* Dư luận trái chiều quanh Vũ khúc Đông Dương
Phóng to |
Phần vũ đạo của vũ công Geraldine Balcazar (Úc) trong phim tài liệu phục dựng điệu múa Vũ khúc Đông Dương - Ảnh: Huy Moeller |
Phim tài liệu dài 11 phút đã chiếu lại 15 giây điệu múa của Cléo de Mérode trên nền nhạc đệm của ban nhạc Nguyễn Tống Triều và phần phục dựng với phần vũ đạo khoảng ba phút của Trác Thúy Miêu (VN) và Geraldine Balcazar (Úc). Cả hai phần phục dựng của Trác Thúy Miêu và Geraldine Balcazar đều khác nhau và khác với phần múa của Cléo de Mérode nhưng đều dựa trên “sườn” hay cốt lõi của múa cung đình Nam Vang (Campuchia). Nhóm Nhà hát Đông Dương cho biết đây là một trong những bước của dự án liên quan đến Vũ khúc Đông Dương.
Trước đó, nhà nghiên cứu
Nguyễn Lê Tuyên công bố đã tìm thấy bản ký âm Vũ khúc Đông Dương theo phương pháp Tây phương của nhà nhạc học người Pháp Julien Tiersot vào tháng 7-2013, và hai tháng sau đó, ông cùng Nguyễn Đức Hiệp ra mắt cuốn sách Hát bội, đờn ca tài tử và cải lương cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 (Tuổi Trẻ ngày 6-7, 30-7 và 28-9-2013). Riêng dự án phim điện ảnh Vũ khúc Đông Dương đang trong quá trình tìm kiếm các nhà đầu tư.
Cũng liên quan đến Vũ khúc Đông Dương, tháng 12-2013 nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền đã lên tiếng phản bác cách ông Nguyễn Lê Tuyên sử dụng những nghiên cứu của mình về vũ điệu này. Cụ thể, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền cho rằng tuy ông Nguyễn Lê Tuyên có công lớn là tìm thấy bản ký âm của Julien Tiersot nhưng ông mới là người nghiên cứu Vũ khúc Đông Dương và nhận diện được bản ký âm bằng thang âm phương Tây (đồ, rê, mi) với nhiều khuyết thiếu là hơi Bắc, ký âm lại theo đúng một bản nhạc tài tử. Mặt khác, ông Nguyễn Lê Tuyên đã sử dụng những nghiên cứu này để đưa vào cuốn sách của mình với ông Nguyễn Đức Hiệp mà không hề xin phép nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền.
Trả lời Tuổi Trẻ sáng 7-1 về việc này, ông Nguyễn Lê Tuyên cho biết: “Tất cả những nghiên cứu hay kiến thức của tôi đã được trình bày rất rõ ràng trong sách. Tôi không muốn đôi co thêm. Trong quá trình nghiên cứu, vì muốn đi đến tận cùng vấn đề, thấu đáo mọi việc nên tôi mới cậy nhờ anh Bùi Trọng Hiền góp thêm ý kiến cũng như chuyển từ tam âm phương Tây sang nhạc tài tử và cũng đã đề cập rất rõ ràng, đầy đủ trong các tài liệu công bố. Thực tế, với bản ký âm phương Tây thì các nhạc sư tại nhạc viện vẫn có thể tái hiện được”.
Đây hiện vẫn là vấn đề gây tranh cãi bởi có một số ý kiến đồng tình với ông Nguyễn Lê Tuyên, nhưng vẫn có những ý kiến trái chiều. Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long (NXB Âm Nhạc) nằm trong số ý kiến trái chiều đó khi khẳng định: “Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền đã nghiên cứu rất kỹ, trước đó đã có bề dày nghiên cứu về nhạc tài tử thì mới có thể đúc kết và viết ra những nhận xét như vậy. Có thể coi đó là một công trình nghiên cứu nghiêm túc về bản nhạc Vũ khúc Đông Dương này. Không những thế, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền còn phục chế lại nó theo nguyên tắc của nhạc tài tử.
Việc xác định bản nhạc thuộc hơi nào là một yếu tố rất đáng giá vì phải là người am hiểu âm luật của nhạc cổ VN nói chung và nhạc tài tử nói riêng, phải hiểu quy luật của nhịp độ, nguyên tắc hòa đàn... Tóm lại, phải là nhà nghiên cứu có tài, có kinh nghiệm mới ra được chừng đó. Một nhà nghiên cứu âm nhạc bình thường muốn nghiên cứu kỹ như thế này thì phải mất hàng năm trời. Do vậy, có thể khẳng định Bùi Trọng Hiền là người nghiên cứu, phục dựng bản nhạc tài tử này, bên cạnh ông Nguyễn Lê Tuyên là người tìm thấy bản nhạc. Vai trò của ông Hiền ở đây phải là đồng tác giả chứ không chỉ là người hiệu đính”.
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận