Khuyến khích con trẻ nhận ra năng lực của mình sẽ giúp trẻ tự tin hơn - Ảnh minh họa: Châu Anh |
Nếu đánh giá quá cao hay quá thấp về mình đều khiến trẻ không có động lực phấn đấu. Tuy nhiên, như con chim nhỏ non nớt, trẻ rất khó tự đánh giá mình chính xác.
Do đó, con trẻ cần sự đồng hành của các bậc cha mẹ trong việc đưa ra các tiêu chí và thước đo hợp lý cho con mình.
Bé có thể tự ti hoặc tự tin thái quá
Chưa vào lớp 1 mà lúc nào cậu bé Lê Hoàn (ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) cũng thường than thở: “Cái gì con cũng kém cỏi, thua thiệt hơn các bạn.
Con làm gì cũng vụng về, chậm chạp, không biết có làm được bài tập cô giao không nữa?”. Do quá lo lắng, bé luôn tự ti nên rất nhút nhát, khó hòa đồng với nhóm bạn cùng trang lứa.
Thực tế, nhiều trẻ chưa thể tự đánh giá đúng bản thân, không thể phát huy tối đa tố chất vốn có, trẻ học tập và tham gia các hoạt động với một tâm lý thiếu tự tin.
Có một vòng luẩn quẩn với những trẻ vốn nhút nhát tự ti, thường e ngại khi tự đánh giá mình, xem nhẹ khả năng của bản thân và kết cục trẻ lại tự ti khi thấy mình thua bạn kém bè.
Khi trẻ không được đánh giá đúng về một năng khiếu nào đó, nhất là bị người lớn mỉa mai, vốn tự nhiên của trẻ bị “thui chột” như mầm xanh đang khỏe mạnh bỗng dưng bị bấm ngọn, trẻ rơi vào trạng thái hẫng hụt, không thể hào hứng phát huy năng lực của mình.
Ngược lại, trẻ đánh giá quá cao bản thân làm nảy sinh tâm lý tự cao tự đại, kiêu ngạo khi tiếp xúc ứng xử với mọi người, nhất là với bạn cùng trang lứa. Nếu rơi vào một trong hai thái cực đều không tốt cho sự phát triển nhân cách của trẻ sau này.
Cổ vũ con đúng cách
Nhận ra vấn đề này sớm sẽ giúp phụ huynh chọn lựa cách tiếp cận và trao đổi với con trẻ đúng lúc.
Thật ra mọi tác động của cha mẹ cũng cần hết sức tự nhiên, như là tạo cho trẻ động lực học tập, hào hứng tham gia các hoạt động, tránh tình trạng vì bị chỉ trích, phê bình mà trẻ buông xuôi tất cả.
Cha mẹ cần chỉ dẫn cho con thấy có thể lĩnh vực này mình hơi tệ nhưng lĩnh vực khác sẽ khá hơn.
Tùy vào năng lực của con, bạn có thể nói với con rằng “có thể con chỉ học môn văn bình thường nhưng con lại học toán rất tốt, hay có thể con chạy không nhanh như một bạn cùng lớp, nhưng con có thể bơi nhanh hơn bạn ấy.
Nên con cố gắng tập trung hơn vào sở trường, thế mạnh của bản thân sẽ làm con tự tin hơn”.
Khi trẻ có sự tiến bộ, cha mẹ nên vui vẻ dành cho con những lời khuyến khích kịp thời. Đó là một phần thưởng tinh thần, vật chất nho nhỏ khích lệ trẻ tiếp tục cố gắng, là động lực thúc đẩy trẻ phấn đấu giành được thành công lớn hơn.
Cho con biết cha mẹ luôn thấy hãnh diện về con
Nếu bạn thấy hài lòng, hãnh diện về con, bạn hãy thể hiện cho con nhận thấy bằng những cử chỉ, lời nói thân mật: “Mẹ rất tự hào về con”.
Dù là thành tích nho nhỏ như vẽ một bức tranh đẹp hay rửa rau, quét nhà sạch sẽ... cha mẹ cũng nên kịp thời bày tỏ tình cảm tích cực của mình dành cho con. Đó là những động lực thúc đẩy con tiếp tục hành động.
Quan trọng nữa là, khi trẻ vạch ra những mục tiêu cố gắng phấn đấu, cha mẹ cần tôn trọng những mục tiêu đó.
Nếu thấy quá viển vông, xa vời thực tế, cha mẹ cũng không nên trêu đùa, châm chọc trẻ, mà cần chỉ dẫn kỹ càng để trẻ thấy được năng lực của mình để xây dựng kế hoạch cho phù hợp.
Cho dù con không đạt được mục tiêu gì quá lớn lao, chỉ cần trẻ tự giác, tự nguyện phấn đấu quyết tâm, cha mẹ cũng nên cổ vũ để trẻ cảm nhận được niềm hạnh phúc, sự thành công bằng sự cố gắng của chính mình.
Tuyệt đối không so bé với bất kỳ ai Trẻ thường lo lắng, băn khoăn khi bắt đầu một nhiệm vụ mới vì chưa lường trước được khả năng. Do đó, cha mẹ có thể xua tan những tư tưởng tiêu cực không tốt ở trẻ. Nên chỉ cho trẻ thấy trẻ đã tiến bộ hơn rất nhiều so với trước đây khi hoàn thành bài tập toán, hay bài văn của trẻ có nhiều cảm xúc thật hơn. Điều đó chứng tỏ trẻ trưởng thành hơn trước. Tuyệt đối không so sánh con mình với bất kỳ ai, các bậc cha mẹ chỉ nên giúp con mình thấy rằng con đã khá hơn trước đây rất nhiều. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận