Phóng to |
Tiết mục của Ngọc Trâm khiến các HLV tranh luận nảy lửa - Ảnh: Thế Danh |
Không bằng lòng với phần biểu diễn của Ngọc Trâm (17 tuổi, đội Ðàm Vĩnh Hưng) khi vừa hát Những ngày yêu như mơ vừa thực hiện phần vũ đạo khá khêu gợi, Quốc Trung nói: “Chúng ta khác nhau về quan điểm thẩm mỹ, nhưng về giáo dục và văn hóa phải giống nhau”. Huấn luyện viên (HLV) Ðàm Vĩnh Hưng phản pháo: “Nếu ai cũng được giáo dục đến nơi đến chốn thì ai cũng là Quốc Trung hết”. Không những thế, từ trường hợp của Hà Linh, HLV Quốc Trung còn thẳng thừng góp ý Hồng Nhung: “Nhiệm vụ của HLV là giúp đỡ thí sinh, đồng thời định hướng cho họ. Ðiều quan trọng nhất là không được làm thí sinh nhầm lẫn hay ảo tưởng về thể loại âm nhạc”.
Nhiều khán giả quen với chương trình đã cho rằng đây là một trong những “chiêu” để ban tổ chức “xốc” lại chương trình sau nhiều tuần liên tiếp không gây được ấn tượng mạnh mẽ nào cho người xem.
Quá nhiều “bất tiện”
Công bằng mà nói rất khó để Giọng hát Việt có thể “nóng” như mùa giải đầu tiên khi mọi thứ đều còn mới mẻ, khán giả còn nhiều háo hức. Tất nhiên, phải thừa nhận một điều rằng dù đã bớt “nóng” nhưng chương trình vẫn là một lựa chọn khả dĩ cho khán giả màn ảnh nhỏ vào tối cuối tuần. Tuy không có những nhân tố khiến người xem “yêu từ cái nhìn đầu tiên”, nhưng dần dà các thí sinh đều chứng minh mình xứng đáng với sự tin cậy của HLV và khán giả. Cuộc thi cũng giới thiệu được không ít nhân tố mới, dẫu chưa thật “chín” nhưng vẫn rất đáng trân trọng: Vũ Cát Tường, Thảo My, Song Tú, Hà Linh, Hà My, Thái Quang, Hoàng Tôn, Âu Bảo Ngân, Khánh Linh, Hoàng Yến... Và ban tổ chức rất nỗ lực để thực hiện một chương trình mang tính giải trí cao nhưng vẫn định hướng được cho thí sinh lẫn người xem với những góp ý khen chê khá cụ thể của dàn HLV, giám khảo “cứng cựa” như Quốc Trung, Hồng Nhung, Mỹ Linh và Ðàm Vĩnh Hưng.
Tuy thế, khán giả vẫn khá thờ ơ với Giọng hát Việt 2013 vì nhiều bất tiện. Bất tiện lớn nhất là chương trình hiện phải “đấu” với vô số chương trình khác có cùng giờ phát sóng hoặc hình thức tương tự. Chương trình diễn ra trong thời gian quá dài (hơn sáu tháng) và quá khuya (thường từ 21g30-23g30, có hôm đến 24g) khiến người xem ít nhiều mệt mỏi. Ðã dài và khuya lại còn thường xuyên gián đoạn để quảng cáo và tạm nghỉ một vài tuần để thí sinh luyện tập hoặc nhường “sóng” cho những chương trình khác khiến khán giả không khỏi chán nản.
Vì đã là mùa thứ hai nên người hâm mộ có quyền đòi hỏi ở chương trình nhiều hơn. Tiếc thay có không ít yếu tố sản xuất kém hẳn năm ngoái. Phan Anh, MC chính của chương trình, dẫn thiếu sức sống, thiếu tập trung, thường xuyên giới thiệu sai tên thí sinh, ca khúc, mã số bình chọn... MC phụ - Diễm My - được đưa vào với hi vọng góp thêm một luồng sinh khí mới, tươi tắn hơn lại không ít lần trở thành “tai họa” bởi sự non nghề của mình. Các clip giới thiệu thí sinh trước mỗi phần trình diễn đơn điệu, thiếu sáng tạo, rập khuôn và quảng cáo quá lộ liễu cho sản phẩm của nhà tài trợ cũng gây nhàm chán. Phần biên tập chương trình có nhiều khiên cưỡng với những tiết mục mở màn hát vì miền Trung, hát mừng thầy cô... không thật sự cần thiết và hợp lý cho một định dạng như Giọng hát Việt. Tuy nhiên đó chỉ là những “thứ râu ria” khiến Giọng hát Việt mất điểm.
“Bỏ rơi” khán giả
Nhạc sĩ Phương Uyên - giám đốc âm nhạc của Giọng hát Việt - đánh giá chất lượng thí sinh năm nay đều và hơn hẳn năm ngoái. Nhưng vì sao nhiều người vẫn cho rằng Giọng hát Việt 2013 thiếu những “cái tên đáng giá”? Bởi với một ca sĩ nói chung, ngoài giọng hát còn cần một cá tính đặc biệt để “hớp hồn” công chúng. Các thí sinh “đinh” của Giọng hát Việt 2013 đều có giọng hát tốt, không ít thí sinh còn có khả năng sáng tác và chơi nhạc cụ thuần thục, nhưng cá tính của họ chưa được các HLV khai thác một cách tốt nhất.
Có thể nói cả bốn HLV của mùa giải năm nay đều là những nghệ sĩ hàng đầu nên “cái tôi” của họ không hề nhỏ. Vậy nên sự ảnh hưởng của họ lên các học trò của mình cũng vô cùng rõ nét. Học trò của Ðàm Vĩnh Hưng lúc nào cũng “điên cuồng” và biến hóa liên tục, của Hồng Nhung thì chỉn chu và luôn chinh phục những đỉnh cao, của Mỹ Linh thì phải sáng tạo và mang hơi thở của thời đại, của Quốc Trung thì đầy những thử nghiệm và không màu mè. Trên sân khấu Giọng hát Việt 2013, khán giả đã thấy rõ những giây phút thí sinh dù rất cố gắng cũng không hòa được vào dòng nhạc và phong cách mà các HLV đã chọn cho mình (Minh Sang và Ngọc Trâm của đội Ðàm Vĩnh Hưng là hai ví dụ).
Chọn bài là một trong những “lỗi” lớn nhất khiến Giọng hát Việt 2013 kém thu hút. Những ca khúc được trình diễn hoặc mang dấu ấn quá lớn của HLV nhưng không ăn nhập gì với thí sinh, hoặc mang tính chủ quan quá cao của chính thí sinh (sau khi từ chối những gợi ý từ HLV hay giám đốc âm nhạc). Mải thể hiện “cái tôi” của mình nên đôi khi ngay cả HLV lẫn thí sinh đều quên rằng một giọng hát hay ngoài vấn đề kỹ thuật, phong cách còn phải biết chọn dòng nhạc hợp với mình và hợp với tai nghe của khán giả (nhất là ở một chương trình dành cho số đông, phát trên truyền hình như Giọng hát Việt).
Không tránh khỏi những đêm thi như “bỏ rơi” khán giả, thí sinh thể hiện những tiết mục “xa vời” mà các HLV thì cứ đua nhau tung hô khen ngợi, khiến chương trình giảm dần độ tin cậy của công chúng. Bởi thế, phản ứng của HLV Quốc Trung với HLV Hồng Nhung và Ðàm Vĩnh Hưng vào tối 17-11 có lẽ là sự “vỡ bờ” sau nhiều lần quá lời ca tụng lẫn nhau với những tiết mục còn nhiều ngượng nghịu. Không chỉ có những nhận xét thẳng thừng, tranh luận nảy lửa, live show 8 của Giọng hát Việt 2013 còn có những quyết định bất ngờ nhưng hợp lý (Mỹ Linh loại học trò cưng Dương Hoàng Yến), có phần điều chỉnh lại ở khâu chọn bài như một cách tự “xốc” lại mình trước khi bước vào đêm bán kết và chung kết xếp hạng trong hai tuần sắp tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận