08/04/2023 09:39 GMT+7

Giữ nguồn mạch cho phố cổ Hội An

Linh hồn Hội An được hình thành và chắt lọc từ sự va chạm, gặp gỡ, trao đổi giữa khách với cư dân sống trong quần thể di tích.

Khách tham quan Hội An đang tăng mạnh trở lại từ Tết tới nay - Ảnh: S.C.

Khách tham quan Hội An đang tăng mạnh trở lại từ Tết tới nay - Ảnh: S.C.

Theo sự chọn lọc tự nhiên, sự giao thoa đó đã tạo ra cái gọi là hồn phố. Hiểu điều đó để thấy rằng ứng xử với phố cổ di sản thế giới như Hội An, chúng ta không thể làm theo kiểu "chặt to kho mặn", không tạo ra sự ngăn trở nào đó có thể xảy ra để có khả năng cắt đứt sự giao thoa hồn phố đó vốn đã tồn tại suốt 400 năm qua.

Với chuyện bán vé tham quan khu phố cổ Hội An, tôi cùng chính quyền đã triển khai làm từ nhiều năm trước với mục đích chính là tạo ra một thói quen, ý thức góp phần gìn giữ di sản cha ông để lại. 

75% tiền bán vé quay lại để trùng tu di tích, có tiền bán vé thì chính quyền chủ động hơn khi giữ phố cổ. Cũng nhờ số tiền bán vé mà có những giai đoạn kinh tế khó khăn, thành phố có kinh phí để trùng tu những nhà cổ tư nhân mà dân không đủ tiền làm.

Sau này, khi nhận thấy phố cổ cần hấp dẫn hơn, cần tìm cách để bà con buôn bán có tiền hơn, chúng tôi đã nghĩ ra làm đêm phố cổ, làm phố đi bộ, tổ chức hoạt động nghệ thuật ở đó để thu hút khách đến nhiều hơn. 

Khách nhiều thì mua nhiều hàng hóa và đời sống của dân sẽ khá lên, khi khá lên thì họ có tiền nuôi di tích. Hội An luôn giữ được di tích bền vững là nhờ vậy.

Hội An bao năm qua vẫn vậy. Vẫn kiến trúc đó, vẫn những lối nhỏ và những ngôi nhà nhỏ rêu phong, song người dân sống trong đó tạo ra cái mới trên nền cổ. Cổ nhưng lúc nào cũng cảm thấy không cũ, vẫn rủ rê, mới mẻ, gọi mời để khách tới cảm thấy thích thú. 

Khách thích là vì gặp những con người phố Hội hiện diện, sinh hoạt trong không gian đó. Thứ nữa là sự giao lưu giữa khách với người phố cổ tạo ra một thứ văn hóa rất đặc trưng của Hội An. Đó là sự thân thiện. Đây chính là cái căn cốt nhất của hồn phố.

Nếu chúng ta tạo ra sự ngăn cách nào đó, dựng những "barie" nào đó dù là hữu hình hay vô hình thì vô tình sẽ cắt đứt linh hồn, sức sống phố cổ. Lúc đó sẽ chẳng còn Hội An nữa. Xưa giờ Hội An không bao giờ cho phép điều đó xảy ra dù có giai đoạn khó khăn tới như thế nào.

Ứng xử với Hội An phải tuyệt đối hạn chế mọi can thiệp mang tính thô bạo vào di tích và vào hoạt động đời sống cư dân. Với Hội An, ứng xử cũng phải có triết lý của nó, không thể "chặt to kho mặn". 

Mình thu tiền vé tham quan khu phố cổ là để góp phần trùng tu giữ gìn di sản, điều đó đúng song phải có cách phù hợp. Nó phải văn hóa hơn, nhẹ nhàng hơn, tự nguyện và chất lượng hơn. Nó phải đúng cách riêng như hồn cốt Hội An chứ không thể giống nơi khác.

Làm sao cho khách thoải mái, vui vẻ và tự nguyện khi bỏ tiền ra để vào phố cổ mới là điều quan trọng. 

Muốn vậy phải luôn trăn trở để làm mới mình, phải nâng chất lượng dịch vụ và tạo ra điều thu hút khác biệt thực sự mà bây giờ gọi là sản phẩm du lịch. Không phải là cứ "đường xưa lối cũ" cứ đi mãi. 

Nếu khách vào cũng chỉ loanh quanh mấy chỗ rồi chỉ xem như thế thôi, dù bỏ ra chỉ 80.000 đồng hay ít hơn nữa thì mình chưa làm hài lòng họ. 

Tôi nghĩ với việc thu phí tham quan khu phố cổ, chính quyền Hội An luôn trăn trở để Hội An luôn là Hội An và Hội An mới mẻ, phát triển hơn, song tìm cách làm phù hợp là điều cần phải tính toán kỹ để tiếp tục gìn giữ và phát triển nguồn mạch phố cổ.

Ông bà, tiền nhân đã để lại di sản, nếp sống rất riêng của Hội An mà không thể nơi nào có. Xưa giờ và tới nay vẫn vậy. 

Do đó, hãy để Hội An diễn ra tự nhiên như di sản đã trăm năm vậy. Đi liền với đó là chúng ta phải có cách quản lý tốt, phải làm cho khách hiểu rằng một khi vào thăm Hội An thì chính là đóng góp cho di sản, có trách nhiệm với di sản. Họ ủng hộ một tấm vé cũng một phần thể hiện điều đó.

Một điều căn cốt nữa là muốn Hội An tốt trước tiên hãy để nhân dân cảm thấy thoải mái, để họ lựa chọn cách sinh hoạt xưa nay vốn có của mình chứ không áp đặt mệnh lệnh. Người Hội An vốn dĩ hiền hòa, cởi mở và thẳng thắn. Đó là cộng đồng hiểu được giá trị của di sản nơi mình đang sống và luôn cùng chung tay gìn giữ. 

Đó là cộng đồng xem phố Hội là một nơi chốn yêu thương mà họ gọi là về phố. Vì vậy, một tấm vé với du khách bên ngoài vào thăm song trước hết cần có sự cởi mở, thuận lòng bên trong.

Hội An hạnh phúc thì người dân phố cổ trước tiên phải cảm thấy hạnh phúc.

Thu phí bảo tồn phố cổ: Thành phố Hội An và phố cổ Hội An là hai chuyện khác nhauThu phí bảo tồn phố cổ: Thành phố Hội An và phố cổ Hội An là hai chuyện khác nhau

Dự kiến thu phí du khách trong nước khi đến tham quan Hội An gây dư luận trái chiều. Hàng ngàn bình luận của bạn đọc gửi đến Tuổi Trẻ Online trong tuần qua quan tâm đến vấn đề này.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp