Tranh minh họa |
Vậy mà vẫn có nhiều người muốn nhờ cậy cấp trên để được giải quyết nhanh hơn.
Thỉnh thoảng tôi nhận được những hồ sơ có kẹp tờ giấy nhỏ trên cùng, ghi vài chữ của sếp này sếp nọ, đại ý là "ưu tiên" cho trường hợp này trước.
Lý do mới nghe qua thì ai cũng chính đáng: có người đã “lỡ” chọn ngày tốt để khởi công; người trót ký hợp đồng trước với nhà thầu rồi…
Tôi chẳng hề quen biết "thân chủ", chỉ đơn thuần thực hiện theo "bút phê".
Mặc dù chỉ ngắn gọn trong đôi ba câu, nhưng "trọng lượng" của bút phê cực kỳ lớn. Vào mùa xây dựng, nhiều người cần cấp giấy phép cùng lúc dẫn đến tình trạng "quá tải", tôi quên khuấy hồ sơ do thủ trưởng "gửi gắm" nên đã bị "nhắc" khéo (riêng chúng tôi phải hiểu là có ý trách).
"Bút phê" giờ đây không nhất thiết phải bằng giấy mực, đôi khi chỉ cần một cú điện thoại là chúng tôi phải biết hồ sơ đó nhất định được xong trước, mà không cần "xếp hàng", tuân theo thứ tự.
Thật ra, việc làm trên mới sai về mặt nguyên tắc chứ chưa có gì ghê gớm.
Anh bạn tôi là cán bộ tư pháp của một phường mới khổ tâm. Anh kể rằng có những vụ tranh chấp dân sự, trước khi mời lên giải quyết cả hai bên đều nhờ cậy người quen điện thoại cho anh để mong có lợi thế lúc thương lượng. Điều này khiến anh rơi vào tình cảnh dở khóc dở mếu. Không ít vụ cả nguyên đơn và bị đơn là anh em ruột.
Cuối cùng, dù làm đúng theo qui định, nhưng anh vẫn bị phía bên sai nhiều hơn oán trách. Anh than thở rằng đành chấp nhận chứ biết làm sao.
Tôi bỗng liên tưởng đến các vụ việc lớn hơn phải đưa nhau ra tòa. Nếu ai cũng nhờ người quen can thiệp thì thẩm phán chắc rất khó phân xử.
Tôi kể hai câu chuyện trên để thấy việc giúp đỡ nhau trong cuộc sống là rất đáng quí, song nếu người khác giúp mình mà phải vượt quá khuôn khổ cho phép thì hoàn toàn không nên.
Đừng vì chỉ muốn được việc cho bản thân làm liên lụy đến mọi người. Tôi thấy nhiều người VN bị nhiễm thói quen nhờ cậy rất đáng chê trách.
Nó không chỉ góp phần gây ra sự thiếu công bằng mà còn làm cho người ta vướng vào bệnh dựa dẫm, ỷ lại thậm chí ích kỷ, bất chấp quyền lợi của người khác miễn sao mình đạt được mục đích.
Đáng ngại hơn khi có người xem đó là chuyện bình thường. Cứ hễ làm sai thì nhờ vả xin “bỏ qua”, lâu dần sẽ hình thành tâm lý xem thường kỷ cương phép nước.
Ở nước Ý cách đây vài năm, cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi khi còn là chủ tịch CLB bóng đá nổi tiếng AC. Milan đã từng phải hầu tòa vì hành vi trốn thuế. Luật pháp thì nước nào cũng có, nhưng điều quyết định nằm ở chỗ thực thi nó sao cho chí công vô tư.
“Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”, đó là mục tiêu mà chúng ta phải thực hiện bằng được. Không nên chủ quan trước sự “giúp đỡ” nhỏ, bởi có thể nó là khởi nguồn cho những việc to tát hơn.
"Bút phê” chỉ nên dùng trong giải quyết việc công, đừng lạm dụng nó vào chuyện riêng tư, trái qui định.
Bài viết thể hiện quan điểm của bạn đọc Minh Tuấn. Bạn có đồng tình với quan điểm này? Bạn có những chia sẻ nào về câu chuyện/ tình huống "giúp đỡ" khiến lòng "băn khoăn"? Hãy chia sẻ cùng TTO qua email [email protected] |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận