14/11/2011 03:55 GMT+7

Giữ lấy niềm hứng khởi

QUỲNH NGUYỄN
QUỲNH NGUYỄN

TT - Khoảng 600 ghế của Nhà hát TP.HCM không còn chỗ trống trong suất công diễn vở vũ kịch Kẹp hạt dẻ của Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM (HBSO) vào hai tối 12 và 13-11.

Một điều chưa từng xảy ra trong những buổi giới thiệu vũ kịch của HBSO trong nhiều năm trở lại đây.

dGzT3sHA.jpgPhóng to
Cảnh trí và phục trang sinh động, tươi vui là một điểm cộng của Kẹp hạt dẻ - Ảnh: Gia Tiến

Vợ chồng ông Adam Lean (Canada) cho biết: “Ở Canada, chúng tôi xem Kẹp hạt dẻ mỗi năm. Đây là lần đầu tiên chúng tôi xem vở này ở một nước châu Á. Các bạn không điêu luyện bằng các nghệ sĩ ở Bắc Mỹ nhưng các bạn lại biểu diễn rất hồn hậu và tự tin. Điều đó làm Kẹp hạt dẻ của các bạn trở nên khác biệt!”. Chính điều khác biệt này cộng với những nỗ lực và đầu tư hết mức có thể của HBSO cho vở diễn đã khiến khán giả không tiếc những tràng pháo tay...

Hai đêm diễn “cháy vé” - điều mà ban giám đốc HBSO không dám mơ. 2/3 khán giả là người nước ngoài. “Đó là điều chúng tôi mong đợi. Sự phân bổ khán giả như thế chứng minh chúng tôi đang đi đúng hướng” - bà Nguyệt Sa, trưởng phòng tổ chức biểu diễn của HBSO, chia sẻ.

Trừ chương trình Giai điệu mùa thu (nơi các tài năng hàn lâm Việt Nam “hò hẹn” vào tháng 8 mỗi năm) và những chương trình nghệ thuật giao lưu mang tính ngoại giao, mỗi tháng HBSO đều có hai suất diễn vào ngày 9 và 19. Với đội ngũ những nghệ sĩ được đào tạo và biểu diễn những bộ môn nghệ thuật chính thống (giao hưởng, thính phòng, balê...), nhiệm vụ đầu tiên của HBSO là phục vụ được nhu cầu thưởng thức các bộ môn nghệ thuật này của du khách, những công dân nước ngoài đang sống và làm việc tại TP.HCM.

Kế đó là giới thiệu và “mê hoặc” khán giả trong nước. Với nỗ lực tự hoàn thiện và phát triển không ngừng, hai năm trở lại đây, các buổi hòa nhạc giao hưởng, thính phòng của HBSO đã phần nào có được khán giả trong và ngoài nước thường xuyên và ổn định. Nhưng với vũ kịch thì phải đến khi vở Kẹp hạt dẻ ra mắt mới thấy những tín hiệu vui.

Kẹp hạt dẻ (biên đạo Johanne Jakhelln, Na Uy) đã diễn ra đầy sinh khí từ khi còn trên sàn tập đến ngày biểu diễn. Các diễn viên đã tạm gác hết những công việc tay trái trong hai tháng để tập trung luyện tập. Họ tất bật tập, ráp, chạy chương trình... Có nhiều mệt mỏi và cả kiệt sức (như Văn Thiện đã lả đi trong buổi chạy chương trình chiều 10-11) nhưng ai nấy đều hồi hộp chờ đến ngày công diễn.

Ngày công diễn thật tưng bừng! Nhà hát TP tối 12-11 nhộn nhịp và “là lạ” hơn mọi khi. Mới giữa tháng 11 đã có những “cô tiên Noel” đứng quanh sảnh, phát cho khán giả những tập sách đầy đủ thông tin và hình ảnh của vở diễn. Chưa bao giờ các nghệ sĩ balê của HBSO được khoác lên mình những bộ trang phục đẹp mắt và rực rỡ đến thế. Từ cảnh trí đến phục trang đều sinh động, tươi vui, chứ chẳng phải kiểu diễn viên một màu trắng toát xoạc tay quay người... trên nền sân khấu nâu thẫm một màu buồn tẻ như thường lệ.

Một vở diễn danh tiếng, âm nhạc bất hủ của Tchaikovsky, không gian ấm cúng cùng điều kiện thưởng thức tối ưu khiến hầu hết khán giả cảm thấy thích thú, hài lòng.

Lẽ ra phải “tranh thủ” sự ủng hộ quý giá đó bằng cách tăng cường các suất diễn từ đây cho đến cuối năm. Nhưng “câu chuyện thần tiên” về Kẹp hạt dẻ cũng như điều kỳ diệu mà vở diễn đã mang đến cho HBSO đành khép lại tại đây khi Nhà hát TP.HCM “bận” phục vụ nhiều chương trình, loại hình không mấy thích hợp khác. Giá mà HBSO có một nhà hát như được hứa. Khi đó những niềm hứng khởi sẽ dễ dàng được kéo dài và nhân rộng. Việc Kẹp hạt dẻ hay bất kỳ một vở diễn nào sẽ được biểu diễn cùng dàn nhạc giao hưởng, chứ không diễn cùng “nhạc máy” như hiện nay là chuyện trong tầm tay.

QUỲNH NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp