Bức ảnh thắng giải thưởng nhiếp ảnh HIPA gần 3 tỉ đồng đang bị giới nhiếp ảnh Việt 'bóc phốt' - Ảnh: Edwin Ong Wee Kee
Một số nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam đã cho rằng đó là bức ảnh được 'set up' (sắp đặt) chứ không phải là khoảnh khắc tác giả nắm bắt được trên hành trình của mình mà tác giả giới thiệu về bức ảnh khi gửi dự thi.
Các nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam đưa ra một bức ảnh hậu trường, trong đó, hai mẹ con người Mông đang ngồi trước một đám đông cả chục nhiếp ảnh gia.
Chủ tịch Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam Vũ Quốc Khánh thì khẳng định ngay cả khi bỏ qua câu chuyện ảnh set up, không chân thật, ông Khánh với tư cách là trưởng ban tổ chức của nhiều cuộc thi ảnh và của một người từng có 7 năm học nhiếp ảnh ở Đức, không ủng hộ tư duy khai thác những hình ảnh bi thương, không có tính đại diện và ông sẽ không chọn trao giải cho tác phẩm này.
Bức ảnh hậu trường được cộng đồng nhiếp ảnh đưa ra để chứng minh bức ảnh của Edwin Ong Wee Kee là ảnh sắp đặt - Ảnh tư liệu
Tác giả không phạm luật, nghệ sĩ Việt "tị nạnh"?
Không thích xu hướng "nhiếp ảnh bầy đàn" (đi du lịch chụp ảnh theo tập thể và sắp đặt để tất cả cùng chụp một đối tượng, câu chuyện), nhưng nhiếp ảnh gia Hoài Thanh (Hà Nội) cho biết tác giả Edwin Ong Wee Kee không hề phạm luật của cuộc thi HIPA.
"Đây không phải là một cuộc thi nhiếp ảnh báo chí, sự sắp đặt là được chấp nhận trong cuộc thi này. Hình ảnh là hình ảnh, chỉ cần bức ảnh đó đem lại cho người xem một thông điệp, cảm xúc nào đó và nghệ sĩ có quyền sắp xếp hình ảnh để thể hiện được cảm xúc của mình", nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoài Thanh nói.
Tuy nhiên, nghệ sĩ này cũng bày tỏ nỗi muộn phiền của một người làm nghề khi thấy xu hướng gia tăng của nhiếp ảnh sắp đặt và can thiệp, sao chép của nhau, tất cả cùng chụp một đối tượng được set up, với cùng một góc máy trong những chuyến du lịch chụp ảnh (photo tour) cho hàng chục nghệ sĩ.
"Đây là lối làm việc của những người lười động não. Nó khiến cho tính cá nhân và tính riêng biệt trong nghệ thuật nhiếp ảnh không được phát triển. Đó là nhiếp ảnh bầy đàn", nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoài Thanh nói.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh trẻ Hà Đào cũng cùng chung quan điểm.
"Đi photo tour rồi chụp "sắp đặt" như thế là một thực hành quá phổ biến và bình thường. Nhiều nhiếp ảnh gia lên án thực hành này, nói là ảnh không "chân thực", nhưng về lý nó chẳng có gì sai. Đây cũng không phải một cuộc thi ảnh báo chí với những tiêu chí rõ ràng", Hà Đào nói.
Hà Đào cũng cho rằng việc cộng đồng nhiếp ảnh Việt Nam đang "rầm rầm" buộc tội tác giả Edwin Ong Wee Kee bằng cả các phân tích dân tộc học để "dạy bảo" tác giả là "không liên quan" và hình như "cho thấy có sự tị nạnh ngầm: mình cũng chụp thế bao năm nay mà sao mình không được giải!".
Theo nghệ sĩ nhiếp ảnh trẻ Hà Đào, điều đáng bàn cãi hơn là tại sao đến thời điểm này mà những hình ảnh mang tính mua nước mắt như vậy vẫn được tôn vinh.
"Không trao giải"
Không bàn chuyện bức ảnh của Edwin Ong Wee Kee có sắp đặt hay không, nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Quốc Khánh - Chủ tịch Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam - khẳng định ông không thích bức ảnh này và nếu có quyền chấm giải, ông sẽ không chọn trao giải cho bức ảnh này.
"Nhiếp ảnh trước tiên và số một phải là tính chân thật thì những lùm xùm về ảnh sắp đặt đã cho thấy bức ảnh không đạt được tiêu chí số 1 này", ông Vũ Quốc Khánh nói.
Ngoài ra, ông Khánh đặc biệt không thích bức ảnh này khi nó khai thác hình ảnh quá bi thương, khắc khổ của người phụ nữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Theo ông, đây là cách khai thác đề tài không mang tính điển hình hóa, đi vào khai thác cái lạ để "ăn điểm".
Ông Khánh không ủng hộ cách khai thác hình ảnh phụ nữ dân tộc thiểu số Việt Nam theo cách này, bởi đó không phải hình ảnh đại diện tiêu biểu cho đời sống của đồng bào dân tộc Mông, làm méo mó cái nhìn của quốc tế về đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số của Việt Nam.
"Bức ảnh không đúng bản chất, không tiêu biểu, không đại diện cho dân tộc Mông ở Việt Nam. Ban giám khảo của cuộc thi đó không hiểu về Việt Nam, rồi bị cuốn hút bởi những hình ảnh lạ lẫm họ chưa nhìn thấy nên họ trao giải", chủ tịch Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam nói.
Ông cũng khẳng định, ngay cả nếu bức ảnh không vi phạm những điều trên thì ông cũng đánh giá tác phẩm này "rất bình thường".
Bức ảnh chụp hai mẹ con người Mông ở Việt Nam của nghệ sĩ nhiếp ảnh Edwin Ong Wee Kee (Malaysia) vừa đoạt giải thưởng lớn (Grand Prize) của Giải thưởng nhiếp ảnh quốc tế Hamdan (HIPA) trị giá 120.000 USD (2,78 tỉ đồng) trong lễ trao giải tại Dubai.
Theo trang Digital Camera World, nghệ sĩ Malaysia cho biết anh rất thích đi du lịch cùng chiếc máy ảnh. Trong chuyến đi tới Việt Nam, anh đã dừng lại bên đường, lấy chiếc máy ảnh Nikon D850 và ống kính tiêu cự 80-400mm ghi lại khoảnh khắc này.
Người mẹ có gương mặt khắc khổ ấy, bất kể việc bị rối loạn khả năng ngôn ngữ, vẫn truyền cảm hứng về niềm hi vọng và tinh thần mạnh mẽ cho con qua ánh mắt và vòng tay ấm áp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận