Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, giải pháp này rất khó thực thi và hiệu quả giảm ùn tắc giao thông cũng không cao.
Phóng to |
Kẹt xe trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, TP.HCM (ảnh chụp đầu tháng 9-2011) - Ảnh: Thuận Thắng |
Giải pháp mà bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và UBND TP Hà Nội đề xuất là không mới, có một thời được dư luận xã hội rất quan tâm, nhưng rồi mọi chuyện vẫn như cũ.
Rất phức tạp
Theo PGS.TS Nguyễn Quang Toản - nguyên chủ nhiệm bộ môn đường bộ (ĐH GTVT), bố trí giờ làm việc, giờ đi học lệch nhau chỉ có ý nghĩa với những năm trước đây vì lúc đó mật độ giao thông giờ cao điểm và giờ bình thường chênh lệch nhau nhiều. “Nhưng bây giờ quan sát trên đường Hà Nội, giờ bình thường nhiều lúc cũng đạt tới 80% lượng xe cộ của giờ cao điểm. Do đó, có đẩy một lượng người tham gia giao thông từ giờ cao điểm sang giờ bình thường thì tình trạng giao thông cũng không thay đổi được bao nhiêu” - ông Toản nhận định.
Giảm đáng kể ùn ứ tại cổng trường Ông Trần Khắc Huy - trưởng phòng công tác chính trị học sinh sinh viên, Sở Giáo dục - đào tạo TP.HCM - cho biết Sở Giáo dục - đào tạo áp dụng lệch giờ học từ năm năm nay. Giờ học giữa các cấp chênh lệch từ 15-30 phút. Cụ thể, vào học lúc 7g sáng áp dụng với cấp tiểu học và cấp THPT, vào học lúc 7g15 áp dụng với cấp THCS và vào học 7g30 với cấp mầm non. Giờ ra về buổi chiều giữa các cấp có sự chênh lệch lớn hơn, có thể tới 90 phút. Trong cùng một trường, các khối lớp cũng có giờ vào lớp và giờ tan học lệch nhau. “Sau nhiều năm thực hiện, chúng tôi khẳng định biện pháp này hiệu quả, giảm đáng kể tình trạng ùn ứ tại các cổng trường. Việc tập trung đông người trước các cổng trường chỉ còn xảy ra trong rất ít phút, không gây kẹt xe như trước” - ông Huy cho biết. |
Năm 2003, Hà Nội đã điều chỉnh giờ làm việc của các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp trung ương làm việc bắt đầu từ 7g30, kết thúc lúc 16g30; cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp địa phương bắt đầu từ 8g, kết thúc lúc 17g.
Ông Toản nói thời điểm đó việc bố trí lệch giờ có giảm được mật độ giao thông do lưu lượng phương tiện và nhu cầu đi lại ít hơn hiện nay. Đến nay thực tế có nhiều trường đại học cũng bắt đầu học từ 6g30-7g, sớm hơn giờ làm của các cơ quan hành chính nhưng mật độ vẫn đông do nhu cầu đi lại tăng.
“Số người làm việc theo giờ giấc cố định ở đô thị không nhiều và cũng có nhiều người chủ động đi sớm về muộn để tránh tắc đường nên mật độ giao thông luôn cao” - ông Toản lo ngại.
TS Nguyễn Quang Báu - viện trưởng Viện Nghiên cứu môi trường và phát triển giao thông bền vững - cho biết về lý thuyết đơn thuần của giao thông, việc giãn cách mật độ có thể làm được nhưng với xã hội sẽ nảy sinh nhiều vấn đề bất cập.
“Thực hiện lệch giờ theo từng cơ quan, trường học là cực kỳ phức tạp. Sẽ có người bảo con 17g tan học, mẹ 18g tan sở thì ai đón con? Rồi nhiều gia đình lâm vào tình trạng đến buổi tối con về nhà chờ mẹ, mẹ về chờ bố... thành ra người ăn trước ăn sau, đĩa rau chia ba, đĩa thịt chia bốn, không còn là bữa cơm gia đình nữa. Hiện nay người có ôtô cá nhân, sáng ra cả nhà đi một xe kết hợp đưa con đi học, đưa vợ đi làm, chiều lại đón về, nếu giãn giờ thì chạy lòng vòng chờ nhau”.
Phải có giải pháp tổng thể
Theo TS Khuất Việt Hùng - trưởng bộ môn quy hoạch và quản lý GTVT (ĐH GTVT), việc bố trí lệch giờ có thể giảm một chút ùn tắc nhưng không có mô hình tính toán thì không biết được sẽ giảm bao nhiêu.
TS Hùng cho rằng cần nghiên cứu một người trong đô thị một ngày có bao nhiêu chuyến đi. Và trong chuỗi chuyến đi này có điểm xuất phát ở đâu, loại phương tiện nào, bị tắc ở điểm nào. Nếu 9g cơ quan nhà nước mới làm việc, có người vẫn phải đưa con đi học từ 8g, rồi đi lòng vòng chờ đến giờ tới cơ quan làm việc, liệu điều này có làm giảm ùn tắc không?
Với giả thiết xe buýt sẽ rộng rãi hơn khi bố trí đi làm lệch giờ, sẽ thu hút người dân hơn, PGS.TS Nguyễn Quang Toản cũng không hi vọng: “Xe buýt hiện nay 80% người đi là học sinh sinh viên. Vì thế có đẩy lệch giờ thì cũng không bớt được nhiều, chỉ khác là không lèn chặt như giờ cao điểm. Nên nhớ giờ bình thường xe buýt Hà Nội vẫn đông”.
Về các giải pháp ngắn hạn, ông Toản nói không nên trông cậy vào bất cứ giải pháp nào để có thể đặc trị được ùn tắc giao thông mà phải có giải pháp tổng thể. Mỗi giải pháp tức thời hiện nay giải quyết được một chút, có thể cải thiện được phần nào, còn cải thiện hết là không thể.
TS Nguyễn Quang Báu lại nói: “Mục tiêu đầu tiên là giảm mật độ dân cư bằng cách đưa các trường đại học ra khỏi nội ô rồi đến bệnh viện, nhà máy. Đồng thời cấm xe xích lô du lịch, taxi, xe tải “cóc” chạy vào các tuyến phố nhỏ. Xe cá nhân hạn chế bằng cách đánh thuế, phí đậu xe để giảm hoạt động. Nếu cấm toàn bộ phương tiện trên một tuyến đường trong thời gian cao điểm cho xe buýt chạy vẫn không giải quyết được vấn đề”.
Cần kết hợp những biện pháp khác Theo ông Nguyễn Tất Năm - trưởng phòng pháp chế của Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM - đơn vị có nhiệm vụ đề xuất lệch giờ học - giờ làm từ năm 2003, sở đã hai lần đề xuất phương án này (năm 2003 và 2007) nhưng vẫn không được thông qua. Trước tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng, sở có công văn gửi Sở GD-ĐT TP.HCM, Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất và UBND các quận nội thành xem xét thực hiện việc bố trí lệch giờ làm, giờ học. Gần đây sở có nhận được một số báo cáo của các đơn vị nêu trên. Theo báo cáo từ Ban quản lý các khu công nghiệp và khu chế xuất, tình hình thực tế chưa cần thiết đến việc bố trí lệch giờ làm. Nhiều công ty, xí nghiệp có đặc thù bố trí giờ làm theo ca kíp riêng và phân bổ công nhân khá đồng đều, giờ giấc tăng ca, ra về cũng lệch nhau. Vì thế chưa xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng. “Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục kết hợp với ngành giáo dục tìm hiểu lại, bố trí lệch giờ học sao cho khoa học và phù hợp thực tế hơn. Riêng đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp nhà nước cần chấp nhận điều chỉnh giờ làm để giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông” - ông Năm nói. Ông Năm nhấn mạnh: một trong những giải pháp quan trọng để thực hiệc thành công giải pháp giờ học, giờ làm lệch ca là UBND các quận áp dụng việc bố trí giờ giấc sao cho linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Đồng thời cần làm tốt công tác thông tin tuyên truyền phổ biến cho người dân biết cơ quan hành chính làm việc lệch giờ như thế nào. Ngoài ra, cần xem xét phương án di dời các trường đại học, cao đẳng ra ngoại thành để giảm số lượng người tham gia giao thông vào giờ cao điểm tại khu vực nội thành. “Nếu kết hợp với những biện pháp khác như nâng cấp cơ sở hạ tầng, đường sá, xóa sổ nhiều công trình xây dựng đang chiếm lòng đường, tôi tin việc bố trí lệch giờ làm, giờ học một cách linh hoạt sẽ góp phần tháo gỡ vấn nạn ùn tắc giao thông tại TP.HCM” - ông Năm khẳng định. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận