10/03/2015 11:32 GMT+7

​Giới võ thuật Việt Nam nói gì về MMA?

DUY BÌNH - HUY ĐĂNG
DUY BÌNH - HUY ĐĂNG

TT - “Võ tự do (Mixed martial arts - MMA) tuy rất cuốn hút nhưng không phù hợp với tinh thần thượng võ của người Việt. Nếu môn này muốn có mặt ở VN nó cần được đổi luật để bớt dã man”.

Khán giả cuồng nhiệt với các trận đấu MMA của tổ chức Pacific Xtreme Combat tại thành phố Baguio (Philippines) hôm 28-2-2015 - Ảnh: Huy Đăng
Khán giả cuồng nhiệt với các trận đấu MMA của tổ chức Pacific Xtreme Combat tại thành phố Baguio (Philippines) hôm 28-2-2015 - Ảnh: Huy Đăng

Nhiều võ sư danh tiếng ở VN đã nhận định như vậy trước sự phát triển như vũ bão của MMA ở Đông Nam Á, châu Á và khắp thế giới. 

Hiện tại hầu như hằng ngày cứ bật truyền hình là khán giả VN đều được xem các trận đấu MMA đẫm máu trên các kênh thể thao.

Thiếu tinh thần thượng võ

Võ sư Nguyễn Văn Chiếu, chánh chưởng quản môn phái vovinam trên toàn thế giới, cho biết ông có ấn tượng mạnh với MMA ngay từ lần xem đầu tiên.

Ông Chiếu nói: “Dù chưa được xem trực tiếp và chỉ theo dõi qua truyền hình nhưng tôi cũng bị các trận đấu MMA cuốn hút. Đúng là các trận đấu MMA thật sự rất hấp dẫn người xem vì kỹ năng chiến đấu đa dạng, có đầy đủ gần như các đòn đánh quyết liệt, võ sĩ sử dụng cả tay lẫn chân, các thế quăng quật... Nói chung, họ làm mọi cách để chiến thắng đối thủ”.

Thừa nhận tính hấp dẫn của MMA nhưng võ sư Nguyễn Văn Chiếu cũng cho rằng thể loại thi đấu tàn bạo này khó lòng du nhập vào VN.

“Ở MMA gần như không có luật lệ quy định cụ thể nào nên tính chất rất bạo lực. Hình ảnh phản cảm nhất là các võ sĩ vẫn ra đòn dù đối thủ của mình đã gục ngã. Điều này giống như việc các đấu sĩ không từ mọi thủ đoạn để giành chiến thắng, vốn không phù hợp với tinh thần thượng võ của người Việt cũng như tiêu chí “an toàn trong việc tập luyện và thi đấu” mà Nhà nước đặt ra cho thể thao”- ông Chiếu nói thêm.

Võ sư Giáp Trung Thang - tổng thư ký Liên đoàn Muay Thái VN - cũng đưa ra ý kiến cùng quan điểm với ông Chiếu. Ông Thang nói: “Khi mới du nhập vào VN, muay Thái cũng gặp nhiều khó khăn vì bị cho là quá bạo lực. Nhưng so với MMA muay Thái rõ ràng “hiền lành” hơn nhiều. MMA tàn khốc hơn, vì thế nó hấp dẫn hơn muay Thái là điều tất nhiên”.

Cần đổi luật để bớt dã man

Trong các cuộc thượng đài đỉnh cao của MMA, hầu như không có trận đấu nào kết thúc mà không vương vãi máu trên sàn đấu.

Giải thích cho tính bạo lực của MMA, ông Võ Danh Hải - phó chủ tịch Hiệp hội Võ thuật thế giới - cho biết trong MMA chỉ quy định có 50 điều cấm, gồm những đòn đánh hạ lưu như tấn công hạ bàn, cắn hoặc móc mắt đối thủ... còn lại tất cả đều hợp lệ. Điều này trái ngược với tất cả những môn võ khác khi luật lệ quy định các võ sĩ chỉ được sử dụng một số đòn đánh nhất định.

Dù vậy, theo ông Võ Danh Hải, MMA được thừa nhận rộng rãi trên thế giới không chỉ bởi tính hấp dẫn mà còn bởi tinh thần hiếu thắng, tự tôn quen thuộc của chính giới học võ.

Ông Hải nói: “Tôi nghĩ bất kỳ ai đã học võ cũng đều có tinh thần muốn chứng tỏ môn phái của mình là mạnh nhất. Đây là điều đã giúp MMA phát triển không ngừng. MMA không hẳn là một môn võ mà là một sàn đấu tập hợp tất cả các môn võ lại. Ở VN cách đây nhiều năm từng có võ đài quyền anh tự do cũng gần tương tự như vậy, trong đó nhiều võ sĩ thượng đài với mục đích muốn tỏ rõ môn phái của mình mạnh hơn những võ phái khác”.

Theo ông Hải, nếu du nhập vào VN, MMA sẽ lập tức nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ khán giả lẫn người luyện võ. Vì vậy, ông Hải cho rằng phương án thích hợp để MMA du nhập vào VN đó là phải đặt thêm một số luật cấm, chẳng hạn như phải cấm tuyệt đối việc tiếp tục ra đòn khi đối thủ đã gục ngã bởi những đòn đánh theo kiểu giáng từ trên xuống có thể gây nguy hiểm đến tính mạng đối thủ đang nằm trên sàn nếu trọng tài không can thiệp kịp thời.

Ông Võ Danh Hải nói thêm: “Thời gian gần đây UFC (hệ thống giải đấu võ tự do chuyên nghiệp) bắt đầu có ý định đưa võ tự do đến VN. Nếu điều này thật sự diễn ra trong tương lai, tôi nghĩ chúng ta trước tiên cần mời sang một số chuyên gia thể lực, y học thể thao từ nước ngoài vì các võ sĩ VN nói chung vẫn chưa đủ thể lực, năng lượng cho sàn đấu nguy hiểm này”.

Đông Nam Á là thị trường tiềm năng của MMA

Năm 2014 ông Joe Carr, phó giám đốc kinh doanh của UFC, từng bày tỏ tham vọng phát triển võ tự do ở châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á vì cho rằng đây là nơi rất có tiềm năng.

Tờ Japan Times (Nhật) dẫn lời ông Carr: “Việc UFC muốn phát triển MMA ở châu Á là điều tất nhiên vì đây là thị trường tiềm năng với số lượng dân cư cực kỳ đông đúc. Kinh tế ở một số nước châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á, cũng bắt đầu phát triển những năm gần đây, người dân vì thế càng có nhu cầu giải trí cao hơn.

Thêm vào đó người châu Á rất say mê võ thuật, thậm chí có thể coi họ là quê hương của MMA với hàng loạt võ phái ở mỗi quốc gia. Người dân châu Á lại có tính địa phương và tinh thần tự tôn rất cao. Chẳng hạn, một ngôi sao võ thuật ở Hàn Quốc chưa chắc đã được xem trọng ở Nhật Bản hoặc Trung Quốc. Trái lại, ở quê hương của mình anh ấy nhận được sự ủng hộ lớn đáng ngạc nhiên. Điều đó càng kích thích thêm tinh thần chiến đấu trên võ đài MMA. Chỉ cần một võ sĩ MMA Trung Quốc hoặc Nhật Bản có được thành tích ấn tượng, sẽ có đông đảo người hâm mộ theo chân anh ấy đến với MMA. Tôi nghĩ MMA sẽ tạo ra một cơn sốt ở châu Á giống như Giải bóng đá ngoại hạng Anh”.

MMA hiện ngày càng thịnh hành ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước Đông Nam Á như Malaysia, Philippines và Thái Lan. Trong khi đó Hong Kong, Macau và Singapore dù không nhiều võ sĩ nhưng lại là những địa điểm tổ chức quen thuộc của UFC nhiều năm gần đây.

“Không khuyến khích phát triển môn thể thao sát thương cao”

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vương Bích Thắng - tổng cục trưởng Tổng cục TDTT VN - cho biết những môn thể thao có tính nguy hiểm và sát thương cao sẽ không được khuyến khích phát triển nếu điều kiện chưa cho phép. Ông Thắng nói: “Đối với những môn võ có tính sát thương cao, trong đó có MMA, thì các cơ quan chức năng cần cân nhắc kỹ càng khi cấp phép tổ chức thi đấu”.

Ông Thắng cho biết có hai con đường để các môn thể thao mới có thể vào VN.

Thứ nhất là do các cá nhân, tổ chức yêu thích nên họ tự “nhập khẩu” để tập luyện sau đó phát triển và tiến tới tổ chức giải đấu.

Thứ hai, những môn thể thao truyền thống của các quốc gia được đưa vào thi đấu tại các đại hội thể thao quốc tế. Ví dụ như Philippines khi đăng cai SEA Games 2005, họ đưa môn võ gậy vào chương trình thi đấu của đại hội, vì thế họ sẽ thông qua Ủy ban Olympic của các quốc gia để đưa võ sư sang các nước giúp hướng dẫn tập luyện môn thể thao này.

Ông Thắng nói: “Với những môn thể thao mang tính nguy hiểm, sát thương cao như muay Thái, kickboxing... khi du nhập vào VN để được phát triển rộng rãi và tiến tới tổ chức giải đấu cần có sự đánh giá và kiểm tra gắt gao từ ngành thể thao." 

"Khi muốn tổ chức các giải đấu của những môn nguy hiểm này, các tổ chức, cá nhân phải gửi hồ sơ lên sở VH-TT&DL các địa phương hoặc Tổng cục TDTT để xem xét. Hồ sơ thông thường bao gồm: điều lệ thi đấu, luật thi đấu, đơn xin phép cũng như những cam kết đảm bảo an toàn khi tổ chức giải đấu."

"Thông thường với những môn thể thao nguy hiểm thì ban tổ chức và các cá nhân buộc phải có bảo hiểm để được thi đấu hoặc phải có cam kết. Với những cuộc thi có người nước ngoài tham dự hay CLB nước ngoài thì bắt buộc phải được sự đồng ý bằng văn bản của bộ trưởng Bộ VH-TT&DL”.

K.XUÂN

DUY BÌNH - HUY ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp