15/09/2021 11:53 GMT+7

Giới làm phim phản ứng phát ngôn 'Người phán xử' làm gia tăng tội phạm xã hội đen

MI LY
MI LY

TTO - Đạo diễn Charlie Nguyễn, Trịnh Đình Lê Minh, Marcus Mạnh Cường Vũ... không đồng tình với phát biểu: 'Sau khi chiếu Người phán xử, tình hình các băng ổ nhóm tội phạm xã hội đen xảy ra rất nhiều'.

Giới làm phim phản ứng phát ngôn Người phán xử làm gia tăng tội phạm xã hội đen - Ảnh 1.

Hình ảnh phim "Người phán xử" - Ảnh: VTV

Hôm 14-9, tại cuộc họp góp ý cho dự thảo Luật điện ảnh (sửa đổi), phát ngôn về phim Người phán xử của thiếu tướng Lê Tấn Tới - chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội - gây chú ý trên mạng xã hội.

Ông Tới phát biểu: "Điều 11, về nội dung và hành vi nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh. Hiện một số bộ phim có tình tiết cổ xúy cho hành vi vi phạm pháp luật, ví dụ phạm tội nhưng ko bị xử lý, lối sống ích kỷ, một số phim phản ánh quá chân thực, quá chi tiết về sự tự diễn biến, tự chuyển hóa, vô hình trung làm cho người xem nhận thức sai và bắt chước làm theo.

Điển hình, mới đây, VTV1 chiếu Người phán xử, sau khi chiếu bộ phim đó thì tình hình các băng ổ nhóm tội phạm xã hội đen xảy ra rất nhiều.

Chúng ta đất nước quản lý xã hội bằng pháp luật, nhưng luật không giải quyết được, mà đưa cho ông trùm làm người phán xử, kể cả phán xử cả lực lượng công an. Phán xử tất cả mà đưa vào đó chiếu trên giờ vàng thì ai chịu trách nhiệm về vấn đề này".

Trailer phim Người phán xử

Cần chứng minh...

Nói với Tuổi Trẻ Online, đạo diễn Charlie Nguyễn - người từng có bộ phim Bụi đời Chợ Lớn bị cấm phát hành - đặt câu hỏi: "Chẳng lẽ khi tội phạm bị bắt, ai cũng nói vì họ coi phim Người phán xử?".

Giới làm phim phản ứng phát ngôn Người phán xử làm gia tăng tội phạm xã hội đen - Ảnh 3.

Đạo diễn Charlie Nguyễn và một số nhân vật trong giới làm phim phản ứng trước phát ngôn về "Người phán xử" - Ảnh: FACEBOOK CHARLIE NGUYỄN

Đạo diễn Marcus Mạnh Cường Vũ chỉ ra 2 điểm bất hợp lý trong phát biểu về Người phán xử: Thứ nhất, cần chứng minh chiếu phim Người phán xử gây nên hậu quả tăng tội phạm; thứ hai là tìm ra ai chịu trách nhiệm về vấn đề tội phạm tăng lên?

Về ý một, điều này không thể chứng minh được. Dù có thống kê về tỉ lệ tội phạm trong thời gian trước, trong và sau khi chiếu Người phán xử, thì cũng không có căn cứ chỉ ra nguyên nhân là do bộ phim.

Câu hỏi thứ hai cũng xác đáng, khi trách nhiệm để tội phạm gia tăng trong xã hội không thể đổ lên đầu một bộ phim truyền hình.

Để tô đậm sự bất hợp lý trong câu nói của thiếu tướng Lê Tấn Tới về Người phán xử, nhiều người đưa ra ví dụ châm biếm tương tự về các dòng phim khác.

Trên Facebook cá nhân, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh ví von phải chăng sau loạt phim Avengers của Marvel thì số lượng siêu anh hùng, người ngoài hành tinh tăng mạnh ở nước Mỹ. Một khán giả đùa nếu muốn gia tăng dân số thì tăng cường chiếu các phim về sinh đẻ.

Khán giả có quyền xem và bất bình trước tội ác

Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh - người từng làm phim Bằng chứng vô hình về tội phạm bắt cóc, giết người - nói với Tuổi Trẻ Online: "Tôi nghĩ nếu nói về Người phán xử như vậy thì báo chí cũng không thể phản ánh các vụ án vì có thể làm tình hình tội phạm gia tăng.

Điện ảnh giao nhiều điểm với cuộc sống. Ở một xã hội dân trí phát triển, người xem xem phim không chỉ để giải trí, mà còn cảm thấy đồng cảm, chia sẻ với những nỗi đau, sự bất lực, vẻ đẹp và xúc cảm... Người xem cũng có thể bất bình với những tiêu cực, nhận thức và hiểu về nó.

Một nền điện ảnh chỉ phát triển khi các đề tài được phản ánh đa dạng, không né tránh, không sợ hãi. Ở đó, người làm phim và người xem phim có sự đối thoại để thực sự chia sẻ, tôn trọng, hiểu về thế giới xung quanh và cũng là hiểu về chính mình".

Giới làm phim phản ứng phát ngôn Người phán xử làm gia tăng tội phạm xã hội đen - Ảnh 4.

Hình ảnh trong phim điện ảnh "Bằng chứng vô hình" - Ảnh: CJ

Nhiều nhà làm phim nhấn mạnh sứ mệnh "phản ánh hiện thực" của phim ảnh. Và tội ác trong xã hội cũng là một phần quan trọng của hiện thực cần phản ánh.

Không chỉ giới làm phim, rất nhiều khán giả trên mạng xã hội cũng phản đối phát ngôn về phim Người phán xử và tội phạm xã hội đen, cho là không có căn cứ.

Sau Người phán xử, VTV chiếu phim Sinh tử về đề tài tham nhũng gây tiếng vang. Nhiều khán giả chất vấn:

"Cũng nói như vậy thì nên nói sau khi Sinh tử chiếu, tình hình tham nhũng có dấu hiệu gia tăng vì được cổ xúy hay giảm sút vì sự cảnh tỉnh của phim? Có nói theo hướng nào thì cũng không hợp lý vì chẳng có căn cứ gì".

Giới làm phim phản ứng phát ngôn Người phán xử làm gia tăng tội phạm xã hội đen - Ảnh 5.

Phim "Sinh tử" nói về đề tài tham nhũng - Ảnh: VTV

Xung quanh những tác động của phim tội phạm đến đời sống thực tế, Tuổi Trẻ Online đã cố gắng liên lạc với thiếu tướng Lê Tấn Tới để nghe thêm quan điểm riêng của ông nhưng không liên lạc được. Các đạo diễn của phim Người phán xử cũng từ chối bình luận về câu chuyện này.

Người phán xử là một trong những tác phẩm thành công về chủ đề tội phạm của Việt Nam. Bộ phim truyền hình này phản ánh sắc nét về giới tội phạm, băng đảng và quyền lực của các ông trùm.

Cảnh tra tấn lên phim truyền hình thì được, phim điện ảnh thì không? Cảnh tra tấn lên phim truyền hình thì được, phim điện ảnh thì không?

TTO - Về Luật điện ảnh sửa đổi, giới làm phim tiếp tục góp ý trực diện về các điều cấm mà theo họ là chưa hợp lý, có thể kìm hãm sự sáng tạo, ngăn nhà làm phim phản ánh hiện thực xã hội.

MI LY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp