Các bạn trẻ tham gia trồng rừng ở bãi bồi ven biển Nhà Mát (Bạc Liêu) - Ảnh: CHÍ QUỐC
Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với GS.TS Nguyễn Ngọc Lung - viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng - về chuyện trồng cây gây rừng hôm nay.
Đã có thời toàn dân trồng rừng
* Ông nói có thời điểm toàn dân tham gia trồng rừng phục hồi môi trường sinh thái, bối cảnh khi đó vì sao phải phát động toàn dân tham gia trồng rừng, thưa ông?
- Chúng ta đã có những giai đoạn thực hiện di dân, đưa dân đi làm kinh tế mới ở những khu vực giáp rừng. Quá trình làm kinh tế, phát nương, làm rẫy, ban đầu canh tác du canh thì đất rừng cực tốt, đốt rẫy canh tác sẽ cho sản lượng cao.
Nhưng đất tốt chỉ được vài năm, mưa nắng làm xói mòn, năng suất thấp dần. Vì thế, mỗi nương rẫy chỉ làm 3 năm, sau đó lại bỏ hoang đi làm nương rẫy khác. Quá trình canh tác nương rẫy đã làm mất rừng, đồng thời làm cho đất rừng đang tốt trở thành xấu dần.
Đồng bằng sông Hồng trước đây nhiều tỉnh giáp rừng. Quá trình canh tác nương rẫy mấy chục năm đã hình thành những khu đất trống, đồi núi trọc lớn, hình thành nên những hành lang giãn cách với rừng. Có thời điểm, ở nhiều tỉnh nửa rừng nửa đất trống, đồi trọc, môi trường sinh thái suy giảm.
Suy giảm rừng, từ diện tích 14 triệu ha chỉ còn 11 triệu ha, khu vực đỉnh núi cao vẫn có rừng như cũ nhưng vùng giáp ranh với đồng bằng, có dân cư thì không còn rừng. Lúc đó đã có những ý kiến gửi tới Trung ương Đảng, sau đó trong cương lĩnh của Đảng đã có ý nêu tập trung cả đất nước trồng rừng để phục hồi sinh thái.
Và năm 1992 chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ký quyết định 327 về chủ trương, chính sách sử dụng đất trống, đồi núi trọc, rừng, bãi bồi ven biển và nước mặt, hiểu đơn giản là dồn tất cả vốn liếng và ủng hộ của quốc tế vào trồng rừng phục hồi môi trường sinh thái.
Thực tế chúng ta đã làm thành công, khoảng 5-6 năm sau rừng, môi trường sinh thái phục hồi ở những khoảng đất trống, đồi núi trọc trung du. Rừng đã tiếp giáp trở lại sát với đồng bằng, không còn hạn hán, thiếu nước, sản xuất phát triển, lũ lụt ít đi.
* Ông nói chỉ sau 5-6 năm đã phục hồi lại rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, cụ thể là bằng cách làm nào, thưa ông?
- Giai đoạn trước những năm 1992, có thể hiểu là chỉ có Nhà nước mới được trồng rừng, tức là chỉ có lâm trường mới được trồng rừng. Khi mất rừng, đất trống, đồi núi trọc gia tăng, chúng ta kêu gọi trồng rừng phục hồi môi trường, sinh thái, lúc đó quốc tế rất ủng hộ.
Vì thế, trong các hội nghị quốc tế về lâm nghiệp, chúng tôi được yêu cầu nói thêm vì sao chương trình 327 lại thành công?
Khi đó, chúng tôi nói cứ mang đến ấm no cho dân thì đều tốt, nhưng cách làm là thay đổi từ chỗ người dân không có quyền vào rừng, trồng rừng, chương trình 327 phát động phong trào toàn dân tham gia trồng rừng cho Nhà nước, ngăn chặn "ẩn họa" thiên tai, môi trường, ảnh hưởng tới sản xuất lương thực ở phía trước.
Bất kỳ ai có nhân lực trồng rừng đều có thể được Nhà nước cấp đất. Thực tế khi đó hàng triệu hecta đất được cấp cho người dân trồng cây gây rừng, chủ yếu ở vùng trung du, vùng núi, vùng dân tộc, vùng di cư. Và quan trọng, thời điểm đó đã công bố ngay ai nhận đất thì trồng gì được hưởng đó.
Trong bối cảnh lao động dư thừa, khi được giao đất, người dân tích cực tham gia trồng rừng và họ làm rất hiệu quả, chỉ ít năm là đủ ăn, thêm mấy năm đã dư lương thực xuất khẩu.
Giữ rừng hiện có, trồng thêm nhiều nhất có thể
* Thủ tướng đề xuất trồng 1 tỉ cây xanh trong 5 năm tới, cần có kế hoạch ra sao để hiện thực hóa được đề xuất này, thưa ông?
- Đầu tiên, cần khẳng định việc trồng thêm rừng, trồng thêm cây xanh để cải thiện, giữ môi trường sinh thái là rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai liên tiếp như vừa qua.
Để thực hiện được đề xuất trồng 1 tỉ cây xanh, nếu nói trồng tất cả những cây to, cây gỗ lớn thì khó, nhưng hoàn toàn có thể xây dựng kế hoạch thực hiện với nhiều chủng loại cây phù hợp với khu vực và mục đích khác nhau.
Liên quan đến sử dụng đất, quy hoạch phải đi trước, vì thế Bộ Tài nguyên - môi trường, các tỉnh, thành khi xây dựng quy hoạch sử dụng đất cần ưu tiên tăng tỉ lệ quỹ đất dành cho cây xanh, gồm cả đất trồng rừng mới và đất trồng cây xanh ở đô thị.
Từ quỹ đất đã có, cần nghiên cứu trồng mới cây xanh theo các mục tiêu, yêu cầu khác nhau, có nơi trồng cây chống xói lở, có nơi trồng cây giữ nước, chống hạn, tức là mục tiêu nào thì chọn loại cây nhóm đó.
* Với diện tích đất rừng hiện nay, theo ông có thể trồng thêm?
- Với đất rừng, những nơi có sẵn rừng trồng khai thác, hằng năm khai thác bao nhiêu phải trồng bấy nhiêu, đó là tái trồng rừng.
Còn với những nơi chưa có rừng, ví như bãi bồi, đất trống, đồi núi trọc để lâu năm, những nơi này hoàn toàn có thể trồng mới sau rà soát, xác định được diện tích, tôi nghĩ vẫn còn đất để trồng rừng mới.
Tương tự, ở các tỉnh, thành phố hoàn toàn có thể trồng thêm cây xanh đô thị, việc này cũng cần ưu tiên trong xây dựng quy hoạch sử dụng đất.
Thậm chí, căn cứ vào thực tế sử dụng đất của từng cơ quan, đơn vị, trường học và cả hộ gia đình, hoàn toàn có thể xây dựng kế hoạch trồng cây cảnh quan, trồng cây cho bóng mát ở ngay nơi mình làm việc, sinh sống.
Quyết tâm trồng 1 tỉ cây xanh
Khi đề cập đến tình hình thiên tai, lũ lụt ở miền Trung vừa qua, Thủ tướng có đề xuất trồng 1 tỉ cây xanh trong 5 năm tới, chúng ta không nên nhìn nhận ở khía cạnh kỹ thuật, con số, mà nên nhìn nhận đó là quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng.
Tôi nghĩ ý chí, quyết tâm ở đây không phải là cứ trồng cây to, cây gỗ lớn mà là trồng cây phù hợp với từng khu vực với các mục đích khác nhau. Nhiều người cùng tham gia trồng cây, trồng nhiều nhất có thể, như trước đây toàn dân tham gia trồng rừng phục hồi môi trường sinh thái.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận