Phóng to |
Đồng đội xem di ảnh liệt sĩ Trương Văn Thịnh - Ảnh: HUỲNH HIẾU |
Từ nhiều năm nay, cứ đến ngày 25 tháng giêng, ngôi nhà nhỏ lọt thỏm giữa vườn cây ở xóm Chùa, khu phố Ninh Tịnh 1, P.9, TP Tuy Hòa (Phú Yên) của anh Trương Văn Cảnh, anh ruột liệt sĩ Trương Văn Thịnh hi sinh ở Gạc Ma, lại có đông đảo cựu binh Trường Sa về giỗ em mình.
“Chúng tôi gặp nhau để luôn nhớ bạn mình đã ngã xuống ngoài khơi xa mà thân xác vẫn còn ở đó chưa về được và an ủi phần nào những người thân của bạn mình”, anh Nguyễn Văn Dũng đến từ Nha Trang (Khánh Hòa) tâm sự sáng 6-3.
Trong ngôi nhà, di ảnh của trung úy Trương Văn Thịnh với đôi mắt rất sáng như đang nhìn rõ từng đồng đội từ khắp nơi ở Phú Yên và Khánh Hòa về thăm mình.
“Bức ảnh này Thịnh chụp trong dịp về phép ăn tết năm 1988, sau đó trở lại đơn vị và ra đảo. Chỉ hơn hai tuần sau gia đình tôi bất ngờ nghe tin quân mình đụng độ với Trung Quốc ở Trường Sa và tên em mình trong danh sách các chiến sĩ mất tích qua đài phát thanh. Ba tôi khi đó vẫn hi vọng Thịnh chỉ mất tích tạm thời và sẽ trở về. Ông chờ em tôi trở về như thế đến cả năm sau, đến cả khi anh em đồng ngũ của Thịnh tìm đến nhà xin thắp hương tưởng nhớ ông vẫn không chấp nhận nên anh em chuyển sang nhà tôi để lập bàn thờ. Rồi từ đó, tính ngày âm trước ngày Thịnh hi sinh, anh em lại về đây cùng gia đình giỗ Thịnh”- anh Cảnh nhớ lại.
Trên mâm cỗ cúng anh Thịnh có những món quà bánh mà anh em cựu binh mang đến. Lần lượt anh em cựu binh người thắp nén nhang, người đốt điếu thuốc cắm lên lư hương. “Hồi trước chỉ có một vài anh em về dự giỗ, nhưng từ bảy năm nay (từ 2006), khi ban liên lạc được thành lập, chúng tôi thấy có trách nhiệm cùng gia đình giỗ các đồng đội đã hi sinh. Của ít lòng nhiều anh em cùng tụ về đây để ngày này không khí gia đình luôn ấm áp”- anh Đào Tấn Thi, trưởng ban liên lạc cựu binh Trường Sa ở Phú Yên, kể.
Bà Nguyễn Thị Đảo (84 tuổi), mẹ anh Thịnh, ở nhà gần đó với người con trai út, bệnh đủ chứng chỉ nằm ngồi trên giường, đi lại trong nhà phải có con cháu dìu nhưng cứ bảo cho sang bên đám giỗ để “coi mấy anh em nó về giỗ thằng Thịnh”. “Tội nghiệp, trước khi đi bộ đội, nó ở nhà làm nghề hớt tóc, bà con trong xóm ai cũng thương vì tính tình hiền khô. Nó mất, anh em đồng đội dành cho nó, cho gia đình cái tình như vậy là nặng lắm. Thấy anh em về thăm đông vậy là bác rất ấm lòng” - mẹ Đảo bồi hồi.
Anh Đào Tấn Thi cho biết ở Phú Yên có hai liệt sĩ là Thịnh và anh Phan Tấn Dư ở Hòa Phong (huyện Tây Hòa). “Ban liên lạc chúng tôi cùng gia đình tổ chức cho anh em có điều kiện họp mặt cả hai ngày giỗ và mời hai gia đình họp mặt với anh em vào đúng ngày tưởng niệm do ban liên lạc tổ chức vào 14-3 hằng năm” - anh Thi nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận