Tuy khá hiếm nhưng trẻ em đôi khi vẫn bị biến chứng nặng do COVID-19 - Ảnh: CNN
Cô bé Indiana Evans, 14 tuổi, là một vũ công đầy triển vọng sống ở hạt Hertfordshire, miền nam nước Anh. Trước khi dịch COVID-19 ập đến, Indiana dành ra mỗi tuần 16 tiếng để tập múa ngoài giờ lên lớp.
Indiana ngã bệnh hồi đầu tháng 3 với triệu chứng ho, mẹ cô bé - bà Jane Evans cho biết. Theo đúng hướng dẫn của chính quyền, gia đình giữ con gái ở nhà trong 2 tuần để dưỡng bệnh và phòng lây nhiễm.
Indiana chưa bao giờ nhập viện vì bệnh không nặng đến mức cần chăm sóc đặc biệt. Vậy mà đến giờ, tức nhiều tháng đã trôi qua, cô bé phải chật vật lắm mới đi nổi đoạn đường đến siêu thị.
Giống như nhiều người ngã bệnh trong những tuần đầu đại dịch ở Anh, Indiana không được xét nghiệm virus corona, nhưng bác sĩ chẩn đoán cô bé mắc triệu chứng mệt mỏi hậu COVID-19.
Tương tự gia đình Evans, một số gia đình khác cho biết con cái họ bị các triệu chứng COVID-19 hành hạ nhiều tháng kể từ lúc nhiễm, bao gồm một hoặc nhiều biểu hiện như mệt mỏi, khó thở, tức ngực, tiêu chảy, "ngón chân COVID" (ngón chân chuyển màu tím sậm)...
Hiện tượng bệnh kéo dài đã được ghi nhận ở người lớn, nhưng ảnh hưởng đối với trẻ em vẫn còn nhiều điều chưa biết. Quan trọng là hiện tại các bậc phụ huynh có rất ít thông tin hướng dẫn để giúp những đứa trẻ hồi phục.
Theo bác sĩ Anthony Fauci - cố vấn chống dịch của Chính phủ Mỹ, dù triệu chứng COVID-19 ở trẻ em thường nhẹ hơn người lớn, với ít nguy cơ nhập viện hơn, căn bệnh vẫn có thể gây nguy hiểm trong một vài trường hợp, thậm chí gây tử vong.
Thêm vào đó, các bác sĩ ở nhiều nước như Mỹ, Anh, Ý... nhận thấy một tỉ lệ nhỏ trẻ em nhập viện xuất hiện một biến chứng hiếm gặp gọi là hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C) - cũng là một hậu quả của COVID-19.
Gương mặt sưng húp, mệt mỏi của Indiana Evans sau 2 tháng nhiễm COVID-19 - Ảnh: CNN
Theo Đài CNN, các nhà nghiên cứu cho đến nay chủ yếu tập trung cho một nhóm nhỏ trẻ em nhập viện với hội chứng MIS-C, không nhiều sự chú ý dành cho nhóm trẻ mắc các triệu chứng kéo dài nghi do COVID-19.
Bác sĩ Nathalie MacDermott, làm việc tai Bệnh viện London, cho biết hiện chưa có dữ liệu cụ thể được công bố liên quan đến ảnh hưởng lâu dài của COVID-19 đối với trẻ em, một phần do chưa đủ thời gian và số trẻ em chưa bị ảnh hưởng chưa nhiều.
"Việc trẻ em mắc các biểu hiện giống người lớn như mệt mỏi kéo dài là hoàn toàn có thể. Ở góc độ lâm sàng chúng tôi tiếp xúc chủ yếu những trẻ phải nhập viện, nên rất khó để biết chuyện gì đang xảy ra trong cộng đồng", bác sĩ MacDermott nhận xét.
Trở lại với Indiana, cô bé sẽ sớm bắt đầu các lớp vật lý trị liệu hỗ trợ hô hấp và tăng cường chức năng cơ bắp sau khi các bác sĩ không tìm thấy căn bệnh nào ngoài những triệu chứng đã mô tả, phim X-quang hay xét nghiệm máu đều ổn.
Chỉ có điều gia đình Evans không biết được điều gì chờ đợi cô con gái từng rất năng động và khoẻ mạnh, ngày tựu trường tháng 9 thì sắp đến.
"Theo kinh nghiệm của chúng tôi nó như một sự tiến hóa. Con virus tiến hóa trong cơ thể từ dạng này sang dạng khác hoàn toàn. Anh đang ổn thì bỗng một điều gì khác xảy ra.
Có quá nhiều thứ lạ lẫm, chúng tôi không biết tình trạng của con bé sẽ kéo dài bao lâu, chuyện gì xảy ra nếu nó vận động trở lại...", bà Jane Evans tỏ ra lo lắng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận