09/11/2018 10:00 GMT+7

Giúp người dân dễ dàng tìm bản án trên mạng

HOÀNG ĐIỆP - TUYẾT MAI
HOÀNG ĐIỆP - TUYẾT MAI

TTO - Không chỉ thành lập trung tâm hòa giải, trong nỗ lực cải cách tư pháp, ngành tòa án đã dần công khai, minh bạch hoạt động của ngành, nhằm cung cấp cho người dân những dịch vụ thuận tiện hơn trong quá trình tố tụng, học tập và nghiên cứu.

Giúp người dân dễ dàng tìm bản án trên mạng - Ảnh 1.

Cán bộ Trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND TP.HCM trong một buổi họp - Ảnh: HTV

Sau một năm thực hiện công khai bản án lên mạng đến nay đã có 159.184 bản án, quyết định được công khai tại trang https://congbobanan.toaan.gov.vn để người dân, học viên, sinh viên luật và các cán bộ hiện đang làm việc trong các cơ quan tố tụng được tiếp cận và sử dụng các bản án, quyết định này cho mục đích học tập, nghiên cứu, tham khảo.

Công khai bản án

Nếu trước đây, các sinh viên trường luật, các giảng viên muốn bài giảng của mình sinh động, phải cậy nhờ người quen làm việc trong các cơ quan tòa án hoặc viện kiểm sát để xin sao các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, và thường rất khó khăn để sao chụp một bản án, thì nay với việc công khai bản án trên mạng, việc tiếp cận các bản án đã có hiệu lực pháp luật được thực hiện một cách dễ dàng. 

Tính đến nay đã có hơn 7,8 triệu lượt truy cập vào trang này để tìm hiểu và tìm các bản án, quyết định.

Chị Đinh Hồng Thao - học viên của Học viện Tư pháp, hiện đang theo học lớp luật sư - cho biết trước đây khi còn học luật, muốn tìm một bản án mà mình quan tâm thường phải nhờ cậy người quen để có được. 

"Bản án không phải là bí mật nhưng về nguyên tắc mình không phải là đương sự trong vụ án, không phải đối tượng được cung cấp bản án nên thường bị tòa từ chối. Muốn được cấp phải nhờ trường gửi giấy giới thiệu sang với mục đích rất rõ ràng là phục vụ nghiên cứu cái gì, loại án gì, số bản án, xử ngày nào, tên bị cáo hoặc tên đương sự... Thực sự rất mất công" - chị Thao chia sẻ.

Bây giờ công việc phức tạp ấy không còn nữa, đang học về án gì thì cứ lên mạng tìm sẽ có hàng ngàn bản án ấy, tha hồ lựa chọn và tải về nghiên cứu. Các bản án này rất quan trọng đối với sinh viên, học viên chuyên ngành luật, vì nó thể hiện việc áp dụng pháp luật thế nào trong xét xử tại các tòa án ở Việt Nam. Nó cũng quan trọng đối với các luật sư và những người làm luật bởi các bản án có giá trị tham khảo rất tốt trong công việc và nghiên cứu. 

Ở đây, người dân có thể tìm thấy những bản án trong các vụ đại án đã được xét xử cũng như lập luận của HĐXX trong việc định tội danh, xem xét hành vi của các bị cáo trong vụ án.

Nộp đơn khởi kiện qua mạng

Trước đó, TAND Tối cao cũng đã cho ra mắt 66 cổng thông tin điện tử ngành tòa án (3 tòa cấp cao và 63 tòa tỉnh), các trang thông tin này cung cấp hệ thống gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và cấp tống đạt, thông báo văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử; hệ thống đăng ký trực tuyến cấp sao, trích lục bản án, tài liệu trong hồ sơ vụ án của TAND đã hoàn thành và chính thức đưa vào sử dụng.

Cùng với việc ra mắt giao diện mới Cổng thông tin điện tử TAND Tối cao, trang thông tin điện tử của các tòa án cấp cao và cấp tỉnh, TAND tối cao cũng ra mắt các hệ thống công nghệ thông tin được tích hợp trên cổng thông tin điện tử. 

Thứ nhất là hệ thống gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và cấp tống đạt, thông báo văn bản tố tụng của tòa án bằng phương tiện điện tử: được triển khai thí điểm tại TAND Cấp cao tại Hà Nội, TAND hai cấp thành phố Hà Nội, Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh. 

Thứ hai là hệ thống đăng ký trực tuyến cấp sao, trích lục bản án, tài liệu trong hồ sơ vụ án của tòa án: được triển khai trong toàn hệ thống tòa án.

Theo thủ tục này người dân có thể nộp đơn khởi kiện, đơn yêu cầu, tài liệu, chứng cứ thông qua phương tiện điện tử mà không cần trực tiếp đến tòa án; tòa án cũng có thể nhanh chóng thông báo, tống đạt giấy tờ, văn bản tố tụng cho đương sự, người tham gia tố tụng bằng phương thức điện tử. 

Việc yêu cầu tòa án cấp sao bản án, quyết định và các tài liệu trong hồ sơ vụ án theo quy định của pháp luật tố tụng cũng được thực hiện nhanh chóng, đơn giản thông qua phần mềm được tích hợp trên cổng thông tin điện tử tại bất cứ nơi nào và vào bất kỳ thời điểm nào.

Thêm tiện ích mới hỗ trợ pháp lý cho người dân

Ngày 6-11, Sở Tư pháp và Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM tổ chức lễ ra mắt, vận hành chính thức Cổng thông tin điện tử tuyên truyền phổ biến pháp luật của TP tại địa chỉ: tuyentruyenphapluat.tphcm.gov.vn

Đây là kênh cung cấp thông tin pháp luật chính thức cho người dân, doanh nghiệp thông qua các hình thức đa dạng, phong phú, giúp việc tương tác giữa các thành viên dễ dàng hơn.

Đây cũng là nơi để các cơ quan nhà nước phối hợp thực hiện nhiệm vụ cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến, là nơi chia sẻ kinh nghiệm và nghiệp vụ, cũng như thuận tiện hơn trong việc thăm dò, khảo sát ý kiến và thông tin, báo cáo, thống kê qua mạng.

Với Trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND TP.HCM gồm 19 hòa giải viên, đối thoại viên và 9 quận/huyện trên địa bàn TP.HCM có số lượng từ 5-10 hòa giải viên, đối thoại viên.

Số lượng hòa giải viên, đối thoại viên của mỗi trung tâm hòa giải, đối thoại tại tòa án căn cứ vào số lượng các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, vụ án hành chính phải giải quyết và tình hình thực tế tại địa phương.

Từ tháng 11-2018, thí điểm nhận đơn kiện qua phương tiện điện tử

TTO - Chỉ cần có chữ ký điện tử, những người thường xuyên phải di chuyển, người Việt Nam ở nước ngoài, hay người nước ngoài có liên quan tới vụ việc mà tòa án Việt Nam đang giải quyết đều có thể gửi đơn khởi kiện, chứng cứ qua phương tiện điện tử.

HOÀNG ĐIỆP - TUYẾT MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp