10/06/2013 02:37 GMT+7

Giúp nông dân tiêu thụ trái cây sạch

LÊ NAM
LÊ NAM

TT - Lần đầu tiên tại Hội thi trái ngon - an toàn Nam bộ lần 5 do Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp TP.HCM và Sở Văn hóa - thể thao và du lịch TP.HCM tổ chức ở sự kiện lễ hội trái cây Nam bộ lần thứ 17 (tại khu du lịch văn hóa Suối Tiên ngày 1-6) đã diễn ra hoạt động ký kết hợp đồng giữa các đơn vị phân phối (siêu thị, chợ đầu mối, doanh nghiệp chuyên kinh doanh trái cây) và các nhà vườn đoạt giải trong thời gian mấy năm qua. Bước đầu đã có sự ghi nhớ hợp tác giữa ban quản lý chợ đầu mối Thủ Đức và Hội Làm vườn tỉnh Long An, ban quản lý chợ đầu mối Bình Điền với Hội Làm vườn tỉnh Bến Tre, ban quản lý chợ đầu mối Hóc Môn với Hội Làm vườn tỉnh Trà Vinh và sáu công ty ký ghi nhớ hợp tác với nhau về tiêu thụ thanh long ruột đỏ, bưởi và măng cụt.

Ông Huỳnh Hữu Hạnh, phó giám đốc Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp TP, cho biết khoảng 100 nhà vườn là những người đã đoạt giải trong hội thi trái cây ngon, an toàn từ năm 2009-2012 được kết nối gặp gỡ trực tiếp các đơn vị mua hàng sỉ. “Chúng tôi chọn những nhà vườn có sản phẩm tốt và khả năng cung cấp lượng hàng lớn tham gia hợp đồng ghi nhớ bao tiêu sản phẩm được. Hi vọng đây sẽ là bước đệm đầu tiên cho việc hợp tác lâu dài giữa các đơn vị phân phối và các nhà vườn ở các tỉnh để cung ứng các sản phẩm an toàn cho thị trường TP”.

Theo ông Bùi Công Thành - chủ nhiệm HTX Quyết Thắng (xã Tân Lập, huyện Tân Phước, Tiền Giang), HTX có hơn 300 xã viên đang trồng dứa Queen (thương hiệu khóm Tân Lập), trong đó có 22 xã viên trồng theo tiêu chuẩn VietGAP làm trái dứa bảo quản lâu hơn, đáp ứng tiêu chuẩn an toàn vệ sinh cho người tiêu dùng nhưng do giá cao nên khả năng tiêu thụ kém. Hiện các xã viên này chỉ bán được cho Metro, Big C, Co.op Mart với tổng cộng chừng 300kg trong khi khả năng có thể cung cấp hơn 1 tấn. “Qua việc kết nối này chúng tôi rất hi vọng sẽ tìm thêm đầu ra cho các xã viên, động viên những người khác tham gia sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Bởi hiện trái dứa ngon, an toàn mà giá cao hơn sản phẩm thường từ 30-40% rất khó tìm đầu ra” - ông Thành tâm sự.

Thật ra, tâm sự của ông Thành cũng là nỗi niềm của nhiều nhà vườn trái cây, rau củ khác đang sản xuất theo tiêu chuẩn sạch VietGAP, sản phẩm bị bí đầu ra. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do thiếu khâu kết nối với kênh phân phối hiện đại, quảng bá thông tin về sản phẩm sạch đến tay người tiêu dùng.

Hi vọng từ các hợp đồng ghi nhớ đến việc ký hợp đồng mua trái cây có thể sẽ không còn quá xa như ông Bùi Công Thành lo lắng. Và người tiêu dùng cũng yên tâm hơn khi sử dụng các loại trái cây trong nước biết rõ nguồn gốc xuất xứ, quy trình sản xuất an toàn...

LÊ NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp