03/12/2024 09:55 GMT+7

Giúp trẻ giảm stress và áp lực học đường

Gần đây xảy ra nhiều vụ trẻ bị stress gây tổn thương bản thân khi học sinh bị áp lực học đường từ học hành thi cử… Để tránh mất con, cha mẹ cần làm gì?

Giúp trẻ giảm stress và áp lực học đường - Ảnh 1.

Trẻ ngày càng chịu áp lực học tập cao hơn - Ảnh: NAM TRẦN

Theo một khảo sát của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thực hiện trên 280.000 thanh thiếu niên trong độ tuổi 11, 13 và 15 tại 44 quốc gia cho thấy áp lực học đường đang tăng cao, trong khi sự hỗ trợ từ gia đình lại suy giảm.

Trẻ ngày càng nhiều áp lực

Theo báo cáo mới nhất của WHO, thanh niên tại châu Âu, Canada và Trung Á đang cảm thấy áp lực từ học đường tăng cao trong khi hỗ trợ từ gia đình lại suy giảm.

Kết quả cho thấy tỉ lệ các em nhận được hỗ trợ từ gia đình đã giảm từ 73% trong năm 2018 xuống còn 67% vào năm 2022.

Đáng lo ngại hơn là sự suy giảm này thể hiện rõ rệt ở nhóm nữ sinh, từ 72% xuống còn 64%. Áp lực từ học tập cũng là một vấn đề nhức nhối. Gần 2/3 số nữ sinh 15 tuổi cho biết họ cảm thấy áp lực từ việc học tập…

Tại Việt Nam, theo nghiên cứu stress và các yếu tố liên quan của học sinh Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP.HCM) vào hai năm trước cũng cho thấy sự gia tăng tỉ lệ và mức độ stress của thanh thiếu niên.

Kết quả nghiên cứu trên gần 500 học sinh tại trường cho thấy tỉ lệ stress ở học sinh là 33,8%, trong đó stress nhẹ chiếm 27,5% và stress nặng chiếm 6,3%.

Nghiên cứu cũng chỉ ra các yếu tố liên quan đến stress như mối quan hệ với giáo viên, mối quan hệ với bạn bè, số lượng các môn học; hay sự kỳ vọng và quản lý của phụ huynh, sự lo lắng về kinh tế gia đình và việc tự tạo áp lực cho bản thân.

Nghiên cứu về các rối loạn tâm lý ở học sinh trung học cơ sở tại Hà Nội cũng cho thấy tỉ lệ mắc các vấn đề tâm lý khá cao. Một nghiên cứu năm 2021 trên gần 1.300 học sinh tại hai trường trung học cơ sở ở Hà Nội đã ghi nhận tỉ lệ trầm cảm là 27%.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ bao gồm học sinh ở khối lớp cuối cấp (lớp 8 và 9), học sinh nữ, mâu thuẫn gia đình hoặc các trải nghiệm tiêu cực như bị xúc phạm tinh thần hay cảm thấy thiếu sự yêu thương từ cha mẹ.

Đừng để trẻ thấy thiếu tình thương

Cháu Th.Tr. (13 tuổi, Hà Nội) tâm sự mỗi ngày con đều phải học từ 7h sáng tới 8h tối ở trường, các trung tâm tiếng Anh, toán học.

"Đôi khi con cảm thấy mình kiệt sức vì học. Áp lực điểm số, từ kỳ vọng của bản thân và gia đình khiến con rất mệt. Nhưng khi con chia sẻ với mẹ thì chỉ nhận được sự "động viên": "Học chứ có phải đi cày đâu mà mệt". Dần dần con không muốn chia sẻ với ai mà chỉ âm thầm chịu đựng", Tr. nói.

Còn chị Thanh Loan (30 tuổi) có con đang học mầm non cũng lo lắng về tương lai áp lực học tập của những đứa trẻ. Tình cờ chị nghe được câu chuyện trên đường đón con đi học về.

Một đứa trẻ khoảng 9-10 tuổi nói với bố: "Bố ơi, hôm nay con được một điểm 10 và một điểm 9. Bố có vui không bố?". Người bố lúc ấy chỉ hỏi đó là điểm môn gì mà phớt lờ đi câu hỏi của con. Sau khi trả lời câu hỏi của bố, cậu con trai nói tiếp: "Con ôm bố một cái nhé".

"Khi tình cờ nghe được đoạn hội thoại ấy, bỗng tôi nghẹn lại. Chắc hẳn cậu bé đã rất mong nhận được lời khen ngợi từ bố mẹ, nhận được câu động viên nhưng lại nhận sự "lạnh nhạt".

Cậu nghĩ rằng được điểm số cao bố sẽ vui, sự học tập dường như để dành cho bố mẹ vậy. Tất nhiên không phải bố mẹ nào cũng như vậy, nhưng đâu đó vẫn có. Và tôi lo lắng làm sao để mình có thể đồng hành với những áp lực của con sau này", chị Loan bộc bạch.

Theo PGS Trần Thành Nam, chủ nhiệm khoa các khoa học giáo dục - Trường đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, mỗi phụ huynh cần tìm hiểu cách giao tiếp phù hợp và thấu cảm với con.

Đây là một trong những chìa khóa giúp giảm thiểu áp lực tâm lý, đồng thời giúp phát hiện sớm những nguy cơ về sức khỏe tâm thần ở con trẻ.

Theo PGS Nam, mỗi cha mẹ đều cần học cách yêu thương và quan tâm trẻ. Ở mỗi giai đoạn trẻ sẽ có những thay đổi tâm lý, sinh lý khác nhau.

Vì vậy cha mẹ cần trở thành bạn đồng hành của con ở mỗi giai đoạn, để cho trẻ cảm thấy được yêu thương thật sự chứ không thêm áp lực.

Giúp trẻ giảm stress và áp lực học đường - Ảnh 2.

Trẻ ngày càng chịu áp lực học tập cao hơn - Ảnh: NAM TRẦN

Cha mẹ nên làm gì?

PGS Nam cho hay với nhiều đứa trẻ, sự lắng nghe từ cha mẹ chính là lời động viên giúp con cảm thấy mình được đón nhận và tôn trọng.

Từ câu chuyện của con mỗi ngày, cha mẹ có thể nắm được chuyện xảy ra với con, hiểu về quan điểm và góc nhìn của con. Nhưng trước hết, cha mẹ cần lắng nghe với một tâm trí thoải mái, cởi mở và không định kiến.

Tuy nhiên tùy theo tính cách, không phải đứa trẻ nào cũng thích trò chuyện hay sẵn sàng chia sẻ mọi suy nghĩ, tình cảm. Khi đó phụ huynh cần chủ động quan tâm, không nên có những trao đổi mang tính gượng ép mà nên cân nhắc thái độ và cảm xúc của con trước khi tiếp cận.

"Hãy luôn sẵn sàng dành thời gian cho con. Hoặc phụ huynh có thể chủ động gợi ý con hãy nhắn cho cha mẹ khi gặp vấn đề hoặc gặp khó khăn và cảm thấy không thể đương đầu được nữa; hay đơn giản nhất, hãy nói với con rằng "con là điều quý giá của bố mẹ"", PGS Nam nói.

Còn bác sĩ Ngô Anh Vinh, phó trưởng khoa sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi trung ương, cho hay trong quá trình học tập trẻ phải đối mặt với rất nhiều áp lực từ bản thân, bạn bè, thầy cô và cả bậc phụ huynh.

Cha mẹ nào cũng mong những điều tốt đẹp cho con mình, nhưng cũng có phụ huynh sốt ruột khi điểm số của con chưa cao, lo lắng khi con không được vào top học sinh giỏi trong lớp và gây áp lực lại lên chính các con. Vì vậy cha mẹ không nên kỳ vọng quá nhiều vào con vì điều này vô tình tạo áp lực lớn cho con mình.

Cha mẹ nên hiểu rõ về năng lực, sở trường của con để đặt ra mục tiêu, chọn trường, chọn lớp phù hợp. Bên cạnh đó, cha mẹ cần lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của con để đưa ra những tư vấn cũng như định hướng đúng đắn giúp trẻ giải tỏa được những áp lực về học tập - thi cử.

Cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho con

"Cha mẹ cũng cần đảm bảo cho con mình chế độ dinh dưỡng đầy đủ, đảm bảo giấc ngủ, tập luyện thể dục thể thao đều đặn sẽ giúp con có một sức khỏe tinh thần để học tập tốt", bác sĩ Vinh khuyến cáo.

WHO cũng kêu gọi chính phủ và trường học áp dụng các biện pháp nhằm tạo môi trường học đường thân thiện và hỗ trợ thanh thiếu niên tốt hơn. Việc giảm quy mô lớp học, thiết lập các chương trình cố vấn và tích hợp các bài học về cảm xúc xã hội vào chương trình giảng dạy là những giải pháp quan trọng.

Khuyến nghị các chính sách tài chính hỗ trợ gia đình có thu nhập thấp và đầu tư vào các chương trình giáo dục kỹ năng. Đặc biệt, hỗ trợ các bậc phụ huynh có con gái ở tuổi vị thành niên.

Ngăn trẻ làm tổn thương mình ra sao?

Theo ThS Ngô Thị Thanh Hoa, khoa sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi trung ương, khi trẻ bị trầm cảm thường tiến triển cùng lo âu, trẻ có nguy cơ tự hại bản thân nhiều hơn. Ở thể nhẹ, một số trẻ cảm thấy "không vui" hoặc "buồn"; ở thể nặng, trẻ lại muốn làm tổn thương mình hoặc thậm chí là có ý định tự sát.

Biểu hiện trầm cảm ở trẻ vị thành niên không giống nhau, nhưng cha mẹ có thể nhận thấy một số dấu hiệu như tâm trạng buồn bã, tồi tệ. Trẻ có thể hay phàn nàn về bản thân, thiếu năng lượng và nỗ lực, mất hứng thú với những niềm vui trước đó hoặc thay đổi giấc ngủ, ăn uống.

"Khi nhận thấy trẻ có những dấu hiệu khác lạ về tâm lý, cha mẹ nên hỏi trẻ cảm thấy thế nào và lắng nghe cởi mở mà không cần phán xét hay tư vấn.

Hãy dành thời gian cho trẻ, cùng con làm những việc mà cả hai cùng thích như: đi dạo, chơi trò chơi, nấu ăn, đọc truyện, làm đồ thủ công, xem phim hài… Khuyến khích những thói quen tích cực, làm những việc mà chúng thường yêu thích, giữ thói quen ăn ngủ điều độ và luôn năng động, hướng trẻ đến các hoạt động thể chất.

Cha mẹ hãy để trẻ thể hiện bản thân, lắng nghe cẩn thận những gì trẻ nói về cảm giác của trẻ và đừng bao giờ ép trẻ phải chia sẻ. Thay vào đó bạn có thể khuyến khích trẻ thể hiện sự sáng tạo khác, viết nhật ký cũng có thể giúp trẻ giải tỏa cảm xúc của mình.

Cố gắng giữ con bạn tránh xa các tình huống mà chúng có thể bị căng thẳng quá mức, bị ngược đãi hoặc bạo lực.

Cuối cùng, cha mẹ có thể đưa con đến gặp chuyên gia về sức khỏe tâm thần, bác sĩ, nhà trị liệu, có thể đề nghị một vài lần khám hoặc nhiều hơn để có thể hỗ trợ cho trẻ", ThS Thanh Hoa tư vấn.

Giúp trẻ giảm stress và áp lực học đường - Ảnh 3.Người trẻ stress, thức khuya làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim

Nếu trước kia người mắc bệnh lý về tim mạch, nhồi máu cơ tim là người cao tuổi thì hiện nay nhiều người trẻ mắc bệnh này. Nguyên nhân “mới nổi” khiến người trẻ mắc bệnh là do thức khuya, stress kéo dài và ô nhiễm môi trường.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp