02/07/2016 10:23 GMT+7

Giọng hò hay nhất một thời

VÂN TRƯỜNG
VÂN TRƯỜNG

TTO - Đĩa than ghi âm giọng hò ngọt như mía lùi của bà vào năm 1957 đã được GS Trần Văn Khê mang đi giới thiệu ở 67 quốc gia và vùng lãnh thổ với sự hãnh diện và kính trọng.

Nghệ sĩ Kim Nhụy bật khóc khi nghe lại băng ghi âm giọng hò của mình năm 1957 - Ảnh: V.TR.
Nghệ sĩ Kim Nhụy bật khóc khi nghe lại băng ghi âm giọng hò của mình năm 1957 - Ảnh: V.TR.

“Khi gặp bà, tôi thấy giống y như những gì tôi nghĩ. Điệu hò Đồng Tháp hay như thế, người hò có giọng uyển chuyển, ngọt ngào như thế thì phải xinh đẹp như thế

GS Trần Văn Khê (theo lời bà Song Anh)

Bà là nghệ sĩ Kim Nhụy, được người dân vùng Tháp Mười mến mộ gọi bà là “người hò Đồng Tháp hay nhất thế kỷ 20”.

Giọt nước mắt hạnh phúc

Qua rất nhiều kênh liên lạc, cuối cùng chúng tôi cũng tìm được nghệ sĩ Kim Nhụy. Bà đang sống cùng con gái Nguyễn Thị Song Anh đã gần 60 tuổi trong một con hẻm nhỏ ở Q.7, TP.HCM. Năm nay bà đã 88 tuổi, tóc bạc phơ, đi đứng khó khăn nhưng đầu óc thì vẫn rất minh mẫn.

Bà Song Anh mở lại đoạn băng ghi âm giọng hò của mẹ vào năm 1957 cho chúng tôi nghe. Một giọng hò lảnh lót, trong trẻo vang lên nghe rất rõ bất chấp tiếng “xè, xè” khá to do chất lượng ghi âm hồi đó không được tốt:

“Hơ... Gặp mặt anh đây không biết chừng nào em gặp nữa

Này bạn chung tình.

Thôi có điều chi thì anh phân một bữa cho tận tình

Để mai kia mốt nọ em về thương bóng, nhớ hình tội nghiệp thân em”.

Nghe đến đây, bà đưa tay phải lên, môi run run như muốn nói gì đó nhưng nghẹn lời lại không thốt ra được. Nước mắt chảy dài trên gương mặt rất đẹp và nhân hậu. “Giọng hò của tui đó”.

Nói được mấy chữ, bà ngồi khóc ngon lành. Bà Song Anh vừa lau nước mắt cho mẹ, vừa giải thích: “Mỗi lần nghe lại băng ghi âm giọng hò của mình ngày xưa, mẹ tôi đều xúc động như vậy. Lâu lắm rồi bà không còn hò được nữa, nhưng hạnh phúc vì người ta vẫn còn được nghe giọng hò của bà trên mạng Internet”.

Nghe băng ghi âm này chúng tôi chợt nhớ đã nghe giọng hò y chang trong một bộ phim nhựa đen trắng nào đó được sản xuất trước năm 1975.

Bà Song Anh nhắc: “Mẹ tôi hò mấy câu mở đầu bộ phim Nổi gió sản xuất năm 1966”.

Đúng rồi! Mở đầu phim là cảnh một anh nông dân đi trên bờ ruộng mênh mông, sau đó là cảnh một chiếc xuồng ba lá đang chèo trên kênh. Âm thanh nền cho những cảnh quay này là giọng hò của nghệ sĩ Kim Nhụy, nó trong trẻo, lảnh lót như rót mật vào tai.

Bà Song Anh kể năm 1957 Đài Tiếng nói VN thu âm một số câu hò Đồng Tháp tại Hà Nội bằng loại đĩa than 45 vòng.

Mặc dù là người trực tiếp được ghi âm nhưng nghệ sĩ Kim Nhụy cũng không có được đĩa này. Không hiểu bằng cách nào mà GS.TS Trần Văn Khê có được. Mãi cho đến lúc nghe đĩa này ông mới biết hò Đồng Tháp là như thế nào.

Nghe xong, ông quyết định mang ra nước ngoài để giới thiệu một loại hình thi ca độc đáo của người Việt. Đến đâu ông cũng nói: “Đây là điệu hò hay nhất ở miền Nam VN”.

Lần giở một trang báo cũ đã vàng quạch có in hình chân dung một phụ nữ hai màu tóc, nghệ sĩ Kim Nhụy lại rơm rớm nước mắt: “Hình của tui đó. Năm đó tui 62 tuổi, sống ở An Giang. Giờ tui đã 88 tuổi rồi. Thời gian qua mau quá...”.

Chúng tôi ngỏ ý muốn được nghe nghệ sĩ Kim Nhụy hò ở tuổi 88, bà cười thật tươi rồi cố gắng lấy hơi để hò. Đôi môi bà cong lại, mấp máy liên hồi để cố phát ra tiếng “Ơ... hòa...”, nhưng không được.

Tuổi tác, sức khỏe không cho phép bà hò được nữa bởi vì để hò được điệu hò Đồng Tháp đòi hỏi phải có hơi thật khỏe, giọng thật cao. Người có giọng trầm không thể hò được điệu hò độc đáo này. Rồi bà lại khóc nấc.

GS.TS Trần Văn Khê hội ngộ nghệ sĩ Kim Nhụy (thứ hai từ phải qua) cùng con gái và cháu ngoại của bà - Ảnh tư liệu gia đình
GS.TS Trần Văn Khê hội ngộ nghệ sĩ Kim Nhụy (thứ hai từ phải qua) cùng con gái và cháu ngoại của bà - Ảnh tư liệu gia đình

 

Thân ở miền Bắc, hồn ở miền Nam

Nghệ sĩ Kim Nhụy sinh ra và lớn lên ở Bình Thành, Chợ Mới (An Giang). Tên thật của bà là Nguyễn Thị Kim Nhụy. Bà mồ côi mẹ từ năm mới lên 2 tuổi. Cuộc sống khó khăn nên bà không được đi học mà hằng ngày phải đi mò cua bắt ốc, cắm câu, mót lúa kiếm sống.

Do ngày nào cũng được nghe những người lớn tuổi hò đối đáp trên đồng ruộng, nên bà thuộc lòng rất nhiều câu hò Đồng Tháp và cả giai điệu của nó.

15 tuổi bà tham gia bộ đội, làm trinh sát và sau đó tham gia đoàn văn công Tỉnh đội Long Châu Sa, rồi đoàn văn công Ngũ Yến. Trong thời gian này bà đi nhiều nơi biểu diễn phục vụ bộ đội và người dân.

Một lần, bà Năm Huệ (mẹ của Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan) may mắn được nghe nghệ sĩ Kim Nhụy hò tại chiến khu Đồng Tháp Mười. Dù chỉ nghe một lần thôi, nhưng bà Năm Huệ vẫn nhớ đến tận bây giờ - khoảng 70 năm rồi.

Năm 1954, nghệ sĩ Kim Nhụy tập kết ra Bắc và tham gia đoàn cải lương Nam bộ. Hồi ấy trước khi biểu diễn các vở cải lương thì phần mở màn bao giờ cũng có tiết mục hò Đồng Tháp.

Năm 1957 Đài Tiếng nói VN mời nghệ sĩ Kim Nhụy về ban ca nhạc của đài để phát huy hết tài năng về cải lương, dân ca và hò Đồng Tháp của bà.

Ngay năm đó đài đã ghi âm những câu hò Đồng Tháp vốn làm say đắm lòng người do nghệ sĩ Kim Nhụy thể hiện.

Và đĩa ghi âm này đã được GS.TS Trần Văn Khê mang đi giới thiệu khắp nơi trên thế giới.

Cách đây vài năm, trước khi qua đời, GS.TS Trần Văn Khê đã cất công tìm bằng được nghệ sĩ Kim Nhụy chỉ để thể hiện sự ngưỡng mộ của mình đối với một người nghệ sĩ bình dân nổi danh cả thế giới mà suốt mấy chục năm trời ông chỉ biết... giọng hò.

Lúc gặp nghệ sĩ Kim Nhụy, ông đã nói: “Khi gặp bà, tôi thấy giống y như những gì tôi nghĩ.

Điệu hò Đồng Tháp hay như thế, người hò có giọng uyển chuyển, ngọt ngào như thế thì phải xinh đẹp như thế”.

Bà Kim Nhụy kể trong những năm tháng sống ở miền Bắc, lúc nào tâm trí của bà cũng để ở miền Nam, nơi mà người thân trong gia đình và nhân dân vẫn đang sống dưới mưa bom bão đạn.

Những người lớn tuổi ở Đồng Tháp kể rằng trong những năm đó, tối nào họ cũng lén nghe chương trình “Tiếng hát gửi về Nam” của Đài Tiếng nói VN, một phần vì mê điệu hò Đồng Tháp và những bài vọng cổ ngọt ngào của nghệ sĩ Kim Nhụy.

Những câu hò của bà lúc ấy có nội dung động viên, khích lệ tinh thần của bộ đội và nhân dân; tin tưởng hai miền Nam - Bắc sẽ thống nhất trong một ngày không xa.

Có một vài kỷ niệm đẹp mà bà không bao giờ quên trong những năm sống ở miền Bắc. Nhớ nhất là những lần được vào thăm và hò cho Bác Hồ và Bác Tôn nghe vào khoảng năm 1956-1957.

Những câu hò năm xưa ấy vẫn in sâu trong tâm trí của nghệ sĩ Kim Nhụy. Bà đã đọc cho chúng tôi nghe những câu hò đầy kỷ niệm ấy:

“Nhật nguyệt như thoi đưa

Thời giờ như gió thoảng

Đã bao phen xuân về, đông mãn

Bấm đốt tay tính lại đã vào khoảng mười mấy con trăng tròn

Nhìn đó đây phấp phới vàng son

Khắp miền trời Bắc như hòn trân châu

Tiến lên như ngọn sóng trào

Đấu tranh cho mau thống nhất, ta trở vào miền Nam”.

Vào năm 1961, nghệ sĩ Kim Nhụy tham gia hội diễn văn nghệ toàn quốc tại Hà Nội và đoạt huy chương vàng với tiết mục “Hò Đồng Tháp”, bằng chính những câu hò mà bà đã hò cho Bác Hồ và Bác Tôn nghe.

Một kỷ niệm khác in sâu vào tâm trí của nghệ sĩ Kim Nhụy là mấy lần cùng đoàn cải lương Nam bộ và ban ca nhạc Đài Tiếng nói VN đến bên đầu cầu Hiền Lương biểu diễn và bắc loa phóng qua đầu cầu bên kia.

Bà kể giọng buồn buồn: “Lần nào tôi hát cải lương và hò Đồng Tháp thì cũng có mấy anh lính cộng hòa buông súng rồi đi bộ ra gần giữa cầu ngồi nghe cho rõ. Tâm trạng của tôi lúc đó khó tả lắm. Tôi mong ước chiến tranh mau kết thúc để tôi được hát, hò cho mọi người nghe một cách bình thường”.

Muốn truyền “bí kíp” cho thế hệ trẻ

Bà Nguyễn Thị Song Anh (con gái nghệ sĩ Kim Nhụy) kể những năm còn sống ở Hà Nội, bà Kim Nhụy tham gia giảng dạy bộ môn cải lương, dân ca Nam bộ tại Viện Âm nhạc quốc gia ở Hà Nội. Mỗi lần đi dạy bà đều dắt con gái theo để hát mẫu, hò mẫu cho học viên nghe.

Cũng nhờ vậy mà bà Song Anh hò Đồng Tháp rất chuẩn, rất hay.

Tuy nhiên nghệ sĩ Kim Nhụy lại bảo con gái rằng: “Mày không theo nghề này được đâu vì ca dở mà hò cũng dở”.

Có lẽ giọng hò, giọng hát của nghệ sĩ Kim Nhụy quá hay nên bà chê con mình chứ thời trẻ bà Song Anh tham gia nhiều hội diễn văn nghệ và ẵm tới năm huy chương vàng.

Bà Song Anh bảo rằng ước nguyện của nghệ sĩ Kim Nhụy và của gia đình là sẽ truyền “bí quyết” hò Đồng Tháp cho những bạn trẻ yêu thích loại hình này. Và họ vẫn đang chờ người thọ giáo.

VÂN TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp