Anh Khôi (trái), Thành Sang (giữa) cùng thầy Trần Hoàng Phúc (Trường THCS-THPT Tân Phú, giáo viên hướng dẫn) thảo luận về sản phẩm của nhóm - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Sản phẩm cũng là công trình duy nhất của đoàn TP.HCM giành giải nhất tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2019-2020.
Tỉ mỉ từng chi tiết
Trong dịp đến thăm Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (TP.HCM) năm 2019, Vũ Thành Sang (lớp 10A1) và Lê Nguyễn Anh Khôi (lớp 11B1) - cùng học Trường THCS-THPT Tân Phú - nhận thấy các bạn khiếm thị vừa thiệt thòi, vừa gặp nhiều khó khăn khi học các môn thực hành, đặc biệt là các bài liên quan đến quang học.
Hai bạn ấp ủ ý tưởng về một bộ dụng cụ giúp các bạn khiếm khuyết tự tay thực hiện, đo đạc các thí nghiệm liên quan đến ánh sáng - điều tưởng chừng như không thể.
Bộ thiết bị quang học dành cho học sinh khiếm thị - Video: TRỌNG NHÂN
Bộ thí nghiệm được thiết kế gọn nhẹ trong một chiếc hộp, kích thước chỉ như một hộp bánh, nhưng tích hợp nhiều tính năng bên trong. Bề mặt hộp gắn hai vòng tròn đồng tâm, có thể xoay. Trên vòng tròn thứ nhất là bộ phát tia sáng laser đến gương hoặc thấu kính gắn trên trung tâm hộp để tạo hiện tượng, trong khi đó vòng tròn thứ hai chứa cảm biến laser để đón tia phản xạ hoặc khúc xạ.
Giữa hộp là một vòng tròn cố định, đóng vai trò như thước đo góc với các con số nổi cho học sinh khiếm thị sờ và đọc kết quả. Khi muốn đo, học sinh chỉ cần xoay vòng tròn thứ nhất sao cho bộ phận phát tia sáng đến vị trí mong muốn trên thước nổi.
Để tìm vị trí của tia ló, học sinh xoay vòng tròn thứ hai cho đến khi cảm biến bắt được laser và kêu "bíp bíp". Lúc này, học sinh chỉ việc ướm với thước đo ở trung tâm để biết giá trị của góc phản xạ hoặc khúc xạ.
Làm đêm làm ngày
Nhằm giúp các bạn khiếm thị hiểu rõ hơn đường đi của tia sáng, nhóm làm hẳn một quyển sách nổi, trong đó các trường hợp quang học qua gương hoặc thấu kính được minh họa bằng mô hình giấy cứng và dây. "Các bạn có thể kết hợp dùng dụng cụ của chúng mình và quyển sách này là có thể tự đo và hiểu rõ đường đi của tia sáng trong một số thí nghiệm quang học" - Sang nói.
Nhớ lại quá trình làm sản phẩm, Anh Khôi kể từ khi lên kế hoạch, hai bạn ngày đêm tìm hiểu và bắt tay thực hiện từng bước, từ thiết kế, lập trình đến đi điện… Do học nội trú, Khôi và Sang thường dùng thời gian buổi tối cùng nhau nghiên cứu, rồi tận dụng thêm thời gian ra chơi, cuối tuần, những buổi họp câu lạc bộ để tìm tòi sáng tạo.
Là người trực tiếp dùng thử sản phẩm trong tiết dạy, thầy Nguyễn Văn Tài - phó hiệu trưởng Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu - cho biết bộ dụng cụ khá hoàn hảo và sử dụng tiện lợi cho các học sinh khiếm thị trải nghiệm những bài thực hành về phản xạ hay khúc xạ ánh sáng.
"Tôi trân trọng các em đã dành nhiều thời gian thiết kế dụng cụ và đến đây quan sát, chỉnh sửa nhiều lần theo những nhận xét của các học sinh khiếm thị" - thầy Tài nói.
Thầy Ngô Vĩnh Trường - hiệu trưởng Trường THCS-THPT Tân Phú - cho biết đây là năm thứ hai liên tiếp trường nhận được giải nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học. Chia sẻ về “bí quyết” gặt hái thành công, thầy chia sẻ mỗi đầu năm học, trường đều phát động cuộc thi đến các giáo viên, học sinh. Học sinh được khuyến khích lên ý tưởng, phác thảo đề tài để tham dự vòng trường, sau đó được hỗ trợ tiếp tục nghiên cứu đi thi cấp thành phố.
Tính thực tiễn, nhân văn
Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia năm học 2019-2020 có 75 giải thưởng trong tổng số 137 dự án tham gia. Trong số này, có 11 dự án đoạt giải nhất (21 học sinh), 16 dự án đoạt giải nhì, 21 dự án đoạt giải ba và 27 dự án đoạt giải tư. Theo ông Hồ Tấn Minh - phó trưởng phòng giáo dục trung học, trưởng đoàn TP.HCM dự thi cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, sản phẩm của nhóm học sinh Trường THCS-THPT Tân Phú được đánh giá cao vì tính thực tiễn và giá trị nhân văn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận