Tại buổi tiếp xúc cử tri ở Q.3 (TP.HCM) sau kỳ họp thứ 7 của Quốc hội vào hôm 2-7, một số cử tri cho rằng tăng lương cơ sở nhưng không tăng mức giảm trừ gia cảnh cũng không nhiều ý nghĩa.
Ít nhất giảm trừ gia cảnh cũng phải tăng 30%
Cử tri Vũ Thị Bích Vân (P.13, Q.3) đề nghị có những biện pháp bình ổn thị trường, kiềm chế tăng giá sau tăng lương cơ sở.
Thực tế cho thấy mỗi lần có thông tin về việc tăng lương thì giá cả tăng nhanh, ảnh hưởng đến đời sống người dân, nhất là người lao động không hưởng lương nhà nước.
Hiện mức giảm trừ gia cảnh là 11 triệu đồng/tháng với người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng với người phụ thuộc là quá thấp, không theo kịp biến động giá cả hiện nay.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, chuyên gia cao cấp về thuế Nguyễn Ngọc Tú cho rằng cần tăng mức giảm trừ gia cảnh tối thiểu bằng mức tăng lương để đảm bảo ý nghĩa của việc tăng lương và bảo vệ lợi ích chính đáng của người nộp thuế thu nhập cá nhân.
Lương tăng mà mức giảm trừ gia cảnh đứng yên sẽ khiến người lao động bị thiệt thòi khi gánh nặng thuế tăng theo.
Dẫn chứng bằng ví dụ, theo ông Tú, một người đang có mức lương trước đây 11 triệu đồng/tháng và không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
Từ 1-7, mức lương tăng lên 13 triệu đồng thì phải nộp thuế. Cũng như vậy, những người đang nộp thuế ở bậc 1 cũng sẽ phải nộp thuế nhiều hơn khi được tăng lương thêm 30% từ ngày 1-7. Gánh nặng thuế tăng lên làm giảm ý nghĩa của việc tăng lương của Nhà nước.
Giá dịch vụ tăng lâu rồi
Trên thực tế, lo lắng của các đại biểu cũng là tâm tư của người làm công ăn lương. Chị Thanh Thúy (Q.12, TP.HCM) cho hay chị là lao động chính trong gia đình, thu nhập một tháng hơn 20 triệu đồng, gia đình có hai con nhỏ đang độ tuổi đi học.
Chị cho biết với mức thu nhập này chị khá chật vật để lo mọi khoản chi tiêu từ tiền nhà, tiền điện, tiền nước, học phí trên trường đến học thêm cho con.
Chưa kể còn hàng loạt khoản chi như tiền ăn uống, tiền gas, điện thoại, xăng xe... "Chi phí sinh hoạt những năm qua tăng rất nhanh. Trước đây 500.000 đồng tôi đi chợ được hai ngày, nhưng bây giờ chỉ đi một vòng chợ là hết", chị Thúy than thở.
Dẫn chứng từ gia đình mình, chị Hà (Q.Gò Vấp, TP.HCM) nói dù Bộ Tài chính cho hay chỉ số giá tiêu dùng (CPI) theo thống kê từ năm 2020 đến năm 2023 chỉ tăng 11,47% nhưng trên thực tế giá cả toàn tăng gấp mấy lần mức thống kê trên.
Chẳng hạn ổ bánh mì từ 12.000 đồng - 15.000 đồng/ổ mấy năm trước đã tăng lên 20.000 - 25.000 đồng/ổ, tương đương mức tăng từ 25 - 33%. Tô phở cũng tăng từ 40.000 đồng lên 50.000 - 55.000 đồng/tô (tăng từ 25 - 38%).
"Để không bị thâm hụt ngân sách, mấy năm nay gia đình tôi toàn tự nấu đồ ăn sáng tại nhà, thậm chí ly cà phê cũng tự pha để tiết kiệm. Tôi cho rằng cơ quan quản lý cần tính toán lại vì tiêu chí theo quy định để tăng mức giảm trừ gia cảnh là CPI phải tăng trên 20%.
Nhưng trên thực tế danh mục CPI thời kỳ 2020 - 2025 bao gồm đến 752 mặt hàng, do vậy sẽ không sát với biến động giá cả thực tế. Từ nhiều năm qua, các chuyên gia đã nhiều lần đề xuất sửa đổi cách tính CPI cho thấy rõ ràng cách tính có sự bất cập", chị Hà nói.
Nên có rổ CPI riêng để tính giá cả tiêu dùng
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên gia kinh tế cho rằng bản chất của việc đo lường CPI là đo lường chi phí sinh hoạt của người dân.
Do vậy, phải giả định các tháng người dân tiêu thụ một giỏ hàng là giống nhau, sau đó xét xem chi phí giỏ hàng đó đắt lên hay rẻ đi để tính tỉ lệ lạm phát.
Còn nếu tính chung cả rổ 752 mặt hàng như trên sẽ không đúng với bản chất giá tiêu dùng vì trong đó người dân chỉ dùng vài chục mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống.
Luật sư Trần Xoa, giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang, cũng cho rằng trong rổ hàng hóa CPI có cả những mặt hàng như sắt, thép, xi măng... trong khi người dân chỉ sử dụng thường xuyên khoảng 30 mặt hàng như gạo, dầu ăn, rau củ quả, y tế, giáo dục, xăng dầu...
"Như vậy sẽ dẫn đến bất cập là những mặt hàng người dân sử dụng thường xuyên tăng mạnh, ảnh hưởng đến đời sống nhưng chỉ số CPI chung lại không tăng vì những mặt hàng khác không tăng.
Do vậy sẽ rất bất hợp lý nếu phải chờ đợi chỉ số CPI chung này để làm căn cứ đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh. Nói cách khác, chỉ số CPI chung này không đại diện cho đời sống người lao động, lấy đó làm căn cứ để đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh sẽ rất thiệt thòi cho người làm công ăn lương", ông Xoa nói.
Ông Xoa cũng đề xuất nên áp dụng một trong hai phương án. Nếu vẫn căn cứ vào biến động của CPI để điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh thì nên có rổ hàng hóa CPI riêng dành để tính cho mục đích này để đo lường chính xác biến động của chỉ số giá cả.
Phương án 2 là căn cứ theo lương tối thiểu vùng. Mỗi năm đều tăng lương tối thiểu vùng, vậy sao không dựa vào mức này để quy định mức giảm trừ để theo đó mức giảm trừ gia cảnh của người nộp thuế có thể điều chỉnh linh hoạt?
"Có thể là bằng 5 tháng lương tối thiểu vùng, để khi mức lương tối thiểu vùng điều chỉnh thì mức giảm trừ gia cảnh cũng tăng theo", ông Xoa đề xuất.
Theo các chuyên gia, việc điều chỉnh mức giảm trừ theo mức lương tối thiểu vùng là phương án hợp lý nhất. Vì mức lương tối thiểu vùng được xem xét rất cẩn trọng bởi nhiều cơ quan và được điều chỉnh hằng năm, do vậy sẽ không gặp cảnh "lương không theo kịp giá".
Chờ giải pháp hợp tình, hợp lý
Trong lúc chờ sửa toàn diện Luật Thuế thu nhập cá nhân, ông Nguyễn Ngọc Tú đề xuất phải tăng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế lên ngay trong năm 2024. Đây là giải pháp trước mắt và hợp tình, hợp lý.
"Ngay trong năm nay, Bộ Tài chính cần báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh với mức tăng 30% như mức tăng lương tối thiểu.
Theo đó, mức giảm trừ gia cảnh lên 16 triệu đồng/tháng đối với người nộp thuế và 8 triệu đồng/tháng đối với người phụ thuộc.
Có như vậy mới đảm bảo mức giảm trừ gia cảnh không lạc hậu với tình hình thực tiễn cũng như đảm bảo quyền lợi cho người nộp thuế.
Cùng với đó, ông Tú cũng đề nghị Bộ Tài chính cần đẩy nhanh tiến độ sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân càng sớm càng tốt. Vì từ năm 2018, những quy định bất cập của luật này như bậc thuế, mức thuế... đã được bộ này thừa nhận rồi.
Nếu theo lộ trình sửa luật là sẽ đưa ra Quốc hội vào tháng 10-2025 và Quốc hội sẽ thông qua vào kỳ họp tháng 5-2026 là quá thiệt thòi cho người nộp thuế. Người nộp thuế mòn mỏi chờ đợi tăng mức giảm trừ gia cảnh hay sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân đã từ rất lâu rồi" - ông Tú nhấn mạnh.
Được tăng lương nhưng chưa hẳn đã vui
Chị Phạm Thị Phương (quận Cầu Giấy, Hà Nội) kể từ khi dịch COVID-19, thu nhập của gia đình chị giảm sút 20% so với trước đây nhưng vẫn thuộc đối tượng phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
Trong khi đó, chi phí học hành của con cái tăng lên, như học bồi dưỡng cho con trước là 90.000 đồng/buổi nay tăng lên 120.000 đồng.
Ngay cả học phí ở trường công lập, năm học vừa rồi tăng lên 300.000 đồng/tháng, gấp gần 5 lần so với năm trước. Sữa, thực phẩm, rau xanh... cái gì cũng tăng, trong khi thu nhập mấy năm rồi thì giảm sút.
"Với đợt tăng lương từ 1-7, tôi cũng mừng là thu nhập có tăng thêm một chút. Song tôi lại lo là phần tăng thêm lại phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Do đó, ý nghĩa của việc tăng lương không thật sự trọn vẹn" - chị Phương than thở.
* Đại biểu TẠ VĂN HẠ (phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục):
Cần nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 50%
Được tăng lương là niềm vui lớn với cán bộ, công chức trên cả nước. Tuy nhiên, một vấn đề được nhiều người đặt ra đó là tăng lương nhưng lại không điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân. Tôi và nhiều đại biểu Quốc hội, cử tri cũng đặt ra vấn đề này.
Thực tế, hiện mức giảm trừ gia cảnh là 11 triệu đồng/tháng với người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng với người phụ thuộc là quá thấp. Do đó, tôi đề nghị cùng với việc tăng lương thì phải điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh lên 50%.
Trong đó, về mặt cơ học, lương cơ sở tăng 30% thì mức giảm trừ gia cảnh cũng phải tăng theo 30%. Tuy nhiên, mức giảm trừ gia cảnh, trong đó mức với người phụ thuộc hiện còn quá thấp nên cần tăng thêm 20% nữa để phù hợp với thực tế giá cả hàng hóa và việc chi tiêu của người dân hiện nay.
Luật Thuế thu nhập cá nhân được Quốc hội thông qua năm 2007 và được sửa đổi, bổ sung hai lần và lần cuối vào năm 2014 là khá lâu.
Mặc dù năm 2020 Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng có nghị quyết điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh để giảm bớt áp lực nộp thuế, nhưng qua quá trình nghiên cứu cho thấy còn một số bất cập chưa được giải quyết.
* Đại biểu HOÀNG VĂN CƯỜNG:
Nên điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh để tăng lương đạt hiệu quả
Mức giảm trừ cho người đóng thuế và mức giảm trừ cho người phụ thuộc đến nay đã có nhiều yếu tố làm thay đổi, cụ thể là chỉ số giá tiêu dùng và chi phí đời sống của người dân liên tục tăng qua các năm.
Trong đó, chi phí học hành, điều kiện sinh hoạt, chỗ ở hiện đã rất khác. Ngoài ra, thu nhập của người dân cũng tăng lên. Do vậy, không thể lấy mức cũ để làm thước đo cho mức giảm trừ gia cảnh.
Từ 1-7, lương cơ sở được điều chỉnh tăng 30%, từ mức 1,8 triệu lên 2,34 triệu đồng, do đó các cơ quan chức năng cần tính toán để tăng mức giảm trừ gia cảnh lên để phù hợp với mức thu nhập và mức tiêu dùng của người dân.
Nếu không thay đổi mức giảm trừ gia cảnh thì việc tăng lương không đạt được hiệu quả đề ra mà vô hình trung có thể chuyển thành tiền để nộp thuế.
Vì sao chưa đưa vào chương trình xây dựng pháp luật?
Tại cuộc họp báo thông tin về kết quả kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, phóng viên đặt câu hỏi việc giảm trừ gia cảnh, điều chỉnh thuế thu nhập cá nhân là vấn đề rất nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra trong kỳ họp qua và cho là cấp thiết đặc biệt trong bối cảnh lương cơ sở tăng 30%. Vậy vì sao nội dung này chưa được đưa vào chương trình luật, pháp lệnh của nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15?
Trả lời câu hỏi này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy cho biết ngay từ khi dự kiến về chương trình luật, pháp lệnh của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã đưa ra các nhiệm vụ, yêu cầu Chính phủ rà soát sửa đổi bổ sung các luật về thuế.
Nhiệm vụ này đã được nhắc lại nhiều lần trong các cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tại phiên họp thảo luận của Quốc hội về kinh tế - xã hội ngày 29-5, phản hồi ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng đã nêu nhiều vấn đề liên quan đến việc xem xét sửa đổi thuế thu nhập cá nhân, mức giảm trừ gia cảnh.
"Qua dư luận và ý kiến của đại biểu Quốc hội, chúng tôi cũng thấy đây là vấn đề cần được triển khai thực hiện ngay.
Tuy nhiên, để một dự án luật đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội phải tuân theo những yêu cầu, trình tự thủ tục nghiêm ngặt", bà Thủy nói.
Bà Thủy thông tin theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, để xem xét đưa vào chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, Chính phủ cần xem xét thảo luận, xác định những chính sách cơ bản và cần phải tổng kết, đánh giá kỹ lưỡng, có đánh giá tác động, điều kiện để bảo đảm khả thi.
Do đó, khi nào Bộ Tài chính - cơ quan liên quan trực tiếp đến vấn đề này - tham mưu cho Chính phủ hoàn thiện hồ sơ để đề nghị đưa dự án này vào xây dựng chương trình pháp lệnh thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, báo cáo Quốc hội bổ sung việc sửa đổi luật này vào kỳ họp gần nhất. "Tuy đây là nhu cầu cấp thiết nhưng phải tuân theo thủ tục, trình tự, quy định xây dựng văn bản pháp luật", bà Thủy nói.
Giá cả sẽ không tăng mạnh trong thời gian tới
Về áp lực tăng lạm phát từ việc tăng lương cơ sở từ ngày 1-7, ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho rằng nhu cầu tiêu dùng trong nước hiện nay còn yếu.
Điều này phản ánh qua tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm nay chỉ đạt khoảng 3.098.700 tỉ đồng, tăng 8,6%, thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm 2023 đạt khoảng 11,3%.
Vì thế, khi sức mua của đa số người dân còn yếu thì việc tăng lương cơ sở lúc này sẽ bù đắp phần nào chi tiêu. Hơn nữa trong bối cảnh nguồn cung hàng thiết yếu trong nước như gạo, các loại lương thực thực phẩm khá dồi dào, cùng với sự điều tiết hợp lý từ các cơ quan quản lý thì giá cả sẽ không tăng mạnh trong thời gian tới.
Cùng quan điểm này, TS Ngô Trí Long, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cũng cho rằng dù lương cơ sở vừa tăng nhưng lương trong khu vực nhà nước vẫn thấp hơn khu vực tư nhân, vì thế việc tăng lương có thể kích thích làm cầu tiêu dùng trong nước phục hồi mạnh hơn nhưng chưa thể đẩy lạm phát lên cao.
Thực tế nhiều mặt hàng lương thực thực phẩm, rau củ quả, thịt heo đã tăng từ trước, đặc biệt trong đợt Tết rồi, nên giờ khó tăng thêm. Hơn nữa sức mua giảm, nhiều doanh nghiệp còn khó khăn kéo theo thu nhập của người lao động giảm.
Còn theo bà Nguyễn Thu Oanh, vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), nhóm hàng thiết yếu chiếm hơn 30% tỉ trọng của rổ hàng hóa lạm phát, trong đó riêng nhóm lương thực thực phẩm chiếm 25%.
Việt Nam là nước xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới nên không lo thiếu nguồn cung và chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được giá lương thực, thực phẩm trong thời gian tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận