Kỳ 1: Kỳ 2:
Phóng to |
Họ là những người tiên phong điền dã, đi “mở cửa kho báu” và quyết săn lùng bằng được những đề tài, câu chuyện độc đáo, thú vị nhưng đang bị chìm lấp trong thời gian.
Mở cửa kho báu
Giữa bốn bức tường trong căn hộ nhỏ của PGS Ninh Viết Giao (khu tập thể C3, phường Quang Trung, TP Vinh, Nghệ An) là sách và tài liệu. Hỏi cơ duyên đến với công việc nghiên cứu, sưu tầm dân ca xứ Nghệ, ông chỉ lên mấy tập tài liệu đã ngả màu, có trang chữ đã mờ, có trang mối đã ăn mất một nửa... Đó là những tài liệu về văn hóa dân gian xứ Nghệ đầu tiên mà ông có được nhờ học trò sưu tầm. Những trang chép tay ấy đã mở ra cho ông một chân trời mới về kho báu văn hóa dân gian. Từ đó, ông biết cuộc đời mình đã “trót yêu ví dặm mất rồi”.
Quê ở Thanh Hóa, năm 1956 chàng sinh viên Ninh Viết Giao tốt nghiệp Đại học Văn khoa Hà Nội. Mặc dù được giữ lại làm giáo viên của trường nhưng ông xin về Nghệ An để dạy học và thực hiện dự định nghiên cứu văn hóa dân gian.
Sau những giờ dạy trên lớp, đêm đêm ông lại chong ngọn đèn dầu để chọn lọc, nghiên cứu tài liệu mà học sinh sưu tầm được. Chính từ những “gánh” tài liệu này ông phát hiện “ví dặm là loại hình văn hóa dân gian vô cùng tài hoa, phong phú và giá trị”. Càng phát hiện càng say mê. Từ những câu hát mà học trò sưu tầm cộng với những chuyến điền dã, ông đã biên soạn thành cuốn Hát phường vải (NXB Văn Hóa ấn hành năm 1961) và sau đó là cuốn Hát dặm Nghệ Tĩnh (viết chung với Nguyễn Đổng Chi).
Để sưu tầm được những câu hò, điệu ví, những đoạn hát dặm quý giá, ông đã đặt chân đến gần như hết các làng quê trên hai tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh. Mỗi chuyến điền dã bao giờ ông cũng tự răn mình: “Phải thật sự hòa vào đời sống của người dân mới có thể hiểu hết giá trị cốt lõi của những câu hát mà họ ngân nga”. Chính vì vậy mà có khi cả tháng trời ông ăn ở trên những chiếc thuyền ngược xuôi sông Lam để nghe những cô gái chèo đò hát ví đò đưa. Cũng có khi ông cùng xắn quần xuống ruộng đi cấy với mấy bà, mấy cô ở huyện Thanh Chương, lên núi nhặt củi cùng bà con ở Yên Thành, ra khơi cùng mấy tàu thuyền đánh cá ở Diễn Châu để nghe ví phường cấy, ví trèo non... ”Tất cả chỉ để được nghe họ hát. Dân ca Nghệ Tĩnh rất đặc sắc ở chỗ gắn liền với cuộc sống lao động của người dân. Ví dặm được hát trong lúc đi cấy, kéo lưới, đi củi khác hẳn với lúc biểu diễn đơn thuần” - ông nhận định.
Để viết cuốn Hát phường vải, ngoài những tài liệu mà học trò sưu tầm được, PGS Ninh Viết Giao đã sống cả tháng trời với bà con các làng ở Kim Liên (Nam Đàn) - cái nôi đầu tiên của hát ví phường vải của Nghệ An. Ông sống thân thiết, gần gũi như người nhà để khai thác hết những câu hát ví phường vải còn lại trong ký ức của họ. Cụ Nguyễn Văn Tư, một nghệ nhân hát phường vải ở Kim Liên, vẫn còn nhớ sự cần mẫn của PGS Ninh Viết Giao: “Lúc nào ông Giao cũng chăm chú nghe bọn tui hát, rồi ghi chép tẩn mẩn lắm. Có khi trước người lạ mấy bà mấy o ngại hát, ông Giao giảng giải giá trị, bình luận hoặc nói chuyện phiếm hay lắm, vậy là mọi người lại hát say sưa, tự nhiên như không”. Nhận thấy vai trò của những người già hát ví phường vải ở Kim Liên, PGS Ninh Viết Giao làm hồ sơ đề nghị Hội Văn nghệ dân gian VN phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian cho bảy cụ hát ví phường vải rất hay ở đây.
Sau mỗi chuyến đi đôi dép thêm mòn vẹt, chiếc xe đạp thêm cà tàng, chỉ những cuốn sổ là đầy lên những câu hát. Tình yêu với dân ca xứ Nghệ ngày một sâu đậm, để đến bây giờ khi đã 78 tuổi, sức đã yếu, PGS Ninh Viết Giao ngày ngày vẫn nghiên cứu những câu hát ví, hát dặm, những điệu hò vè... như nguồn cảm hứng bất tận của cuộc sống.
Phóng to |
Đội nhạc cụ dân tộc CLB Hồng Sơn đang tập luyện - Ảnh: VŨ TOÀN |
Săn lùng đề tài
Sức sống kỳ diệu của kho báu dân ca ví dặm ở hai miền Nghệ - Tĩnh còn tạo nên nhà địa phương học Thái Kim Đỉnh với “kho tư liệu sống” và 50 đầu sách (gần một vạn trang in) về thơ nôm quanh Truyện Kiều, Từ điển tiếng Nghệ, thơ nhà nho xứ Nghệ... trong đó có chín tập kho tàng vè xứ Nghệ và dân ca ví dặm. Khác với ông Giao ăn ở, viết sách trong gian nhà chung cư, ông Đỉnh trú ngụ trong căn nhà cấp bốn nằm lọt thỏm giữa những tòa nhà cao tầng ở phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh (Hà Tĩnh).
Người ta gọi ông là “cây đa”, “cây đề” nhưng ông chỉ thích được đi và sống với nhiều miền quê khác nhau để những đêm trăng được nghe dân cày thợ cấy, thiếu nữ xe tơ, dệt vải, cô lái đò trên sông kể chuyện và hát ví dặm. Ở tuổi 86, sau khi viết thành công cuốn Làng cổ Hà Tĩnh, ông đau đáu với từng điệu ví, lời ca đang có nguy cơ vắng bóng trong cuộc sống dân làng. Đây là lý do ông để tâm nghiên cứu, đưa ra những nhận định về nguồn gốc của hát ví chính là ví đò đưa và nguồn gốc của hát dặm là hát đối đáp.
Ông nói: “Trong sưu tầm vốn cổ của ví dặm, tôi đặc biệt thích thú khi mình săn lùng được những đề tài có nét riêng của ví dặm. Đó là những vẻ đẹp ẩn giấu lưu cữu lâu đời đòi hỏi mình phải khám phá, phân tích, mổ xẻ để viết trúng cái mọi người đang cần biết về ví dặm”.
Khi chúng tôi kể lại câu chuyện sưu tầm, viết sách của ông Ninh Viết Giao và những săn lùng đề tài của ông Thái Kim Đỉnh, bà Nguyễn Thư Hiền - phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Hà Tĩnh, cùng các chuyên gia đề tài dân ca ví dặm ở làng xã như Hoàng Vinh, Ngọc Thịnh... đều tâm đắc. Tuy nhiên, bà Hiền không giấu những trăn trở: “Nếu ở Nghệ An có hơn 70 câu lạc bộ hát dân ca ví dặm thì ở Hà Tĩnh là con số 0. Không nhà hát dân ca, không trung tâm bảo tồn, phát huy di sản dân ca. Trong lúc đó, từ làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân đến dọc dài qua các huyện Thạch Hà, Can Lộc đều là những miền quê của ví dặm tăm tiếng chứ. Nên chúng tôi phải góp sức nhen lên ngọn lửa, nếu không sẽ mai một đến lúc chẳng còn gì”.
_______________
Kỳ tới: Để ví dặm bay xa
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận