29/09/2013 15:55 GMT+7

Giới trẻ hiến kế cho văn minh xe buýt

TR.UYÊN - HOÀNG MAI
TR.UYÊN - HOÀNG MAI

TTO - Phải có giải pháp để người khuyết tật bớt khó khăn khi đi xe buýt, nhân viên xe buýt cần học tiếng Anh để phục vụ khách nước ngoài tốt hơn, cần tích cực khen thưởng hành khách có đóng góp cho dịch vụ xe buýt...

Đó là một số ý kiến của các bạn trẻ trong buổi tọa đàm "Hiến kế thanh niên và văn minh xe buýt" do mạng lưới Be Change Agents Việt Nam (Những tác nhân thay đổi, khu vực miền Nam) và CLB Xanh (ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM) thực hiện vào sáng nay 29-9 tại ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM.

ErCMRv7M.jpgPhóng to
Theo thông tin từ Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM, học sinh sinh viên chiếm khoảng 30% lượng hành khách đi xe buýt tại TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng

Buýt không thể "quên" người khuyết tật!

Nhiều "than phiền" về chất lượng dịch vụ xe buýt được các bạn trẻ chia sẻ thẳng thắn với đại diện của Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM, tiếp viên xe buýt, tài xế xe buýt. Bên cạnh những vấn đề khá quen thuộc như nhiều chiếc xe buýt chạy ì ạch, bị xóc, tệ nạn móc túi cướp giật trên xe buýt..., việc người khuyết tật gặp nhiều khó khăn khi đi xe buýt được nhấn mạnh.

T5SaaYyR.jpg
Bạn trẻ mang vé xe buýt đã dùng để đổi lấy phiếu quà tặng - Ảnh: Hoàng Mai
eBPMELi7.jpg
Sinh viên khiếm thị Nguyễn Quang Nhị - ĐH KHXH & NV TP.HCM - than phiền về những khó khăn khi đi xe buýt - Ảnh: Hoàng Mai

Nguyễn Quang Nhị, sinh viên khiếm thị Trường ĐH KHXH & NV TP.HCM - than phiền việc không được hỗ trợ khi đi xe buýt: “Tôi khiếm thị hoàn toàn nên đi xe buýt rất khó khăn. Vì không nhìn thấy mã số xe buýt, tôi phải nhờ những người bên cạnh hỗ trợ để giúp tôi tìm đúng tuyến xe, còn xuống trạm thì phải nhờ tiếp viên xe buýt hỗ trợ. Khi lên xe buýt, tôi đã nói rõ mong tiếp viên nhắc nhở tôi khi tôi xuống trạm vì tôi không nhìn thấy đường. Nhưng nhiều lần tiếp viên mải nói chuyện với tài xế, không thông báo trạm dừng nên tôi bị đi quá trạm. Khi tôi hỏi lại thì tiếp viên nổi nóng, quát tôi: Xuống trạm thì phải thông báo, chứ không nói thì ai mà biết? Tôi cảm thấy bị đối xử không tốt khi đi xe buýt".

Nguyễn Diệu Linh, Q.7, TP.HCM, bị khuyết tật chân, cho rằng xe buýt chưa đáp ứng nhu cầu của người khuyết tật. Các bậc thềm bước lên xe buýt còn cao quá, rất khó khăn cho người khuyết tật lên và xuống xe. Thời gian xe buýt dừng ở mỗi trạm quá ít (1 phút /trạm) trong khi đó người khuyết tật lại lên xuống xe rất chậm chạp…

Hãy thưởng - phạt hành khách đi xe buýt!

Từ những mong muốn, nhu cầu đi lại và những bức xúc về dịch vụ xe buýt hiện nay, nhiều bạn trẻ hiến kế như: lắp đặt hệ thống camera trên các tuyến xe buýt, kéo dài thời gian cho các chuyến xe từ thành phố ra ngoại thành, nâng cao trình độ tiếng Anh cho tài xế và tiếp viên để họ phục vụ khách nước ngoài tốt hơn, kéo dài thời gian hoạt động buổi tối để sinh viên ngoại thành có thể tham gia các sự kiện tại nội thành…

J8GCwftS.jpgPhóng to
Ông Vũ Thành Nhân (bìa phải) - phó phụ trách phòng kế hoạch điều hành, Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM - cho biết những hiến kế của sinh viên cho dịch vụ xe buýt sẽ được ghi nhận, những nội dung nào khả thi sẽ được triển khai ngay - Ảnh Trung Uyên

Lý Đức, sinh viên ĐH Y dược TP.HCM nói: “Mỗi ngày, trung bình tôi ngồi 30 phút ở trên xe buýt. Không gian đó thường ồn ào, không thể đọc sách nên đâm ra lãng phí thời gian. Tôi nghĩ nên lắp vào sau lưng ghế các bảng flash card có các nội dung như những mẩu chuyện quà tặng cuộc sống, những thông điệp hay, tiểu sử danh nhân, giới thiệu về đất nước Việt Nam... Những tấm bảng này sẽ viết bằng tiếng Việt và tiếng Anh để khách nước ngoài cũng có thể đọc trong khoảng thời gian ngồi trên xe".

Nhiều ý kiến của sinh viên cho rằng nên có chế độ thưởng phạt kịp thời ngay trên xe buýt để nâng cao ý thức cho hành khách. Những ai dám tố giác các hành vi móc túi, cướp giật trên xe hay phản ánh những bức xúc về Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM thì sẽ được tuyên dương hoặc được tặng những món quà khích lệ tinh thần. Ngược lại, ai cố tình vi phạm nội quy xe buýt như không giữ trật tự, không nhường ghế cho người già, người khuyết tật… thì sẽ bị phạt thích đáng. Việc thưởng - phạt sẽ phát huy hiệu quả cao nếu thực hiện ngay trên xe.

Ông Vũ Thành Nhân - phó phụ trách phòng kế hoạch điều hành, Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM - đánh giá cao các hiến kế của sinh viên dành cho xe buýt.

Ông Nhân nói: "Hiện nay, mỗi ngày, TP.HCM có khoảng 1,2 triệu lượt khách đi xe buýt, trong đó khoảng 30% là học sinh sinh viên. Vì vậy, việc lắng nghe ý kiến của các khách hàng trẻ tuổi này rất quan trọng. Với những đề xuất khả thi, chúng tôi sẽ nỗ lực thực hiện ngay. Những hiến kế cần có lộ trình, cần phối hợp với các đơn vị khác, chúng tôi sẽ nỗ lực xúc tiến. Sắp tới, trung tâm sẽ nghiên cứu và triển khai sử dụng biểu đồ giờ chạy xe của các tuyến xe buýt trên địa bàn thành phố, tăng chuyến và tăng thời gian hoạt động các tuyến xe buýt có trợ giá hợp lý nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại cho hành khách, nghiên cứu dự án phát triển vé điện tử thông minh để thay thế cho vé lượt hiện nay...".

Trước khi bước vào buổi tọa đàm sáng nay, khoảng 500 sinh viên mang vé xe buýt đã dùng để lấy phiếu điểm. Các phiếu này sẽ được dùng đổi quà tại “Ngày hội chuyển động xanh 2013” tại công viên Lê Thị Riêng (875 Cách Mạng Tháng Tám, Q.10, TP.HCM) từ 7g30 đến 12g vào ngày 27-10. Có gần 10.000 vé thu được tại buổi tọa đàm, trong đó riêng bạn Nguyễn Trung Tú ở Trung tâm Khuyết tật và phát triển (DRD) mang đến chương trình tận... 1.600 vé.

Buổi tọa đàm thuộc dự án “Nào ta cùng buýt 2013”. Những hoạt động khác sẽ diễn ra như: chương trình “Du lịch xanh” bằng xe buýt số 35 vòng quanh 11 quận ở TP.HCM dành cho học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng và du khách nước ngoài; gom vé xe buýt đổi lấy quà tái chế, dùng 50.000 vé xe buýt đã dùng ghép thành bức tranh môi trường kỷ lục về Vịnh Hạ Long...

16,9% hành khách đánh giá "buýt tương đối tốt"

Dự án "Nào ta cùng buýt" 2013 đã thực hiện khảo sát trên 1.500 hành khách xe buýt là học sinh, sinh viên và các đối tượng khác. Một số con số từ khảo sát như: 29% cho rằng rất thường xuyên nghe đến các vấn đề tiêu cực hay xảy ra trên xe buýt, 41,1% cho rằng hệ thống xe buýt tại thành phố chưa tiếp cận và phổ biến tại ngoại thành".

Đáng chú ý, với câu hỏi "đánh giá chung về chất lượng dịch vụ xe buýt hiện nay", chỉ 2.4% cho rằng rất tốt, 16,9% cho rằng tương đối tốt và 52,2% cho rằng bình thường.

------------------------------------

* Đọc thêm

TR.UYÊN - HOÀNG MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp