30/12/2015 09:01 GMT+7

​Giữ bình yên cho dân

QUỐC LINH
QUỐC LINH

TT - Tám năm làm trinh sát hình sự, cùng đồng đội triệt phá nhiều băng nhóm, số tội phạm bắt được nhớ không hết và vừa chuyển công tác qua bộ phận khác, nhưng nếu được chọn anh vẫn muốn làm một trinh sát trên đường phố.

Trung úy Phạm Hồng Chung cùng đồng đội tuần tra - Ảnh: Q.NG.
Trung úy Phạm Hồng Chung cùng đồng đội tuần tra - Ảnh: Q.NG.

Chặng đường ấy có lẽ không quá dài với một chiến sĩ công an, song trung úy Phạm Hồng Chung (28 tuổi) - Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45), Công an TP.HCM - đã kịp cùng đồng đội ghi tên mình trong nhiều chiến công, góp phần giữ bình yên cho cuộc sống người dân.

1 “Tôi từng bị cướp trên đường nên muốn trở thành một người bắt cướp” - Phạm Hồng Chung chia sẻ ước mơ thành trinh sát hình sự của mình như thế. Chuyện xảy ra hồi Chung học lớp 9. Chiếc đồng hồ điện tử mẹ mới mua bị giật khi anh trên đường đạp xe đi học về.

Nhanh và bất ngờ đến không kịp phản ứng gì. Mãi đến lúc tên cướp đã chạy xa, nhìn vết xước trên tay chảy máu, Chung ú ớ được vài tiếng.

“Trung úy Chung rất chịu khó học hỏi nên từ nghiệp vụ phá án cho đến nghiên cứu, xử lý hồ sơ vụ án, đấu tranh với tội phạm đều hoàn thành tốt. Chung không ngại khó khăn, phối hợp ăn ý với đồng đội nên trong nhiều chuyên án triệt phá thành công có phần đóng góp lớn của Chung

Thiếu tá Trần Thanh Bình (phó đội trưởng Đội cảnh sát hình sự đặc nhiệm, PC45, Công an TP.HCM)

Ngày con trai nói nguyện vọng muốn làm cảnh sát hình sự, gia đình cản quá trời! Bà Nguyễn Thị Hoa - mẹ Chung - nhớ lại: “Tôi nói thôi con học trường khác đi chứ mẹ thấy làm công an hình sự nguy hiểm lắm, hoặc nếu thích quá thì làm công an quản lý hành chính cũng được nhưng nó nói có gì mà mẹ phải lo, sống chết có số hết mà”. Vậy là Chung nhập Trường trung cấp Cảnh sát nhân dân II, chuyên ngành cảnh sát hình sự đúng mơ ước.

Chung được về Đội cảnh sát hình sự đặc nhiệm (thuộc PC45) ngay sau tốt nghiệp. Những ngày đầu của trinh sát trẻ là ngồi sau xe đàn anh tuần tra trên đường.

Bám đường nhiều hơn ở nhà, Chung học được cách quan sát, nhận diện và theo dấu tội phạm khi đi theo các anh. Những bài học nghiệp vụ thực tế đầu tiên mà ngày còn trên ghế giảng đường trong đầu cậu thường trực suy nghĩ: “bắt được tội phạm chắc phải ghê gớm lắm”!

2 Nhắc về vụ bắt cướp đầu tiên, Chung nói vẫn nhớ cái cảm giác hồi hộp nhưng vui sướng lắm khi khống chế tên cướp. Rồi được giao cầm lái, có khi chạy với vận tốc cả trăm cây số luồn lách trên đường đuổi theo tội phạm. “Nhiều đêm chưa thấy con về, nằm đó chứ không ngủ được, cứ nghe tiếng xe rít là tôi bật dậy nhìn ra đường, lo lắm chứ” - mẹ Chung kể. Nhưng ra đường là cái nghiệp, không đi bứt rứt lắm!

Với Chung, chuyên án 113C khiến anh và đồng đội mất ăn mất ngủ. Từ nhiều nguồn, bằng biện pháp nghiệp vụ, Chung thu thập thông tin và xin lập chuyên án để cùng đồng đội truy tìm dấu vết của tên cầm đầu Phạm Văn Thành (Thành “bake”).

Gia đình ở Q.Tân Bình (TP.HCM) song Thành “bake” thuê phòng trọ ở Bình Dương. Mỗi ngày hắn từ Bình Dương về thành phố, tối đi cướp đến khuya rồi sáng về lại phòng trọ. Mất nhiều ngày đeo bám, Chung mới nắm được quy luật đi lại của băng này.

Đến thời điểm cất lưới, đội phải chia thành nhiều mũi cùng lúc ập vào nhiều địa điểm mới bắt được cả chục đối tượng vì băng này tinh quái, không bao giờ tụ tập cùng một chỗ.

113C, 114C, 615G hay 911G là những chuyên án mà nhắc đến sẽ nhớ ngay chứ tuần tra trên đường, bắt tội phạm cướp giật đi “ăn mảnh” một mình thì nhiều sao nhớ hết. Mới nhất là chuyên án 615G anh cùng đồng đội phá án hồi tháng 6-2015.

Năm đối tượng (có một nữ) của băng nhóm này nghiện ma túy, có “máu mặt” trong giới. Sau mỗi lần cướp xong, chúng dạt vào các nhà nghỉ, khách sạn để lẩn tránh. Phải trà trộn vào nhiều khu vực, cuối cùng mới phá thành công chuyên án này, bắt năm đối tượng khai đã thực hiện trót lọt 24 vụ cướp giật tài sản người đi đường.

3 Lúc mới vào nghề có lần bị té xe khá nặng, về nhà mẹ ngồi vừa rửa vết thương cho con trai vừa khóc. Sau lần đó, mỗi khi té xe hay bị vết thương lớn, Chung trốn ở lại cơ quan, nói dối mẹ phải tập trung làm án mấy ngày, chờ vết thương mờ hẳn mới về nhà.

“Tôi không muốn mẹ lo lắng. Công việc này té xe, gãy chân, gãy tay với anh em tụi này là chuyện thường ngày” - Chung cười.

Đã ba lần phải uống thuốc phơi nhiễm HIV vì bị thương, chảy máu khi khống chế tội phạm mà sau đó mới biết đối tượng nhiễm HIV. Sáu tháng uống thuốc rất mệt nhưng cứ ra đường là khỏe lại. Đại úy Nguyễn Xuân Lành - tổ trưởng của Chung - nhận xét: “Chịu khó học và tiếp thu nhanh, đã nhận nhiệm vụ gì là bằng mọi cách phải làm cho xong, gan dạ, phán đoán tình huống và tác chiến lanh lợi khi ra mặt đường là những tố chất đáng quý của Chung”.

Sau một tai nạn phải dưỡng thương suốt nửa năm qua, Chung vừa nhận nhiệm vụ tại một bộ phận khác cùng phòng theo sự phân công của cấp trên.

Gia đình, vợ con bớt lo lắng hơn nhưng anh chàng nói vẫn đang tiếp cận dần với công việc mới. Cảm giác muốn ra đường vẫn còn nhưng với Chung ở đâu cũng là nhiệm vụ và vị trí nào cũng quyết tâm hoàn thành tốt mọi việc.

Khám phá thành công 18 chuyên án

Trung úy Phạm Hồng Chung cùng đồng đội đã khám phá thành công 18 chuyên án, bắt giữ 146 đối tượng, triệt phá 664 băng nhóm, bắt giữ trên 2.700 đối tượng phạm pháp hình sự. Trong đó, anh trực tiếp xác lập và phá thành công hai chuyên án, bắt 25 đối tượng, phá hơn 250 băng nhóm tội phạm.

Hai năm liên tiếp là chiến sĩ thi đua cơ sở cùng nhiều bằng khen của Bộ Công an, lãnh đạo Công an TP.HCM, Phạm Hồng Chung đã nhận Huân chương chiến sĩ vẻ vang hạng 3 của Chủ tịch nước vì góp phần giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

QUỐC LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp