Mặc dù đã hơn một tháng trôi qua nhưng dư âm về mùa Trung thu truyền thống đúng nghĩa đầu tiên tại sân Văn Miếu vẫn còn trong tiềm thức của nhiều người.
Những mâm cỗ đầy màu sắc được trình bày khéo léo theo quy luật âm dương ngũ hành cho đến chiếc đèn lồng hình con thỏ với đường cong mềm mại được phục dựng tỉ mẩn thêm một lần nữa làm vương vấn nhiều khách tham quan khi ghé xem triển lãm ảnh Thu Vọng Nguyệt vừa qua ở trường đại học đầu tiên của Việt Nam.
Góp phần vào mâm cỗ văn hoá truyền thống đó, ngoài tâm huyết và sự dụng công trong khâu tổ chức của chuỗi nhà hàng Quán Ăn Ngon, sự nhạy cảm nghệ thuật của các nhiếp ảnh gia cũng cần ghi nhận.
Thiết bị và kinh nghiệm là chưa đủ
Theo nhiếp ảnh gia Lê Việt Khánh - người có tác phẩm được trao giải nhất trong triển lãm, công thức để tạo nên thành công một bức ảnh chụp sự kiện đẹp gồm bốn yếu tố. Đó là sự nhạy cảm của người chụp ảnh, kinh nghiệm, thiết bị và khâu xử lý hậu kỳ.
Trong đó kinh nghiệm và sự nhạy cảm được anh chú trọng hàng đầu.
Theo tác giả Lê Việt Khánh, anh đã dự đoán được cách sắp xếp và điều kiện ánh sáng ở Khuê Văn Các là khoảnh khắc hiếm hỏi phải nắm bắt.
"Nhiếp ảnh gia vừa phải là người chụp giỏi, vừa phải là chuyên gia xử lý kỹ thuật hậu kỳ giỏi thì mới có thể khép kín được quy trình nhiếp ảnh, từ đó đẩy bức ảnh mình chụp đạt được hiệu quả tốt nhất", Lê Việt Khánh bổ sung.
Đồng tình với ý kiến trên, nhiếp ảnh gia Nguyễn Hải Bá bổ sung "nắm vững kỹ thuật chụp sẽ giúp chủ động xử lý trong nhiều tình huống nếu có sự cố bất ngờ xảy ra". Nhưng anh cho rằng, điều kiện tiên quyết vẫn là "sự may mắn khi nắm bắt được khoảnh khắc", và kế đến là "sự tập trung cao độ" vì có những sự vật, sự việc "chỉ diễn ra trong tích tắc".
Bố cục và điểm nhấn
Với 13 năm kinh nghiệm, tác giả Nguyễn Hòa cho rằng việc nắm vững bố cục bức ảnh mới là yếu tố quyết định sự thành công của bức hình sự kiện. Anh cho rằng, một bức ảnh đẹp phải có bố cục cân đối, có đường dẫn theo tỉ lệ 2:3 và 3:4 và xác định chi tiết chính để đưa vào phần chính của bức hình.
Nhiếp ảnh gia này cũng tiết lộ, Thu Vọng Nguyệt hiện lên lung linh trong buổi tối, nên người chụp lâu năm giàu kinh nghiệm sẽ không dùng đèn flash mà để chế độ phơi sáng cao để có bức hình nghệ thuật.
Nhiếp ảnh gia Minh Ngọc lại cho rằng bản thân anh chỉ nhìn toàn cảnh, quan sát và chọn ra điểm nhấn rồi bấm máy.
Chọn vị trí cổng nối giữa Khuê Văn Các với sân Thái Học vì cho rằng chỗ này có vị trí cao hơn những chỗ còn lại để dễ dàng quan sát, Minh Ngọc mô tả lại bầu không khí ngập tràn sắc màu văn hóa vui tươi của Thu Vọng Nguyệt khiến anh đong đầy cảm xúc.
"Tôi nhận ra điểm nhấn chính là vẻ hào hứng xen lẫn trầm trồ ngạc nhiên của những đứa trẻ thành phố lần đầu được tiếp xúc với những món đồ chơi và các trò chơi dân gian từ thuở xa xưa. Điều đó đã tạo nên cảm xúc mạnh để tôi thực hiện bức ảnh "Góc sân Tuổi thơ" như mọi người đã thấy", tác giả Minh Ngọc hào hứng nói.
Người nghệ sĩ cần cảm xúc
Tuy có nhiều góc nhìn đa dạng, nhưng các nhiếp ảnh gia đều cho rằng cảm xúc của người nghệ sỹ là quan trọng.
Điều đó được Ban tổ chức là chuỗi nhà hàng Quán Ăn Ngon làm rất tốt khi "bày biện" sẵn cho các tác giả một không gian mộc mạc và dân dã với những đèn ông sao, những con tò he ngộ nghĩnh, hình ảnh ông đồ già mài mực bên giấy đỏ thiêng liêng mà gần gũi, ánh mắt ngạc nhiên nhưng rạng rỡ của những em bé háo hức lần đầu được rước đèn trông trăng cùng cha mẹ ở sân Văn Miếu.
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Hòa cho rằng sống trong "thế giới phẳng", nơi mà những trào lưu hiện đại từ khắp nơi trên thế giới liên tục đổ về rồi lại ra đi thì một sự kiện gợi nhớ những ký ức đã khắc sâu trong tâm khảm như Thu Vọng Nguyệt khiến người ta cảm thấy bình yên. Và sự bình yên đó trở thành nguồn cảm hứng, là động lực thôi thúc mãnh liệt khiến anh phải bấm máy để lưu giữ lại những khoảnh khắc hiếm hoi quý giá.
Đồng quan điểm, tác giả Chí Linh nói rằng Thu Vọng Nguyệt gợi cho anh rất nhiều kỷ niệm thân quen.
"Những tấm bánh, bỏng ngô cho đến ông tiến sĩ giấy... giống như chiếc chìa khóa vô tình mở lại chiếc hộp ký ức trong tôi tưởng như đã bị lãng quên".
Ở một góc nhìn khác, nhiếp ảnh gia Lê Việt Khánh cho rằng cảm xúc Thu Vọng Nguyệt trong anh đến từ sự khéo léo khai thác nghệ thuật thị giác của Ban tổ chức. Những màu sắc, ánh sáng được khai thác từ chất liệu hết sức dân gian của đèn ông sao, đèn ông sư, đèn lồng, đèn kéo quân... đã khiến nhiếp ảnh gia này mê mẩn.
Với tác giả Minh Ngọc thì cảm xúc có được lại đến từ sự bất ngờ. Anh cho biết bản thân rất ngạc nhiên vì nhiều chi tiết được ban tổ chức giữ kín đến tận phút cuối cùng.
"Phải đến tận hôm khai mạc, được hòa mình vào không gian gợi nhớ tuổi thơ về tết trung thu truyền thống cách đây 20 năm trước tôi mới bắt đầu có hình dung về chương trình. Và điều khiến tôi ấn tượng mạnh mẽ là ngay cả những góc khuất trong không gian đều được bài trí rất tỉ mẩn như chú Cuội ngồi gốc đa, các sạp hàng trưng bày mặt nạ giấy bồi, đèn lồng, đầu sư tử, dù là hình ảnh xưa cũ nhưng vẫn làm tôi choáng ngợp", nhiếp ảnh gia này lý giải.
Quảng bá du lịch bằng văn hoá
Mâm cỗ văn hoá được Quán Ăn Ngon bày biện thêm một lần đánh thức giác quan người dân thủ đô với hơn 200 bức ảnh độc đáo được sắp đặt trong triển lãm Thu Vọng Nguyệt. Những tác phẩm nghệ thuật này không chỉ hấp dẫn du khách trong nước mà còn khiến nhiều khách nước ngoài xuýt xoa khi thưởng lãm.
"Những hình ảnh lộng lẫy ở đây khác xa so với hình dung của tôi. Tôi chỉ tiếc đã không đến Việt Nam sớm hơn để được tham dự sự kiện tuyệt đẹp này", bà Anne Capawell (58 tuổi, quốc tịch Anh) chia sẻ bản thân rất bất ngờ khi đến xem triển lãm.
Những bức ảnh trưng bày tại triển lãm đã không chỉ mang đến cho Văn Miếu một diện mạo mới, cổ kính nhưng mới lạ như một bản hòa tấu đa sắc màu hòa quyện giữa truyền thống và hiện đại, mà còn trở nên sống động hơn trong mắt các du khách trong và ngoài nước.
Chia sẻ về chuỗi sự kiện Thu Vọng Nguyệt, bà Phạm Thị Bích Hạnh, chủ sở hữu thương hiệu Quán Ăn Ngon cho biết ý tưởng thực hiện và tổ chức xuất phát từ tình yêu với văn hóa Tràng An cùng với mục đích lưu giữ, bảo tồn giá trị truyền thống cho lớp trẻ sau này.
Câu chuyện "đóng gói" văn hóa Việt bằng cách khai thác chất liệu truyền thống như một sức mạnh mềm để tạo ra những trải nghiệm tươi mới trong việc thu hút khách du lịch nước ngoài được các nhiếp ảnh gia đồng tình ủng hộ.
Nhiếp ảnh gia Minh Ngọc cho rằng Việt Nam có thể học hỏi thêm về cách bảo tồn và lưu giữ văn hóa truyền thống từ chính các nước láng giềng xung quanh, nhưng vận dụng thế nào thì phải cần đến bàn tay của các chuyên gia và những đơn vị có tâm như êkip Thu Vọng Nguyệt.
Còn tác giả Lê Việt Khánh lại đặt nặng vai trò giáo dục. Anh cho rằng muốn dùng văn hóa để quảng bá du lịch thì việc đầu tiên phải làm là cần nhân rộng những sự kiện như Thu Vọng Nguyệt để "kéo văn hoá truyền thống trở lại đời sống xã hội".
Khi các em nhỏ được học mà chơi, chơi mà học thì các giá trị truyền thống sẽ được thẩm thấu tự nhiên. Chừng nào thế hệ trẻ thực sự hiểu và trân quý các giá trị văn hoá của cha ông thì việc họ chung tay gìn giữ và quảng bá là điều không cần bàn cãi.
Sách ảnh Thu Vọng Nguyệt lùi thời gian lên kệ
Sau triển lãm, Ban tổ chức đã dành ra một tháng tuyển chọn gần 300 hình ảnh đẹp nhất từ hơn 10.000 tấm hình để làm bản thảo sách ảnh Thu Vọng Nguyệt. Đây là những hình ảnh của hàng trăm tác giả từ nhiều nguồn khác nhau.
Trong quá trình truy xuất nguồn gốc các tấm hình để liên hệ xin phép chủ sở hữu vào việc xuất bản, êkip phát hiện ra một số hình ảnh có nhầm lẫn về tác quyền. Vậy nên, dù đã biên tập xong bản thảo và in thử một số cuốn làm quà tặng nhưng Ban tổ chức phải lùi thời gian đưa cuốn sách ảnh đặc biệt này rộng rãi ra công chúng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận