10/08/2023 18:56 GMT+7

Giới hạn sinh tồn của con người dưới thời tiết nắng nóng

Một thanh niên khỏe mạnh sẽ tử vong khi phải chịu đựng cái nóng 35 độ C (95 độ F) trong suốt 6 giờ đồng hồ, kết hợp độ ẩm trong không khí lên tới 100%.

Giới hạn sinh tồn của con người dưới thời tiết nắng nóng - Ảnh 1.

Cậu bé giải nhiệt tại đài phun nước trong thời tiết nắng nóng ở Rome, Italy, ngày 17/7/2023. Ảnh: reuters.com

Một thanh niên khỏe mạnh sẽ tử vong khi phải chịu đựng cái nóng 35 độ C (95 độ F) trong suốt 6 giờ đồng hồ, kết hợp độ ẩm trong không khí lên tới 100%. Đây là "ngưỡng" thời tiết mà các nhà khoa học trước đây đã xác định về khả năng sinh tồn của con người, song nghiên cứu mới cho thấy "ngưỡng" này trên thực tế có thể thấp hơn đáng kể.

Theo lý thuyết, giới hạn sinh tồn của con người ở nhiệt độ bầu ướt (wet-bulb temperature) 35 độ C, tức nhiệt độ môi trường ở 35 độ C và độ ẩm không khí lên tới 100% hay nhiệt độ môi trường 46 độ C với độ ẩm không khí là 50%.

Để kiểm tra giới hạn này, các nhà nghiên cứu tại Đại học bang Pennsylvania ở Mỹ đã đo nhiệt độ của những người trẻ, khỏe mạnh bên trong buồng nhiệt. Họ phát hiện ra rằng những người tham gia đã đạt đến "giới hạn môi trường" nguy hiểm, tức cơ thể họ không thể tự hạ nhiệt nhờ tiết mồ hôi ở nhiệt độ bầu ướt 30,6 độ C, tức thấp hơn nhiều so với mức 35 độ C theo lý thuyết đề cập bên trên. Nghiên cứu này ước tính sẽ mất từ 5 đến 7 giờ trước khi cơ thể rơi vào mức nhiệt nguy hiểm. 

Trong cơ thể người, mồ hôi có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hạ nhiệt cơ thể. Khi trời nóng, việc cơ thể người phải tiết mồ hôi liên tục để hạ nhiệt sẽ dễ dàng khiến cơ thể mất nước và sau cùng có thể dẫn say nắng, suy nội tạng và tử vong.

Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học khẳng định không có ngưỡng chung cho tất cả mọi người bởi mỗi người có khả năng chịu đựng khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi, sức khỏe cùng các yếu tố kinh tế - xã hội. 

Điều này đã được chứng minh phần nào qua nghiên cứu về nhiệt độ bầu ướt ở Nam Á của Joy Monteiro, một nhà nghiên cứu ở Ấn Độ, công bố tháng trước. Nghiên cứu này cho thấy hầu hết các đợt nắng nóng chết người trong khu vực có nhiệt độ bầu ướt dưới 35 độ C. 

Trẻ nhỏ và người lớn tuổi là hai nhóm đối tượng dễ tổn thương nhất do nắng nóng. Nguyên nhân là trẻ nhỏ ít có khả năng điều chỉnh nhiệt độ cơ thể, khiến chúng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Còn người lớn tuổi có ít tuyến mồ hôi hơn. Gần 90% số ca tử vong liên quan đến nắng nóng ở châu Âu vào mùa hè năm ngoái là những người trên 65 tuổi.

Trong bối cảnh nhiệt độ toàn cầu ngày càng tăng lên, điển hình tháng 7 trở thành tháng nóng nhất trong lịch sử thế giới kể từ khi các dữ liệu thời tiết được ghi chép, các nhà khoa học cảnh báo rằng tình trạng nhiệt độ bầu ướt nguy hiểm sẽ trở nên phổ biến hơn.

Ông Colin Raymond thuộc Phòng thí nghiệm sức đẩy phản lực của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), người từng chủ nhiệm 1 công trình nghiên cứu về chủ đề này, cho biết tần suất của trạng thái thời tiết như vậy đã tăng ít nhất gấp đôi trong vòng 40 năm qua. Ông cho rằng sự gia tăng này là hậu quả nghiêm trọng của tình trạng biến đổi khí hậu do con người gây ra.

Nghiên cứu của Raymond dự đoán rằng nhiệt độ bầu ướt sẽ "thường xuyên vượt quá" 35 độ C tại một số điểm trên thế giới trong những thập kỷ tới nếu Trái Đất nóng thêm 2,5 độ C so với mức nhiệt thời tiền công nghiệp./.



Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp