Con rể ông Trump Jared Kushner (trái) “lặng lẽ” trình kế hoạch chính sách nhập cư mới lên đồi Capitol ngày 14-5 - Ảnh: AFP
Sau nhiều tháng nghiên cứu, con rể Tổng thống Trump và là cố vấn Nhà Trắng - ông Jared Kushner - đã trình bản kế hoạch về chính sách nhập cư mới.
Bản thảo này gây chú ý vì nó đụng chạm tới vấn đề nhạy cảm bậc nhất chính trường Mỹ hiện tại, và cũng là chương trình nghị sự then chốt trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020 của ông Trump.
Tài chính, tài năng
Tại buổi họp báo ngày 15-5 (giờ Mỹ) trước khi Tổng thống Trump công bố bản đề xuất, các quan chức cấp cao trong chính quyền nhấn mạnh sự thay đổi mấu chốt về chính sách nhập cư.
Bản kế hoạch này sẽ thay đổi trọng tâm về tiêu chí đón nhận người nhập cư. Cụ thể, thay vì cho phép đa số người nhập cư vào Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình, kế hoạch mới sẽ hướng chính sách nhập cư của Mỹ theo dạng dựa trên tài năng và khả năng tài chính.
Theo đó, người muốn nhập cư vào Mỹ sắp tới phải có trình độ chuyên môn, có nghề nghiệp (cụ thể là có thư mời làm việc tại Mỹ), nói tiếng Anh thành thạo và có nền tảng giáo dục tốt, cũng như phải vượt qua một bài kiểm tra để chứng minh khả năng hòa nhập xã hội địa phương. Dĩ nhiên, đề xuất mới vẫn đi kèm nhiều điều kiện cũ như giấy khám sức khỏe, lịch sử tiền án...
Hiện nay, yêu cầu nhập cư Mỹ vẫn xem xét lựa chọn ứng viên dựa trên các tiêu chí với công thức như sau: 12% dựa trên trình độ chuyên môn, nghề nghiệp; 66% dựa trên mối quan hệ gia đình, thân nhân; và 22% là diện hỗ trợ nhân đạo hoặc tị nạn.
Công thức mới của ông Trump trong khi đó xoay hẳn, dành 57% cho kỹ năng, trình độ chuyên môn; 33% xét yếu tố gia đình, thân nhân; và chỉ 10% còn lại cho diện nhân đạo và tị nạn.
Như vậy, đặt trường hợp đề xuất này vượt qua hàng loạt cuộc thẩm tra ở cấp đảng và quốc hội để thành luật, người nhập cư vào đất Mỹ tới đây buộc phải hiểu rằng mình tới Mỹ để làm gì, sinh sống ra sao, chứ không chỉ nhằm đoàn tụ...
Sớm gây tranh cãi
Với một bản kế hoạch chưa được chính đảng của mình thông qua, ông Trump được dự đoán sẽ gặp nhiều khó khăn để bảo vệ nó trước quốc hội, đặc biệt là trước phe Dân chủ.
Dù có thất bại trong việc thuyết phục Đảng Dân chủ, ông Trump và chính phủ của mình vẫn có thể sử dụng bản đề xuất này trong cuộc vận động tranh cử sắp tới. Tuy nhiên, kỳ vọng đạt được sự đồng thuận chung vẫn đặc biệt cao khi kỳ bầu cử 2020 tới gần.
Được biết, ông Kushner đã hoàn thành bản kế hoạch cùng Cố vấn cấp cao về vấn đề nhập cư của tổng thống Mỹ Stephen Miller. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng các biện pháp được đưa ra là nhẹ nhàng hơn nhiều so với sự cứng rắn mà ông Miller muốn, vốn là điều Đảng Dân chủ luôn phản đối.
Nhiều đời tổng thống trước, như George W. Bush và Barack Obama, đều đã thất bại trong việc giải quyết các bất đồng về chính sách nhập cư. Kể từ những thất bại đó, sự chia rẽ giữa hai đảng trong vấn đề này ngày càng sâu sắc, đến nỗi giới quan sát cho rằng khó có một kế hoạch nào có thể tạo nên khác biệt.
Vì nhiều lý do, việc soạn thảo kế hoạch mới công bố này không được nhiều thành viên ở cả hai đảng biết đến. Nhưng khi thông tin được đưa ra, phe Dân chủ đã lập tức xuất hiện ý kiến phản đối.
Báo New York Times cho biết Đảng Dân chủ vẫn ủng hộ chú trọng diện nhập cư đoàn tụ gia đình, cũng như sự quan tâm tới những trẻ em được đưa đến Mỹ theo con đường bất hợp pháp (chương trình DACA) - điều không được đề cập trong đề xuất của ông Trump.
Song song đó, kế hoạch của Nhà Trắng cũng không làm giảm tổng mức độ nhập cư vào Mỹ - vốn dĩ là tâm điểm của các phe bảo thủ và chống nhập cư. Nói một cách đơn giản, đề xuất này chưa thể làm thỏa mãn các điều khoản phe Dân chủ muốn, thậm chí là những gì phe Cộng hòa muốn.
Frank Sharry, người có hai thập kỷ làm nhiệm vụ đảm bảo luật pháp lưỡng đảng về nhập cư, nhận xét: "Nói rằng đề xuất này chết từ trong trứng nước cũng đã là nhận định nhẹ nhàng lắm rồi. Nó còn tệ hơn cả bản đề xuất chỉ đạt 39 phiếu thuận năm 2018 nữa. Nó không giúp phe Cộng hòa đoàn kết lại, và sẽ là con số 0 trong mắt phe Dân chủ".
1,1 triệu
Kế hoạch mới của ông Trump về chính sách nhập cư sẽ giữ chỉ tiêu "đậu" nhập cư vào Mỹ ở mốc 1,1 triệu người mỗi năm. Tuy vậy, diện nhập cư đoàn tụ người thân sẽ chỉ chiếm 1/3 trong số này.
Khôi Đặng (24 tuổi, cùng gia đình đến bang Minnesota sinh sống từ năm 2013 và đã có thẻ xanh):
Tôi ủng hộ ý định này của ông Trump. Tôi cho rằng ông ấy chỉ đơn giản đang thực hiện lời hứa của mình, là khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại - ‘Make America Great Again’. Nhiều người Việt qua đây sống bằng lương cơ bản, rồi làm thêm hai ba công việc khác, chỉ biết nhận lợi ích về mình.
Một số khác thì làm chui, sống chui. Những người này đang chiếm công việc của người lao động Mỹ. Đối với những người phản đối chính sách này, tôi nghĩ họ đang sợ ảnh hưởng đến bản thân.
Đức Đỗ (24 tuổi, trợ lý phó chủ tịch Hãng tài chính State Street Corp, làm việc tại bang Massachusette):
Tôi không có ý định nhập cư, vì được công ty thăng chức và ký giấy bảo lãnh nên không bị trục xuất. Bản đề xuất này có mặt tốt và mặt xấu. Đối với Mỹ, đây là cách họ giữ được nhân tài. Nhưng đối với những người nhập cư ở đây, họ có thể phải chia cách với người thân. Về cá nhân, tôi cảm thấy đề xuất này đi ngược hoàn toàn với những gì ông Trump từng làm.
Trước đây, ông đã trục xuất người nhập cư, bất chấp đó có phải người có trình độ hay đang làm cho công ty lớn hay không. Tại công ty tôi không có trường hợp nào bị trục xuất thời gian đó, nhưng tôi quen nhiều người ở EY hay PwC và nhiều ngân hàng lớn từng lâm vào hoàn cảnh này. Những trường hợp bị trục xuất có cả visa làm việc và nhập cư.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận