06/12/2003 06:00 GMT+7

Giữ giống cây quế của người Ca Dong

HUỲNH VĂN MỸ
HUỲNH VĂN MỸ

TT - "Cái cây quý của ông cha để lại, mình không trồng nó không chỉ cái bụng đói mà còn có tội với người xưa đó...”, lời anh là cả tấm lòng của người bảo lưu trang sử quý của tiền nhân nơi mảnh đất rừng được xem là vương quốc của cây quế nước ta...

clgiQUSS.jpgPhóng to

Anh Nguyễn Đình Cường bên nguồn quế giống trong vườn với gần 200 cây - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ

TT - "Cái cây quý của ông cha để lại, mình không trồng nó không chỉ cái bụng đói mà còn có tội với người xưa đó...”, lời anh là cả tấm lòng của người bảo lưu trang sử quý của tiền nhân nơi mảnh đất rừng được xem là vương quốc của cây quế nước ta...

“Bởi mình là người Ca Dong nên phải trồng quế!”

Phải gần một giờ lên dốc xuống vực tựa như leo núi tôi mới dạo được một phần vườn quế của Nguyễn Đình Cường. Phải mất bao nhiêu thời gian để rừng hoang biến thành rừng quế với hàng vạn cây lớn nhỏ đứng kề nhau thế này khi mà anh còn phải lo áo cơm cuộc sống cho cả một gia đình giữa thăm thẳm Trường Sơn? “Nó cứ ra sức làm miết thì được thôi!”, Bí thư Đảng ủy xã Trà Mai (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) nói.

Cường kể để có tiền cưới vợ, để có cái ăn cái mặc suốt bao năm nay anh đã bán đi rất nhiều quế bởi giá quế ở chốn rừng sâu này rất rẻ. Ngày anh chào đời, quê anh đã bời bời bom đạn, những mùa trồng quế của người Ca Dong ngày nào chỉ còn trong ký ức. Nhưng rồi nỗi đau buồn của cây quế nơi đất rừng của người Ca Dong, Kor, Bhơnoong, Xơ Đăng và cả của người Kinh đã không còn khi chiến tranh đi qua và thị trường quế được phục hồi.

Không ai nghĩ thằng bé mồ côi 10 tuổi đang sống với chú ở làng Tăk Lũ bên con khe Nước Ui xa tít kia lại là người sẽ chép tiếp trang sử thi cho cây quế một cách mãnh liệt nhất. Phải trồng quế cho chú nhưng cậu bé Cường vẫn xin chú tranh thủ từng chút thời gian để trồng phần cho mình: “Người ta có áo quần đẹp để mặc, có cái đài để nghe là nhờ tiền bán quế. Mình thua người ta bởi cha mẹ chết sớm, không có cây quế để lại. Chừ mình phải ra sức mà trồng...”, Cường nghĩ.

“Ông chú của Cường là già làng Bháp Gia kiêng cữ dữ lắm. Người Ca Dong trước đó không ai đem cây quế về nhà, cũng không ai đem nó trồng ở rẫy lúa của mình. Rứa mà Cường dám đem mớ quế con trồng ở rẫy lúa của chú. Đến khi gặt lúa thấy cây quế đứng đầy rẫy, ổng hoảng hồn la lên: “Ai đem quế trồng ở rẫy trù ếm tui, tui mà đau chết, nhà tui với làng sẽ không tha tội mô...”.

Cường… không “nhận tội”, chỉ trấn an ông chú: “Có chi cây quế cũng đã lên rồi. Cứ để coi chú có hề chi không. Mà chắc là sẽ không có chuyện chi mô...”. Ông chú lo sợ nhưng nghe lời Cường và đúng là không có chi xảy ra, ổng còn sống đến chừ, tuổi hơn 80...”, chủ tịch UBND xã Trà Mai Nguyễn Thanh Phương kể lại chuyện cậu bé Cường vượt qua “rào cản” đáng ngán đó để giờ là người nổi tiếng của Trà My.

“Phải cho cây quế xanh như cái rừng!”

“Cái chi cũng từ đồng tiền bán quế mà ra”, để có nhiều quế anh vạch ra cho mình kế hoạch “trồng quế quanh năm”. Trồng kín ở khu vườn nhà với gần hai vạn cây, năm bảy năm nay anh đưa quế ra trồng ở khu rừng gần kề vùng ruộng nước mới khai vỡ của mình. Rồi trồng cả hai bên con đường ra ruộng. Lúc nào rảnh là trồng quế. Không được nhiều thì dăm bảy cây. Hết quế ươm thì tìm nhổ cây quế con mọc ngoài rừng để trồng.

Anh thao thức phải làm sao để nóc làng năm nào cũng rộn mùa quế tiên, quế hậu để bớt khó nghèo, thêm những mái tôn chắc đẹp mọc lên thay cho những mái tranh xiêu vẹo... Nhưng điều anh muốn không dễ. Cây quế lên giá, người xuôi đến tranh mua và dân làng thì tranh bán. Đâu đâu người ta cũng tất bật lột quế để bán cho các cửa hàng thương nghiệp, cho những thương lái lội đến thu mua tận gốc. Nuôi trồng cây quế 15-20 năm chỉ đốn hạ trong một ngày, anh buồn bã kể lại.

Chỉ năm bảy năm những rừng quế còn lại sau chiến tranh nơi quê anh đã biến mất. Trang sử cây quế của người Ca Dong những năm cuối của thập niên 1990 lại thêm những dòng buồn bã càng khiến cư dân ngoảnh mặt với cây quế. Các dự án hỗ trợ cây quế con cho cư dân đất quế của Nhà nước đã vô tình dẫn đến việc đưa các giống quế đất Bắc - vốn có hiệu quả kinh tế hết sức thấp so với giống quế bản địa (Trà My) - nhập trồng ồ ạt vào đây. Họa vô đơn chí, cũng trong thời điểm này thêm một bi kịch xảy ra, ấy là nạn lột trộm quế...

Giữa cảnh trạng thăng trầm như thế, ai nản lòng mặc kệ, Cường vẫn quyết tâm trồng quế. Có lúc rẫy nương mất mùa, cố giữ lại vườn quế giống không bán, vợ chồng anh phải ăn bắp ăn sắn để trồng quế. Như ông cha đã làm, gần 29 năm nay anh đã giữ liền được mùa quế. Những cội quế được anh trồng ngày anh còn bé đã “cho” anh nhà cửa, bò dê, tư trang, cơm áo cho con cái học hành.

Người dân trong vùng khi nối lại mùa trồng đã nhờ vào cây giống của anh và lấy anh làm gương để phấn đấu. Không nặng chuyện làm giàu cho mình, anh nói là người Ca Dong thì cái bụng phải thương làng nóc, cái tay phải chăm trồng cây quế, phải làm sao để cây quế lên xanh như cây rừng. Nhặt nhạnh cả những hạt quế rơi dưới gốc, mùa ươm này anh đã ươm được 40 lon hạt giống.

“Có ít cũng được 30.000 cây. Mình sẽ cố trồng thật nhiều, còn lại đem đổi công cho bà con giúp mình trồng. Mình sẽ trồng miết cây quế để nó nuôi mình khi già yếu, rồi còn để cho con cháu, để lại cây giống cho rừng. Hết thằng giặc rồi, rừng Trà My mà thiếu cây quế thì buồn cái bụng lắm...”, Cường nói.

Chia tay, anh mang rựa vào rừng. Trên lối anh đi những cây quế lớn nhỏ giăng hàng, tôi chợt nghĩ có những người chép sử không dùng bút, họ cũng không nhiều lời. Nhưng họ đã chép tiếp thật tròn đầy trang sử của cha ông.

HUỲNH VĂN MỸ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp