Ảnh: CHÍ QUỐC
Tại Hội nghị ĐBSCL tháng 9-2017, Chính phủ đã định vị lại vai trò cây lúa đứng thứ ba sau thủy sản, cây ăn trái về phát triển bền vững ứng phó biến đổi khí hậu. Điều này hoàn toàn đúng và mang chiến lược lâu dài về "thuận thiên" để phát triển bền vững ĐBSCL.
Trong bối cảnh hiện nay, cây lúa là cơ hội sinh kế của hơn 1,2 triệu hộ nông dân và vẫn còn là vị trí quan trọng về an ninh lương thực Quốc gia.
Các năm gần đây, đặc biệt năm 2016 và 2017, cục diện làm lúa của vùng đã có bước tiến triển tốt, tăng được sản lượng và giá trị xuất khẩu, nhưng diện tích lúa không tăng. Trong đó, việc chọn tạo giống lúa, ngoài giống lúa thơm như: Jamine, ST24, Lộc Trời 3, Nàng hoa… đã từng bước chinh phục thị trường khó tính, thì các giống lúa thường như IR50404 dễ trồng và tinh bột trong hạt gạo cao cũng là nhu cầu lớn cho các công ty làm bánh kẹo quốc tế, hoặc giống lúa nhóm Japonica cho người tiêu dùng gạo Nhật.
Đồng thời, hiện nay Viện Lúa ĐBSCL và ĐH Cần Thơ cũng đang tích cực nghiên cứu theo hướng phục hồi lại giống lúa cổ truyền và lai tạo giống theo nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu như: hạn, mặn và ngập… và theo mô hình giảm lúa vụ 3 và mô hình lúa - tôm vùng ĐBSCL. Qua đó, sự tham gia của "4 nhà": Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp sẽ giữ vững "bồ lúa" và phát triển xanh cho vùng ĐBSCL tốt hơn trong tương lai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận