Các nhà phân tích ước tính thế giới ACG (hoạt hình, truyện tranh, trò chơi) của Trung Quốc thu hút khoảng 300 triệu người tham gia - AFP
"Yaorenmao" là biệt danh của một cô gái trẻ sống ở thành phố Thành Đô, Trung Quốc. Cảm thấy ngột ngạt với cuộc sống đi làm nhàm chán, cô gái trong độ tuổi 20 trốn vào thế giới ảo, nơi cô trình diễn cho 1,3 triệu người hâm mộ xem những bộ cánh lộng lẫy giống với các nhân vật truyện tranh, hoạt hình.
"Thế giới khác" của Yaorenmao có tên gọi là bilibili.com, một nền tảng chia sẻ video mang phong cách ACG (hoạt hình, truyện tranh, trò chơi) của Nhật thu hút hơn 150 triệu người Trung Quốc tham gia.
Dễ đến nhưng khó rời
Yaorenmao gia nhập thế giới ảo cách đây vài năm. Cô bắt đầu bằng việc tải lên mạng những đoạn video clip tự dựng ở nhà, trong đó cô nhảy múa trên nền những giai điệu ngọt ngào, được sống lại ước mơ thời còn nhỏ là trở thành một vũ công.
"Tôi làm việc như một người bình thường sau khi tốt nghiệp đại học, nhưng cuộc sống và công việc quá nhàm chán" - Yaorenmao giãi bày.
Theo ngày tháng, lượng người hâm mộ của cô tăng dần. Họ thường tặng quà hoặc tiền cho thần tượng yêu thích, và Yaorenmao dùng tiền này để đầu tư cho các bộ cánh và video mới. Cô thậm chí bỏ ra 1.500 USD và cất công lặn lội sang Nhật để quay clip trong mùa hoa anh đào nở.
"Những người hâm mộ đón nhận tác phẩm nghiệp dư của tôi bằng một tấm lòng rộng mở. Họ khích lệ tôi vì họ muốn thấy tôi ngày càng giỏi hơn, cứ như chính họ trở nên giỏi hơn vậy" - Yaorenmao trả lời phỏng vấn Hãng tin AFP.
Trang chia sẻ video bilibili ở Trung Quốc có hơn 150 triệu người dùng - Ảnh: AFP
Ông Chen Rui, chủ tịch bilibili, nhận xét giới trẻ Trung Quốc sinh ra trong thời đại Internet ngày càng bị cuốn hút vào thế giới ảo.
"Mọi người sợ sự cô đơn, và ai cũng ước có một thế giới khác tốt đẹp hơn, nơi họ có thể trút hết tâm tình và không phải trông thấy những người khó ưa. Một khi anh đã thấy thế giới bilibili tạo ra, anh sẽ không bao giờ rời nó nữa" - ông Chen giải thích.
Các nhà phân tích ước tính thế giới ACG của Trung Quốc đã tăng trưởng gấp đôi trong 4 năm qua, với số người dùng khoảng 300 triệu, chi tiêu trung bình mỗi năm cho thế giới ảo là 255 USD/ người.
Một số người còn dự đoán ngành công nghiệp ACG Trung Quốc một ngày nào đó sẽ vượt qua cả Nhật Bản.
Đã đến thời của 9X
Do Internet bị kiểm duyệt gắt gao dẫn đến thiếu thốn nội dung giải trí cho giới trẻ, ACG Trung Quốc đã phát triển thành một ngành công nghiệp trị giá hàng tỉ USD, thu hút đầu tư từ các gã khổng lồ công nghệ như Tencent và Alibaba…
Hãng phân tích thị trường CIConsulting gần đây đánh giá thị trường ACG của Trung Quốc đã trở thành một ngành công nghiệp tỉ đô, có tốc độ tăng trưởng nhanh.
Hồi năm 2003, hội nghị thường niên do Bilibili tổ chức ở Thượng Hải chỉ thu hút 800 người. Năm nay, sự kiện hồi tháng 7 vừa qua có đến hơn 100.000 người tham dự, đa số họ trong độ tuổi 20 và thanh thiếu niên. Nhiều người không ngại diện những bộ phục sức hóa trang rực rỡ đến sự kiện.
Cô gái 15 tuổi khiến cư dân mạng Trung Quốc mê mẩn vì có thể quay vòng suốt 4 giờ - Ảnh chụp màn hình
Bà Huang Yanhua, nhà phân tích thuộc Công ty iResearch Consulting, nhận xét thế giới trực tuyến ACG của Trung Quốc đang ở giai đoạn khởi đầu hỗn loạn. Tuy nhiên, bà kỳ vọng đây sẽ là vườn ươm tốt cho những nội dung giải trí thuần Trung Quốc.
"Mỗi thế hệ có cách giải trí riêng của họ. Những người sinh sau năm 1990 đã bắt đầu đi làm và giờ đây họ là lực lượng tiêu dùng chính ở Trung Quốc. Khi những sở thích của họ trở nên phổ biến rộng rãi, nó sẽ thay đổi bộ mặt của ngành công nghiệp (giải trí)" - bà Yanhua nhận định.
Ông Zeng Hang, người điều hành một chương trình trực tuyến mang chủ đề quân đội, nhận xét trong bối cảnh các điều kiện kinh tế, xã hội và công nghệ thay đổi chóng mặt, thế giới ảo đã và đang nhanh chóng thay thế thế giới thật đối với vô số người trẻ Trung Quốc.
Bây giờ người dân sống trong các tòa nhà cao ở Thượng Hải, và họ có thể còn không biết mặt đứa bé nhà hàng xóm"
Ông Zeng Hang
"Những nội dung tưởng chừng phù phiếm của Bilibili thật ra là sự cứu rỗi đối với người trẻ. Ở Trung Quốc, mọi người chịu nhiều áp lực nên họ thích những thứ như vậy. Họ quan tâm nhiều hơn đến sự tồn tại của mình trong thế giới ảo và sẵn lòng tiêu xài cho bất cứ thứ gì họ thích" - ông Zeng lý giải.
Thế hệ trẻ Trung Quốc ngày càng bị cuốn hút vào thế giới ảo - Ảnh: AFP
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận