Phóng to |
Ảnh minh họa |
Trẻ em có KKTHT là những trẻ không chỉ có kết quả học tập kém mà tiếp thu bài giảng rất vất vả, chậm. Khi đã hiểu được bài, trẻ cũng không tự chuyển tải kiến thức thu được để thực hiện đúng các dạng bài tập có tình huống khác nhau.
Nguyên nhân gây ra KKTHT rất đa dạng, nhưng 80% số trẻ này có căn nguyên chậm phát triển các vùng chức năng của não. Ngoài ra, trong quá trình phát triển, trẻ có gặp một vài rủi ro nào đó về mặt sinh học (bị ngạt khi đẻ, mẹ phải can thiệp khi đẻ, khi mang thai mẹ bị ốm đau nhiều phải dùng thuốc...), hay về mặt xã hội (cha mẹ ly dị, trẻ ở với người thân, họ hàng, gia đình có người nghiện ngập, hay gây gổ, đập phá mà trẻ là người phải chứng kiến...) đều có thể khiến cho trẻ chậm phát triển các vùng chức năng của não, mặc dù khi nghiên cứu hoạt động của não ở những trẻ này bằng các phương tiện kỹ thuật đều không thấy dấu hiệu tổn thương hay rối loạn thực thể nào. Tuy nhiên trong thực tế, trẻ vẫn là trẻ học kém, nhận thức chậm.
Biểu hiện về chậm phát triển chức năng não gây ra học kém cũng rất đa dạng, muôn hình muôn vẻ, tùy thuộc vào định khu các vùng và hệ thống các vùng chậm phát triển chức năng. Tuy vậy, những trẻ thuộc dạng này cũng có những đặc điểm chung như sau:
Về tác phong, hành vi, trẻ ăn mặc gọn gàng, sạch sẽ, không khó khăn trong việc hòa nhập với cộng đồng cùng trang lứa. Với các câu hỏi đơn giản trong giao tiếp, trẻ trả lời mạch lạc. Trong lớp nếu được phân công các công việc cụ thể như làm hội viên chữ thập đỏ, vệ sinh viên... trẻ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Song khi phải xử lý, ứng xử với các tình huống như: hành động theo các mệnh lệnh có cấu trúc phức tạp về ngữ nghĩa (nhất là nghĩa bóng các câu, từ...), các câu nói láy, hay nói “tếu” của các bạn khác thì trẻ rất lúng túng và thường trở thành đối tượng bị giễu cợt hay đàm tiếu của các bạn trong nhóm, trong lớp.
Về nhận thức, khâu đầu tiên dễ thấy nhất là trẻ KKTHT rất hay quên. Khối lượng ghi nhớ, các thuộc tính và quá trình ghi nhớ đều có chỉ số thấp hơn so với tuổi. Trẻ tiếp thu bài rất lâu nhưng lại rất nhanh quên, song những điều đã ghi nhớ được thì lại nhớ rất bền lâu.
Tư duy của trẻ có KKTHT chỉ đạt ở mức trực quan - hình ảnh. Kiến thức trẻ thu được đều phải được xây dựng trên cơ sở vật thể cụ thể hoặc hình ảnh các sự vật.
Khả năng tự điều chỉnh hành vi, lập chương trình hành động, hoạch định công việc kém. Nhiều trẻ dạng này không có khả năng phát triển. Nếu trẻ đạt được một chút thành tích nào đó trong học tập cũng phải nhờ sự kèm cặp, theo dõi sát sao của người lớn. Có trẻ đọc, viết được nhưng bài tự đọc, tự viết rất nhiều lỗi do không tự kiểm tra được các thao tác đọc, hay viết của chính mình.
Chẳng hạn: khi đọc bài, đọc chữ của dòng trên nối tiếp với các chữ của dòng khác. Đọc bài xong nhưng không hiểu bài, nên không trả lời được các câu hỏi về nội dung bài, hoặc khi viết chữ thì đánh vần đúng, nhưng viết vẫn sai, thiếu âm hoặc không đúng âm. Những trẻ yếu chức năng này đều rất khó khăn khi học môn toán.
Khi làm việc, trẻ nhanh chóng mệt mỏi. Các biểu hiện thường dưới dạng hoạt động chân tay không có ý thức, dù bất kỳ ở đâu, đang học hay đang chơi. Đặc điểm khá nổi bật là trẻ rất thích được khen. Đồng thời với thích khen, trẻ rất hay nản chí khi gặp khó khăn và “phản ứng” ra mặt như không nhìn lên bảng, không nhìn vào bài để nghe giảng lại hoặc nghe giáo viên nói về cái không đúng mà trẻ mắc phải. Xu hướng của những trẻ này là thích lặp lại những gì đã biết, đã quen làm.
Đưa ra một vài đặc điểm chung nêu trên về trẻ có KKTHT để giúp các thầy cô giáo định hướng, đánh giá sơ bộ về đối tượng học sinh, từ đó có chương trình học phù hợp cho những đối tượng này. Về phía các bậc cha mẹ cũng có những hiểu biết nhất định để đánh giá đúng khả năng của con mình, từ đó tạo cho các cháu điều kiện học tập, sinh hoạt phù hợp, không tạo sức ép và những căng thẳng không cần thiết, có những định hướng trong tương lai phù hợp với khả năng của con mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận