Ảnh minh họa. Nguồn: happytrade.org
Ngày Tết là ngày vui của gia đình và mọi người, việc bận rộn tiếp khách đến vui Xuân với gia đình khiến người lớn ít quan tâm đến trẻ, để trẻ được tự do thoải mái đôi khi sẽ dẫn đến những tai nạn đáng tiếc khó lường.
Khó thở vì dị vật đường thở
Các loại thức ăn bày biện nhiều màu sắc như: Mứt, hạt dưa, hạt bí, hạt đậu… rất hấp dẫn trẻ, có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng tắc nghẹn đường thở khi vô tình rơi vào đường hô hấp của trẻ.
Dị vật đường thở thường gặp ở trẻ lứa tuổi ăn dặm (6 tháng tuổi) đến khoảng 3 tuổi. Ở lứa tuổi này, trẻ thường hay tò mò, thích nhét các loại đồ vật lạ vào miệng hoặc mũi, vì phản xạ đóng, mở thanh quản để bảo vệ đường thở chưa hoàn thiện nên trẻ rất dễ bị dị vật xâm nhập vào đường thở, gây khó thở đôi khi dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng khôn lường. Trẻ đột nhiên khóc thét, ho sặc sụa, tím tái hoặc khó thở chính là những dấu hiệu gợi ý giúp cha mẹ nhanh chóng nhận diện trẻ đã bị dị vật đường thở.
Xử trí ban đầu: Gặp tình huống trên cha mẹ phải thật bình tình giúp trẻ tống xuất dị vật ra khỏi đường thở của trẻ nếu cha mẹ biết cách. Nếu không rõ cách làm, cha mẹ phải khẩn trương đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
Phòng ngừa: Tốt nhất là không cho trẻ nhỏ ăn các loại thức ăn có hột hoặc khi ăn phải lấy hết hột ra. Đặc biệt cha, mẹ nên chú ý hơn đến sinh hoạt, vui chơi của trẻ trong những ngày Tết là cách phòng ngừa dị vật đường thở cho trẻ thiết thực nhất.
Tai nạn phỏng từ thức ăn nóng vừa chế biến
Trẻ em vốn hiếu động, thích khám phá thế giới xung quanh, nhất là trẻ vừa chập chững biết đi, việc nấu nướng tiệc tùng trong những ngày đầu xuân mới cũng có thể là mối nguy hiểm về phỏng nhiệt ở trẻ nhỏ.
Xử trí ban đầu: Nếu lỡ trẻ không may bị phỏng, nên sơ cứu tại chỗ bằng cách hạ nhiệt độ vùng da bị phỏng với nước lạnh, không nên bôi gì lên vết phỏng trước khi chuyển trẻ đi bệnh viện.
Phòng ngừa: Chúng ta nên giữ trẻ cẩn thận, cách xa những tác nhân có thể làm cho trẻ bị phỏng.
Tai nạn điện giật
Những chùm đèn trang trí trên chậu cây kiểng, nhang điện, đèn hào quang, nhấp nháy ở các bàn thờ, hấp dẫn trẻ đến tò mò, sờ mó nên bị điện giật.
Xử trí ban đầu: Nhanh chóng cắt nguồn điện, đưa trẻ ra khỏi chỗ điện giật an toàn, kiểm tra xem trẻ có bị chấn thương gì nghiêm trọng không, nếu có nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhà để được xử trí kịp thời.
Phòng ngừa: Các thiết bị sử dụng điện nên để ở xa tầm với trẻ. Các ổ điện cần được che kín bằng các nút nhựa an toàn.
Ngạt nước
Một số gia đình có hồ kiểng, non bộ trong nhà gần chân cầu thang, trẻ có thể té vào hồ hoặc té vào xô nước trong nhà tắm hoặc bồn cầu, gây ngạt nước.
Xử trí ban đầu: Nếu gặp tình huống trẻ bị ngạt nước phụ huynh cần phải thật bình tĩnh nhanh chóng đưa trẻ lên khỏi mặt nước, đặt trẻ nằm chỗ khô ráo, thoáng khí. Nếu bất tỉnh, hãy kiểm tra xem trẻ còn thở hay không bằng cách quan sát sự di động của lồng ngực. Nếu trẻ đã ngưng thở, cần tiến hành thổi ngạt miệng qua miệng 2 cái chậm, sau đó kiểm tra mạch cổ, mạch bẹn xem có đập không?
Nếu trẻ đã bị ngưng tim, phải tiến hành ấn tim ngoài lồng ngực ở nửa dưới xương ức. Phối hợp ấn tim và thổi ngạt liên tục trên đường chuyển trẻ tới cơ sở y tế gần nhất. Khi trẻ còn tự thở, hãy đặt trẻ ở tư thế nằm nghiêng một bên để trẻ dễ nôn ói khi muốn. Cởi bỏ quần áo ướt và giữ ấm cho trẻ thật tốt trên đường chuyển trẻ đến bệnh viện.
Phòng ngừa: Không nên để trẻ nhỏ một mình, không thiết kế hồ kiểng trong nhà khi gia đình có trẻ nhỏ, xô nước bồn cầu cần được đậy nắp cẩn thận hoặc không chứa nước.
Uống - ăn nhầm hóa chất độc hại
Trẻ có thể bò, đi quanh nhà và vớ bất cứ thứ gì cho vào miệng chẳng hạn chai trà chanh đựng dầu hôi, thường dự trữ ngày Tết để châm đèn dầu hay cồn xe nhang (rượu methanol) ở một số gia đình làm nhang bán ngày tết hoặc uống nhầm nước tro tàu (dung dịch KOH) thường được dùng làm bánh ít trong, đôi khi là các bả độc trộn thức ăn với thuốc diệt chuột, diệt côn trùng, hoặc thuốc an thần, động kinh (phenobarbital, haloperidol...), đưa đến ngộ độc rất nguy hiểm cho tính mạng trẻ.
Xử trí ban đầu: Giúp trẻ nôn ói càng nhiều càng tốt để loại bỏ tối đa những tác nhân độc hại ra khỏi đường tiêu hóa, chú ý nên để trẻ ngồi hoặc nằm nghiêng một bên khi trẻ nôn ói để phòng ngừa hít sặc chất nôn vào phổi, sớm đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhà để được điều trị đúng cách.
Phòng ngừa: Không đựng hóa chất trong các chai nước giải khát hoặc các hóa chất phải để xa tầm với và tầm "thấy" của trẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận