Nhà vệ sinh công cộng trên đường Hàm Nghi (Q.1, TP.HCM) - Ảnh: THANH YẾN
Giữ cho khách sự tiện nghi, hài lòng cũng là dấu ấn đẹp của một điểm đến, một đô thị văn minh.
Vừa qua, tôi có dịp đến khu du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình). Những ấn tượng đẹp về nơi này phải kể đến khu nhà vệ sinh công cộng thật sự sạch sẽ, hiện đại, không thua gì các khách sạn hạng sang.
Tất cả các bồn tiểu đều là hệ thống tự động cảm ứng, cây xanh được trang trí xung quanh, âm nhạc du dương, mùi thơm nhẹ nhàng dễ chịu dù hằng ngày có hàng ngàn lượt người ra vào đi vệ sinh miễn phí.
Mong sao việc quản lý nhà vệ sinh công cộng như nơi này được nhân rộng đến nhiều địa phương để mang đến cho du khách sự thoải mái, sạch sẽ nhất. Hiện nay, ở nhiều điểm du lịch, du khách khó tìm cho mình nhà vệ sinh công cộng, nhiều nơi khu nhà vệ sinh nhếch nhác, dơ bẩn…
Khi có nhu cầu, nhiều người loay hoay không biết giải quyết như thế nào. Bí quá, nhiều người tranh thủ vào quán cà phê, tiệm ăn xung quanh, chấp nhận tốn tiền kêu đại thức uống nào đó rồi tranh thủ "đi xả" cho nhẹ người. Không ít trường hợp đành phải giải quyết nhu cầu ở những con hẻm, đường vắng làm ô nhiễm môi trường, để lại hình ảnh thiếu văn minh.
Trên đường quốc lộ vẫn có cảnh ôtô dừng ở những đoạn đường vắng, nhiều người trên xe bước xuống, vội tìm lùm cây để xả nỗi buồn.
Lâu nay, nhiều cây xăng, trạm dừng chân trên đường đã xây khu nhà vệ sinh phục vụ khách, nơi thu tiền, nơi không. Dù có thu tiền, khách cũng không phàn nàn gì. Nơi nào có khu nhà vệ sinh sạch sẽ được thêm điểm cộng, sự hài lòng, lòng cảm ơn của người qua đường.
Dấu ấn quản lý dịch vụ bắt đầu từ chuyện giữ cho khách sự tiện nghi ở khu vệ sinh. Rộng hơn là chuyện quản lý một khu du lịch, một đô thị, một địa phương… xin đừng quên chuyện nhỏ mà không nhỏ này.
Theo nghị định 155 về xử phạt hành chính việc vi phạm trong lĩnh vực môi trường có quy định mức phạt tiền sẽ tăng 10 lần so với trước đối với hành vi tiểu tiện không đúng nơi quy định. Các hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng bị phạt tiền từ 1 triệu đến 3 triệu đồng (quy định cũ phạt 200.000 đồng). Song, để xử lý người vi phạm cũng rất khó khăn, và cũng có lý do không tìm được nhà vệ sinh công cộng để giải quyết nhu cầu nên mới… làm bừa.
Nhà vệ sinh công cộng trong công viên 23-9, Q.1, TP.HCM - Ảnh: XUÂN HƯNG
Vẫn còn đó trên tường nhà ở nhiều con đường, ngõ hẻm những dòng chữ cảnh báo "cấm tiểu tiện", đọc xong thấy buồn vì khi còn dòng chữ này (thậm chí thô thiển nữa) nghĩa là vẫn thiếu văn hóa cần thiết về chuyện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường.
Thiết nghĩ, cùng phong trào xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng đô thị văn minh sạch đẹp... việc khảo sát nhu cầu, lắp đặt nhà vệ sinh công cộng cũng nên cần quan tâm. Và cần lưu tâm quản lý tốt nhà vệ sinh công cộng, nếu để quá bẩn, nhiều người không dám vào sẽ mất tác dụng, thành lãng phí.
Nghĩ về đời sống xã hội văn minh hơn, mong chờ những thay đổi môi trường sống, trước hết từ cách nghĩ, cách quản lý nhà vệ sinh công cộng.
Thiếu nhà vệ sinh là một lẽ
Tôi và người thân của tôi thường đi xe buýt. Một trong những điều phàn nàn, băn khoăn của hành khách xe buýt là chuyện nhà vệ sinh (WC) ở các bến xe buýt. Nhiều bến xe buýt lớn không có khu WC hoặc chỉ tạm bợ, hành khách nữ không dám bước chân vào. Và khu vực bến xe luôn thoang thoảng "mùi hương thân quen". Chuyện bến xe buýt thiếu WC là điển hình của việc thiếu WC công cộng ở nơi tập trung đông người tại TP.HCM.
Thật ra, thành phố này có hàng trăm WC công cộng nhưng tập trung ở khu vực trung tâm (quận 1, quận 3), ở một số công viên. Về các quận khác và quận vùng ven lại không thấy bóng dáng WC công cộng.
Những tối cuối tuần, sau những tiệc tùng, họp mặt, anh em lại dừng xe bên bờ tường hoặc đất trống, quay lưng ra đường để "giải quyết nỗi buồn", hồn nhiên vậy và cảnh này thấy trên rất nhiều con đường. Thiếu vắng WC là một lẽ. Thật ra còn thiếu quyết tâm thay đổi thói quen "tiểu đường" của rất nhiều người. Và cũng thiếu cả quy hoạch và lắp đặt WC công cộng mọi nơi, vì cộng đồng văn minh hơn, bắt đầu từ chuyện tế nhị này.
Mới tháng trước đây thôi, báo chí đã đưa tin một công ty đầu tư xây dựng 500 WC miễn phí cho du khách và người dân. Ở đó có thể có những cây ATM, có dịch vụ thu tiền điện nước, có quảng cáo… để có nguồn thu duy trì hoạt động WC. Nhưng công ty nọ đã chờ đợi đến 3 năm. Một trong những vướng mắc khiến họ chưa thể thực hiện là vướng thủ tục giao đất… Có một thực tế không thể phủ nhận: ngay trung tâm TP.HCM còn thiếu WC công cộng văn minh lịch sự, nói chi đến nơi xa hơn.
Lại nhớ về Đà Nẵng, chuyện vào tháng 3-2019, khi thành phố này vận động các hàng quán, khách sạn mở cửa mời khách vào đi vệ sinh miễn phí. Nhiều ý kiến trái chiều xung quanh chuyện này. Nhưng cần xem câu chuyện này là một lời nhắc nhở đáng được lưu tâm, xã hội sẽ văn minh hơn khi mọi người sẽ không phải bất tiện, loay hoay, thậm chí đỏ mắt đi tìm WC công cộng. (LƯU NGỌC)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận