Các chuyên gia tin rằng các giọt siêu nhỏ bắn ra từ đường hô hấp có thể lơ lửng lâu trong không khí và đi xa hàng chục mét - Ảnh: SCMP
Virus SARS-CoV-2 có lây qua không khí (các hạt sol khí...) hay không là vấn đề gây tranh cãi dữ dội khi đại dịch bùng phát từ Trung Quốc cách đây 6 tháng.
Theo báo South China Morning Post, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC) vẫn giữ quan điểm chỉ cần đề phòng 2 đường lây chính: Hít phải dịch hô hấp từ người bệnh ở khoảng cách gần, hoặc chạm tay vào bề mặt dính virus rồi đưa lên mắt, mũi, miệng...
Cách giải thích đó đang bị một nhóm chuyên gia quốc tế hơn 200 người chỉ trích là đánh giá thấp nguy cơ. Họ tin rằng còn một đường lây thứ 3 đóng vai trò không kém quan trọng: không khí.
"Chúng tôi tin chắc 100% về kết luận này", bà Lidia Morawska, giáo sư Đại học Queensland (Úc) - đại diện cho 239 nhà khoa học đến từ 32 quốc gia, khẳng định.
Nhóm của giáo sư Morawska giải thích rằng nhiều nghiên cứu đã chứng minh được các hạt sol khí - phiên bản hiển vi của các hạt dịch lỏng đường hô hấp - có thể lơ lửng lâu trong không khí và bay xa hàng chục mét.
Như vậy, những căn phòng thông khí kém, xe buýt, không gian nhỏ hẹp... là môi trường rất dễ lây lan COVID-19, thậm chí khi mọi người giữ khoảng cách vài mét với nhau theo khuyến cáo.
Các chuyên gia nhận định lây qua không khí là cách giải thích duy nhất cho một số trường hợp "siêu lây nhiễm" COVID-19 được ghi nhận trên thế giới, bao gồm một ổ dịch trong nhà hàng ở Trung Quốc, hoặc một ban nhạc ở Washington dù đã giữ khoảng cách nhưng vẫn dính virus.
Đeo khẩu trang phòng COVID-19 tưởng chuyện đơn giản nhưng đã gây tốn kém không ít giấy mực và tranh cãi - Ảnh: REUTERS
Nhóm khoa học 239 người đã gửi một thư mở đến WHO, lên án tổ chức này không đưa ra được cảnh báo phù hợp về nguy cơ. Lá thư sẽ được đăng công khai trên một tạp chí khoa học.
Các quan chức WHO từng thừa nhận virus SARS-CoV-2 có thể lây trong môi trường khí dung (aerosol), nhưng chỉ trong các quy trình y khoa như đặt nội khí quản vốn có thể làm bắn ra nhiều vi hạt, do đó đã không cảnh báo công chúng.
Trả lời báo Los Angeles Times về lá thư chỉ trích nêu trên, bác sĩ Benedetta Allegranzi - chuyên gia truyền nhiễm của WHO, cho rằng nhóm của giáo sư Morawska chỉ trình bày các lý thuyết dựa trên kết quả phòng thí nghiệm, không phải bằng chứng từ thực tế.
"Chúng tôi trân trọng các ý kiến đóng góp. Nhưng một nhóm hơn 30 chuyên gia quốc tế cố vấn cho WHO đã đánh giá rằng không đủ bằng chứng nói lây nhiễm qua không khí đóng vai trò lớn trong dịch COVID-19", bác sĩ Allegranzi nêu ý kiến.
Theo báo South China Morning Post, những hiểu biết về đường lây truyền của COVID-19 đã càng nhiều hơn kể từ đầu dịch, dẫn đến thay đổi trong các khuyến cáo phòng ngừa, chẳng hạn chuyện đeo khẩu trang.
Các nhân viên an ninh mật của Mỹ phải đeo khẩu trang khi làm nhiệm vụ tại Nhà Trắng ngày 4-7 - Ảnh: REUTERS
Ban đầu, WHO và CDC Mỹ từng nói đeo khẩu trang là "làm quá" đối với người thường, nó chỉ nên để dành cho nhân viên y tế.
Sau đó ít lâu CDC đề nghị người có triệu chứng bệnh mang khẩu trang. Rồi đến tháng 4 khi biết người không triệu chứng cũng phát tán virus thì khẩu trang được khuyên dùng khi không thể giữ khoảng cách, WHO cũng nối gót.
Đến bây giờ khi dịch COVID-19 đã bùng lên không kiểm soát nổi trên khắp nước Mỹ, gần như mọi tiểu bang đều yêu cầu hoặc khuyến nghị người dân che mặt khi ra đường, không trừ một ai.
Ông Jose Jimenez - chuyên gia hóa của Đại học Colorado, đồng ký tác giả lá thư chỉ trích WHO, kêu gọi mọi người đừng nên lo sợ ý tưởng virus corona lây qua không khí, đeo khẩu trang đúng cách và tăng cường thông khí sẽ giảm bớt nguy cơ.
"Không phải con virus thay đổi, chúng tôi cho rằng nó đã lây truyền như thế ngay từ đầu. Chỉ cần cảnh giác sẽ giúp bảo vệ bản thân", ông giải thích.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận