc ở trẻ sinh non nếu không được khám, phát hiện bệnh và điều trị kịp thời thì một tỷ lệ đáng kể sẽ bị mù. Đây là bệnh gây mù nguy hiểm vì bệnh thường xảy ra cả hai mắt và khi đã bị mù thì rất khó có khả năng chữa trị sáng lại và suốt cuộc đời của trẻ sẽ chìm trong bóng tối. Trẻ trở thành người tàn phế và là gánh nặng cho gia đình và cả xã hội.

Nhiều trẻ sinh non được cứu sống, nhưng lại bị mù cả hai mắt vĩnh viễn do bệnh ROP không được điều trị. ROP khi ở giai đoạn sớm thì nhìn bằng mắt thường không thể phát hiện được bệnh. 

Nhìn bề ngoài, mắt bé hoàn toàn bình thường. Còn khi đã biểu hiện ra ngoài thì đã ở giai đoạn quá muộn. Vì vậy, để phát hiện sớm bệnh, điều trị hiệu quả cần phải cho bé khám sàng lọc với bác sĩ chuyên khoa mắt ngay sau sinh.

Việc sàng lọc ROP ở Việt Nam cần thực hiện ở tất cả những trẻ có cân nặng khi sinh dưới 2.000g (2kg) và tuổi thai khi sinh dưới 34 tuần tuổi. Với những trẻ có cân nặng khi sinh trên 2.000g và tuổi thai khi sinh bằng hoặc hơn 34 tuần tuổi nhưng có thêm các yếu tố nguy cơ như suy hô hấp, thở oxy kéo dài, thiếu máu, nhiễm trùng... cũng cần phải được khám mắt. 

Khi đã bị sinh non mà cân nặng thấp có nguy cơ cao bị bệnh thì phải đưa trẻ đi khám ngay từ tuần thứ 3,4 sau khi sinh, ngay khi cháu còn nằm điều trị trong khoa sơ sinh và cả khi trẻ đã được xuất viện, đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt chế độ khám theo chỉ dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, cách phòng tốt nhất là quản lý thai nghén tốt để hạn chế bị sinh non.

Nguồn: Sở Y tế Hà Nội
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp