Khối kilogram tiêu chuẩn - Ảnh: Wikimedia
Theo đài CNN, hơn 100 năm nay, thành phố Paris là nơi chịu trách nhiệm lưu giữ khối Le Grand K hay còn gọi là "khối kilogram tiêu chuẩn".
Giới khoa học định nghĩa kilogram là khối lượng của khối kilogram chuẩn quốc tế, làm từ hợp kim platin-iridi được Văn phòng cân đo quốc tế (BIPM) lưu giữ trong điều kiện tiêu chuẩn của BIPM từ năm 1889.
Khối kilogram tiêu chuẩn là một hình trụ tròn có đường kính 39mm và cao 39mm, được BIMP chế tạo từ 90% platin và 10% iridi.
Nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã tự chế tạo khối kiligram chuẩn này dựa theo tiêu chuẩn của BIMP để thuận tiện cho việc đo lường cho chính nước mình.
Tuy nhiên, định nghĩa này nhiều khả năng sẽ thay đổi tại hội nghị toàn thể về cân đo (BIMP) vào thứ Sáu tuần này.
Theo Phòng thí nghiệm vật lý quốc gia Anh (NPL), dù được bảo quan trong một môi trường khá hoàn hảo nhưng khối kilogram chuẩn vẫn dễ bị tác động bởi các yếu tố môi trường.
Đặc biệt, cứ 40 năm, khối kilogram chuẩn thường được đem ra đối chiếu với các bản sao để so sánh độ chính xác. Các nhà khoa học đã thấy những sự khác biệt giữa các khối kilogram này, dù rất rất nhỏ nhưng theo họ vẫn là sai số có thể gây ra nhiều sai sót lớn về sau.
Ngày càng nhiều quốc gia và tổ chức cho làm khối kilogram chuẩn nên các sai số đó có thể ngày càng lan rộng trên thế giới.
"Sẽ chẳng hề gì nếu bạn cân một gói trà nhưng không thể chấp nhận được nếu áp dụng cho những ngành khoa học phức tạp hơn, chẳng hạn như trong y học", phòng thí nghiệm NPL của Anh cho biết.
Cũng theo NPL, định nghĩa kilogram mới sẽ dựa trên hằng số Planck, vốn là hằng số cơ bản trong vật lý, xuất hiện trong các bài toán vật lý lượng tử.
Theo nhiều chuyên gia, định nghĩa mới này sẽ là bước tiến lớn cho giới đo lường và cộng đồng khoa học nói chung vì sử dụng những hằng số tự nhiên để tính toán khối lượng kilogram sẽ cho ra được con số ở độ chính xác cao nhất.
"Chúng ta sẽ xây dựng một nền tảng vững chắc cho khoa học", một nhà khoa học của NPL nhận xét về sự thay đổi này.
Nếu được thông qua, định nghĩa mới này sẽ chính thức có hiệu lực vào Ngày đo lường quốc tế vào năm 2019.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận