Đó là hiện tượng mà tờ Trung Quốc Nhật Báo đưa ra để cảnh báo về hiện tượng chạy đua "bề mặt" trong thanh niên nước này.
Phóng to |
Giới trẻ Trung Quốc sẵn sàng chi tiền mua hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng để cảm thấy “tự tin hơn” - Ảnh: China Daily |
Nhiều người không đủ tiền mua những sản phẩm hàng hiệu nên chấp nhận mua túi đựng hàng bằng giấy, có nhãn hiệu và logo của thương hiệu nổi tiếng. Một số người còn tìm mua cả sách hướng dẫn sử dụng hàng của thương hiệu đó, hay các hóa đơn mua hàng “xịn” được bán trên mạng.
Những “mặt hàng” này không sử dụng được vào việc gì trong thực tế, nhưng lại giúp người sở hữu thỏa mãn cái hư danh, và báo chí Trung Quốc gọi đây là hiện tượng “tiêu dùng bề mặt”.
"Bạn không thể phân biệt một cái túi đựng hàng giả và cái xịn - một người mua cái túi đựng hàng Louis Vuitton rởm nói - Để người khác nghĩ mình vừa mua 1 cái túi Louis Vuitton mà chỉ cần mình mang theo túi đựng hàng bằng giấy này thì cũng “hoành tráng” chứ”.
Một người khác có tên "Pengpeng and Pipi" viết trên diễn đàn: "Khi sở hữu cái túi đựng hàng hiệu rởm, tôi cảm thấy như mình bước lên một tầng lớp xã hội khác, cao hơn, thấy hạnh phúc, phấn chấn hẳn lên, và cũng vênh được mặt lên một chút”. Một khảo sát trên website bán xe hơi cho biết một nửa những người sinh sau năm 1980 hay 1990 đã mua hoặc có ý định mua xe hơi trước tuổi 30.
Khi được hỏi vì sao giới trẻ lại có xu hướng tiêu dùng bề mặt như vậy, tờ Trung Quốc Nhật Báo dẫn lời trí thức trẻ Thiện Tú Khâm cho biết vì xã hội Trung Quốc đánh giá con người thường dựa vào bề ngoài. Cô mua quần áo hàng hiệu là vì “nếu tôi không mặc đồ đẹp, lịch sự, trang trọng thì thậm chí người bán hàng ở mấy trung tâm mua sắm cũng không thèm để ý đến sự có mặt của tôi, và điều này rất khiến tôi cảm thấy tổn thương".
Đồng Khôn là sinh viên năm 1 ở Đại học Hồ Bắc. Cả lớp cậu ai cũng có máy tính xách tay, và ai không có thì rất đau khổ, thúc giục ba mẹ mua cho bằng được. Cậu cho biết bạn học của mình ngày càng chú ý tới việc mua hàng có thương hiệu, ai không đủ tiền thì sẵn sàng mua hàng nhái với giá chỉ còn một nửa. Đồng Khôn cho rằng thói quen tiêu dùng này xuất hiện vì thói quen so sánh với người bên cạnh. Ai xuất thân từ gia đình không có điều kiện thì dùng đồ nhái để lấy lại sự tự tin.
Giám đốc Trung tâm tâm lý ĐH Phúc Đán Tôn Thế Kim nhận định có mối liên hệ giữa một tuổi thơ thiếu được tôn trọng với sở thích dùng hàng nhái và vung tay quá trán khi tiêu dùng trong giới trẻ. Họ muốn tìm ra cách đơn giản, trực tiếp để có được sự tôn trọng của người khác. Xã hội ngày nay đã khiến giới trẻ cảm thấy lúng túng, khi những thông tin họ nhận được cho rằng họ chỉ nổi bật nhờ vật chất như quần áo hàng hiệu, để có thể vênh mặt với đời và bù đắp vào tâm hồn trống rỗng của họ. Dĩ nhiên các doanh nghiệp không bỏ lỡ cơ hội khai thác điểm này để kiếm bộn tiền.
Giám đốc Học viện Kinh tế của Trung Quốc Dương Xuân Tuyết cho rằng lối tiêu thụ bề mặt này do một số quan chức nêu gương xấu, và những người được xem là thành công trong xã hội đã thể hiện một cách tiêu dùng phô trương và xa hoa. Có những người thuộc lớp có thu nhập trung bình thậm chí sẵn sàng chi cả tháng lương để có được áo quần hàng hiệu.
"Lối tiêu dùng này về lâu dài không có lợi cho sự phát triển của đất nước” - ông Tuyết nhận định. Ông cho rằng ít nhãn hiệu trong nước nổi tiếng trong giới trẻ, do vậy lối tiêu dùng này ảnh hưởng lớn tới sức sáng tạo của các doanh nghiệp trong nước và buộc họ phải cóp nhặt từ các thương hiệu nước ngoài.
Ông cho rằng nền tảng đạo đức xã hội tốt là chìa khóa để giảm hiện tượng này. Theo đó, lối tiêu dùng bề mặt không hẳn là hoàn toàn xấu mà cần có hướng dẫn đúng đắn. Con người cần biết nhu cầu thật sự của họ là gì và biết vì sao họ đang mua đồ đó. Ông Tuyết cho rằng nhiều người đã nhận ra và họ đã lắng nghe suy nghĩ của mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận