24/04/2023 09:08 GMT+7

'Giỏi, chăm, ngoan' vẫn rất cần thiết

Những từ "giỏi, chăm, ngoan" khá quen thuộc trong các cuốn học bạ của học sinh ưu tú ở trường phổ thông nhiều chục năm qua. Là một người đang quản lý ở trường phổ thông liên cấp, tôi vẫn mong các học sinh của mình đạt được những điều này.

Hoạt động dạy và học trong nhà trường ngày nay thay đổi nhiều nên “giỏi, chăm, ngoan” cũng cần phải được định nghĩa lại. Trong ảnh: học sinh một trường THPT ở TP.HCM diễn tiểu phẩm Tấm Cám trong buổi ngoại khóa môn văn học - Ảnh: NHƯ HÙNG

Hoạt động dạy và học trong nhà trường ngày nay thay đổi nhiều nên “giỏi, chăm, ngoan” cũng cần phải được định nghĩa lại. Trong ảnh: học sinh một trường THPT ở TP.HCM diễn tiểu phẩm Tấm Cám trong buổi ngoại khóa môn văn học - Ảnh: NHƯ HÙNG

Thuật ngữ có thể dùng như nhau từ xưa đến nay, nhưng nội hàm các từ này cần mở rộng cho phù hợp với trường học và xã hội hiện tại.

Đánh giá dựa trên kiến thức, kỹ năng, thái độ

"Giỏi" là từ chỉ năng lực của một cá nhân. Một học sinh giỏi trong trường học được thể hiện qua kết quả học thuật tốt ở hầu hết các môn học và hoạt động giáo dục. Để đạt được xếp loại "giỏi" thực chất không dễ dàng mà đòi hỏi ngoài hoạt động não bộ bình thường, học sinh phải nghiêm túc đầu tư thời gian, công sức vào các hoạt động học tập, hoàn thành các nhiệm vụ học thuật của chương trình giáo dục.

Cũng cần nhấn mạnh rằng hiện nay, việc đánh giá học tập ở trường phổ thông đã thay đổi rất nhiều. Học sinh được đánh giá bằng nhiều cách thức khác nhau như: thuyết trình, dự án, bài thực hành, bài thi giấy... Do đó, điểm số tốt cũng phản ánh không chỉ kiến thức mà cả kỹ năng làm việc, kỹ năng và thái độ học tập của học sinh. 

Ví dụ học sinh làm dự án nhóm về thiết kế mô hình nhà thông minh, để đạt được kết quả đánh giá cao, học sinh phải học cách hợp tác, lập kế hoạch, phân chia công việc, giao tiếp, tìm kiếm sự giúp đỡ của chuyên gia, thiết kế, trình bày các ý tưởng... Do đó, sự "giỏi" của các em cũng rất xứng đáng được vinh danh.

"Chăm" tức là chăm chỉ, một từ chỉ phẩm chất của cá nhân nhưng cũng chứa đựng cả năng lực (nghĩa hẹp) trong đó. Học sinh chăm chỉ tức là luôn nỗ lực hết sức để hoàn thành công việc được giao, kiên trì vượt qua các rào cản, thử thách. 

Nói khác hơn, học sinh chăm chỉ có năng lực vượt khó. Một học sinh không được đánh giá là thông minh, nhanh nhạy, mà chăm chỉ thì cũng có thể đạt kết quả học tập khá tốt. Sự chăm chỉ của học sinh kết hợp với sự hướng dẫn học tập đúng cách của giáo viên sẽ giúp học sinh tiến bộ không ngừng.

Tranh cãi chữ "ngoan"

"Ngoan" được hiểu là "ngoan ngoãn" tức chỉ những học sinh dễ dạy bảo, tuân thủ các chuẩn mực, hiền lành. Từ này gây tranh cãi trong các nhà giáo dục lẫn phụ huynh trong những năm gần đây vì cho rằng học sinh "ngoan" sẽ mất đi năng lực phản biện, có khuynh hướng phụ thuộc người khác.

Thực tế trong trường học, khi giáo viên phê "ngoan" thường chỉ những học sinh tuân thủ nội quy nhà trường, biết cách cư xử đúng mực với thầy cô, bạn bè. Học sinh ngoan thường biết lắng nghe góp ý của người lớn để sửa lỗi, thậm chí có thể tự suy ngẫm và điều chỉnh hành vi. Đây cũng là mong muốn chính đáng của giáo viên lẫn phụ huynh.

Một thành viên trong bất cứ cộng đồng nào thì tối thiểu phải biết tuân thủ các quy định được ban hành từ trước và cư xử trong sự dung hòa nhu cầu của các thành viên khác. 

Cứ nhìn vào thực tiễn mỗi ngày ở trường học, ban giám hiệu, giáo viên phải miệt mài xử lý và uốn nắn những hành vi không phù hợp nho nhỏ của học sinh như: không mặc đồng phục, đi học trễ giờ, trốn tiết, trèo rào... đến những hành vi nghiêm trọng như: đánh nhau, xúc phạm nhau trên mạng, hút thuốc lá điện tử, dùng chất cấm... mới hiểu "học sinh ngoan" là điều trường học cần tới mức nào.

Trong một bối cảnh xã hội đang biến đổi hằng ngày, tri thức mới xuất hiện nhanh chóng, các giá trị cũng được thảo luận mở rộng hoặc định nghĩa lại cho phù hợp. Chúng ta vẫn cần những học sinh giỏi học thuật, giỏi kỹ năng làm việc, chăm chỉ và bền bỉ trong mọi hoạt động, biết lắng nghe và tuân thủ các chỉ dẫn đúng đắn của người lớn. Nói khác hơn, "giỏi, chăm, ngoan" vẫn là điều rất cần thiết ở học sinh.

Thắc mắc không phải là không ngoan

"Ngoan" không đồng nghĩa với việc cá nhân không được phép nêu ý kiến riêng để thay đổi các quy định mà phải nêu theo cách thức phù hợp. Các phụ huynh và giáo viên hiện nay cũng đã cởi mở hơn nhiều so với trước đây trong việc tiếp thu ý kiến của trẻ. Trẻ được quyền thắc mắc, được quyền phản đối các yêu cầu khi không được giải thích hợp lý và thuyết phục từ người lớn. Vì vậy, học sinh "ngoan" hiện nay không phải là điều đáng lo ngại.

Không nên "đóng khung"

Học sinh Trường THPT Bình Phú, Q.6, TP.HCM, tặng hoa chúc mừng cô giáo nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam - Ảnh: ANH KHÔI

Học sinh Trường THPT Bình Phú, Q.6, TP.HCM, tặng hoa chúc mừng cô giáo nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam - Ảnh: ANH KHÔI

Giỏi, chăm, ngoan là những tính chất tốt của học sinh. Tuy nhiên, cần một định nghĩa mở rộng các khái niệm của những tính chất này để không đóng khung đánh giá học sinh.

Theo đó, "giỏi" có nghĩa là học/thực hành đều các môn khoa học cơ bản và có các kỹ năng sống tốt (như có năng khiếu âm nhạc, bơi lội hoặc một môn văn thể mỹ nào đó); sử dụng thành thạo ít nhất một ngoại ngữ...

"Chăm" là sự chuyên cần không chỉ trong học tập mà còn các công tác/sự kiện của Đoàn, hội, nhà trường, có đóng góp cho sự phát triển của tập thể.

"Ngoan" là không vi phạm đạo đức cũng như pháp luật. Ngoan không có nghĩa là nói gì nghe nấy, thụ động mà là có chính kiến và trình bày chính kiến hợp lý, phản biện và lắng nghe phản biện...

Thực ra, giỏi, chăm, ngoan là tiêu chí của một học sinh tốt, chúng ta không nên gắn liền điều này với sự thành công trong tương lai của người ấy. Bởi vì, thành công của một người cần nhiều yếu tố khác nữa, nó có thể tỉ lệ thuận với một học sinh đã từng đạt các tiêu chí đánh giá tốt ở phổ thông, cũng có thể không.

Vấn đề đánh giá học sinh là để giúp tuyên dương, khuyến khích cả những em đã có tố chất, nỗ lực, đồng thời động viên những em chưa đạt các tiêu chí đó phấn đấu hơn trong học tập, rèn luyện. Sự đánh giá ấy mang tính thời điểm của một cá nhân.

Có những học sinh học phổ thông rất tốt, rất ngoan nhưng lên đại học lại không tiếp tục sự cố gắng hoặc gặp sự cố đã buông lỏng bản thân, trở thành sinh viên không hoàn thành các tiêu chí đánh giá của cấp học ấy. Thậm chí, có những sinh viên khá giỏi nhưng ra thực tế công việc lại thiếu sáng tạo cũng không thành công.

Do vậy, việc thành công, hay tương lai của các em đương nhiên phải là sự nỗ lực không ngừng, xây dựng trên nền tảng học tập, rèn luyện, lựa chọn hướng đi đúng đắn từ nhỏ.

Có một sai lầm của đa số phụ huynh ở ta đó là chỉ nghĩ những học sinh học tốt các môn tự nhiên mới... giỏi. Còn các em khác, chẳng hạn học tốt các môn xã hội thì chỉ được đánh giá "nhờ siêng học bài".

Thực tế, mỗi người có sự phát triển khác nhau ở những lĩnh vực riêng, được quy định ở những vùng não của người ấy. Từ đó, nếu nhận diện đúng khả năng riêng của mình, người đó rèn luyện, tích lũy để nó trở thành kỹ năng, có chuyên môn sâu thì sẽ thành công trong công việc tương ứng về sau.

Trong các sự phát triển năng lực thì thể thao, nghệ thuật... cũng là những dạng thông minh - năng lực mà nhiều người chỉ xem đó là "năng khiếu" hay "tài lẻ" nên thường không đưa vào đánh giá, rèn luyện ngay từ sớm. Nhiều học sinh có những năng lực này nhưng không học giỏi các môn tự nhiên hay xã hội thường bị "vùi dập" khi ngồi trên ghế phổ thông, nhưng có khi tương lai lại thành công trong những "tài lẻ" của mình.

Tóm lại, giỏi, chăm, ngoan vẫn nên giữ trong đánh giá tính chất tốt của học sinh, nhưng không nên chỉ khu biệt trong một vài môn học, hay chỉ học mà không tham gia các hoạt động cộng đồng cùng những rèn luyện khác trong "đối nhân xử thế".

Ngoài yếu tố trên, cũng cần thêm tiêu chí trường học hạnh phúc, trong đó giáo viên và học sinh cũng phải có niềm vui trong vai trò của mình. Đừng chạy theo thành tích mà đánh rơi điều quan trọng của mỗi người là hạnh phúc.

ThS LÊ TRƯỜNG AN (giảng viên Trường ĐH Mở TP.HCM, nghiên cứu sinh tại Đại học Kỹ thuật Suranaree - Thái Lan)

Tranh cãi chuyện "giỏi, chăm, ngoan" ngày nayTranh cãi chuyện 'giỏi, chăm, ngoan' ngày nay

Từ phát biểu của TS Nguyễn Minh, hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM), nhiều nhà giáo và phụ huynh đề nghị phải định nghĩa lại khái niệm 'học sinh giỏi, chăm, ngoan'.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp