20/08/2013 12:27 GMT+7

Giết người sao quá dễ dàng!

CHI MAI ghi
CHI MAI ghi

TT - Hàng loạt vụ án mạng xảy ra trên đường phố mà nguyên nhân chỉ là va chạm xe hoặc mâu thuẫn nhỏ. Vì sao người ta sẵn sàng giết nhau đến thế?

Chúng tôi ghi nhận ý kiến của một số chuyên gia về vấn đề này.

FVb0WvtP.jpgPhóng to
Nguyễn Minh Thông nói tại cơ quan công an: “Lúc đó do tôi nóng nảy nên đã gây ra án mạng, mong gia đình của nạn nhân thông cảm và tha thứ” - Ảnh: Đức Thanh

* Thẩm phán Nguyễn Đức Sáu (chánh tòa hình sự TAND TP.HCM):

Phải khẩn trương tìm cách giải quyết

Những kiểu hành xử côn đồ, sử dụng bạo lực để tấn công, gây thương tích, thậm chí tước đoạt mạng sống của người khác chỉ vì bực tức trước thái độ của người khác đối với mình gần đây diễn ra nhiều. Có nhiều vụ án người ta sẵn sàng tước đi mạng sống của người khác chỉ vì một lý do rất không đâu vào đâu. Tòa án đã quyết định những bản án nghiêm khắc cho các đối tượng vi phạm này nhưng có vẻ trong suy nghĩ của nhiều người hiện nay, nhất là lớp trẻ, luôn coi trọng chuyện ăn thua đủ, trả thù người khác bất chấp sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật.

Đây là một hiện tượng xã hội đáng lo ngại mà các cơ quan chức năng cần khẩn trương, phối hợp với nhau để tìm cách giải quyết, không thể chần chừ thêm nữa.

* Tiến sĩ Lê Nguyên Thanh (trưởng bộ môn tội phạm học, khoa hình sự Trường đại học Luật TP.HCM):

Do quá đề cao cái tôi

Trong xã hội hiện nay, có vẻ như cái tôi được đề cao quá mức. Trong nhiều gia đình có khi cha mẹ còn không thể đụng đến, la mắng con cái mình. Vì nhiều lý do, thầy cô thời nay cũng không giáo dục được học trò. Cái tôi của mỗi cá nhân được đẩy lên theo chiều hướng tiêu cực nên con người mới có cách hành xử cực đoan, cảm thấy không thể chịu đựng được khi người khác có hành vi xúc phạm đến mình.

Bên cạnh đó, sự bàng quan, vô cảm của nhiều người xung quanh trước những tiêu cực, bất công của xã hội cũng khiến tâm lý con người trở nên ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến bản thân mình. Đây là xu hướng phát triển tâm lý đáng lo ngại mà ai cũng nhận ra, cũng hiểu nhưng vấn đề làm sao để khắc phục tình trạng này thì vẫn chưa có giải pháp toàn diện.

* Luật sư Trương Xuân Tám (phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu):

Cần xét xử thật nghiêm khắc

Hiện tượng dùng bạo lực trong cư xử hằng ngày với nhau gần đây rất phổ biến, không chỉ trên đường phố mà cả ở nhiều nơi khác như quán ăn, trường học... Bên cạnh các nguyên nhân đời sống khó khăn, sự phân hóa giàu nghèo thì còn một vấn đề đó là thiếu văn hóa ứng xử. Nhiều người chỉ bị va quẹt nhẹ đã lớn siếng sửng cồ, chửi bới người khác bất chấp việc chính họ cũng có lỗi.

Luật pháp nghiêm cấm việc dùng bạo lực để “xử” nhau. Theo quy định của Bộ luật hình sự, hành vi dùng bạo lực đánh đập, hành hung người khác tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý về các tội danh khác nhau. Nếu đánh người gây thương tích trên 11% thì có thể là tội “cố ý gây thương tích”, nếu đánh chết người khác hoặc có hành vi có khả năng gây nguy hiểm đến tính mạng của người khác (đâm, chém...) thì phải bị xét xử về tội giết người, đánh nhau gây náo loạn đường phố (chưa gây thương tích) thì có thể bị xử về tội gây rối trật tự công cộng...

Nhiều người có tâm lý biện minh cho việc đánh nhau của mình là “phòng vệ chính đáng” nhưng thực tế phải tùy điều kiện, hoàn cảnh của việc chống trả như thế nào mới có thể được xem là phòng vệ chính đáng (không phải là tội phạm). Theo điều 15 Bộ luật hình sự, phòng vệ chính đáng là hành vi của một người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm lợi ích nói trên. Thế nên nếu một người bị tấn công nhưng chưa rõ mức độ tấn công đó nguy hiểm như thế nào, có nguy cơ bị tước đoạt mạng sống hay không nhưng người này lại dùng hung khí để tấn công lại, giết chết người tấn công mình thì cũng khó có thể xem là hành vi phòng vệ.

Để răn đe, cơ quan tố tụng cần khởi tố điều tra, nhanh chóng đưa ra xét xử với mức án nghiêm, xét xử lưu động những vụ án loại này để nhiều người khác nhìn vào đó mà rút kinh nghiệm trong hành xử.

Một số vụ án giết người do va quẹt xe

* Sáng 8-8 trên đường Nguyễn Tiểu La, P.8, Q.10, TP.HCM, ông Lê Minh Đạt (38 tuổi, ngụ P.8, Q.10) chạy xe máy đến khu vực ngã ba 3 Tháng 2 - Ngô Quyền thì va quẹt với một người đàn ông đi xe Citi, hai bên cự cãi. Đến ngã ba 3 Tháng 2 - Nguyễn Tiểu La, người đàn ông đi xe Citi đã rút từ trong người ra một vật nhọn đâm ông Đạt tử vong.

* Ngày 2-8, Nguyễn Minh Thông đang chạy xe máy trên đường Thành Thái (Q.10, TP.HCM) thì va quẹt xe với nhóm ba sinh viên là Nguyễn Thiện Tâm cùng hai người bạn. Cả ba đã có hơi men trong người, đuổi theo đạp vào xe làm Thông té xuống đường. Thông bỏ chạy đến trước một cửa tiệm bán tạp hóa, lấy kéo của người dán keo xe đâm trúng cổ Tâm gây tử vong sau đó. Thông tiếp tục dùng kéo đâm trúng đầu và lưng hai người bạn của Tâm khiến cả hai bị thương.

* Nhóm anh Võ Văn Giêng (20 tuổi, ngụ Q.7, TP.HCM) gồm năm người, nhậu và hát karaoke tại nhà một người thân trên đường Nguyễn Văn Linh (Q.7), tới khoảng 0g30 ngày 19-7 thì ra về trên hai xe máy. Đến khu vực hẻm 320 Nguyễn Văn Linh (Q.7), nhóm anh Giêng gặp nhóm của Lê Anh Vũ gồm tám người cũng chạy xe máy đi chơi về. Nhóm của Vũ chạy xe lạng lách, vượt qua xe của nhóm anh Giêng rồi quay lại chửi khiến nhóm này tức mình chửi lại. Cả hai nhóm xông vào đánh nhau. Do ít người hơn nên những người trong nhóm của anh Giêng đã bỏ chạy. Khi nhóm của Vũ bỏ đi, các bạn của anh Giêng mới dám quay lại đưa anh Giêng đi bệnh viện nhưng anh đã chết.

* Ngày 4-6, khi Trần Huỳnh Long, 26 tuổi, ngụ Thủ Đức, TP.HCM đang đi trên quốc lộ 13 (P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức) thì Phạm Minh Tuấn và Trần Long Giang chạy xe vượt lên làm văng nước lên người. Bực tức, Long tăng ga đuổi theo chửi Tuấn và Giang, hai bên xảy ra cự cãi. Sau đó, Tuấn và Giang đuổi theo Long kêu anh này dừng lại để đánh nhau. Long còn lôi kéo em là Trần Minh Luân vào cuộc. Long dùng dao đâm hai nhát vào ngực và lưng khiến Giang bị thương nặng. Sau đó, Long và Luân tiếp tục đuổi, đâm Tuấn làm Tuấn chết.

* Tối 3-6, anh Lê Minh Nhựt, nhân viên quán cơm số 108 Nguyễn Văn Nghi (P.5, Q.Gò Vấp, TP.HCM) trong lúc mang bàn ghế sang bên kia đường đã va vào xe của Phạm Văn Công (21 tuổi) chở Nguyễn Anh Tùng (23 tuổi) làm ngã xe và hai người bị thương tích. Khi đó Vắn Nhật Bậu (22 tuổi) và Đinh Công Thế Huynh (20 tuổi), bạn của Công và Tùng, cũng chạy đến nơi. Ông Trương Hoàng Thuận (53 tuổi, chủ quán cơm) cùng con trai chạy đến can thiệp nhưng lại xảy ra cự cãi với nhóm của Công, Tùng, Bậu và Huynh.

Dù ông Thuận đã xin lỗi và đồng ý bồi thường cho Tùng nhưng cả nhóm Tùng, đang có hơi men trong người, vẫn đuổi đánh anh Nhựt. Lúc đó, Trương Hoàng Nam (25 tuổi, con ông Thuận) sợ cha bị đánh nên đã cầm một vỉ sắt chạy tới đánh mạnh vào đầu khiến Huynh gục ngã tại chỗ. Sau khi gây án, Nam vứt bỏ hung khí chạy về nhà. Nhóm của Tùng đưa Huynh đi cấp cứu tại bệnh viện nhưng nạn nhân đã chết một ngày sau đó.

ĐỨC THANH

_____________________

* Tiến sĩ Phạm Đức Trọng (giám đốc Trung tâm xã hội học ứng dụng Trường đại học KHXH&NV):

Việc giáo dục tính nhân văn đang bị khiếm khuyết

Theo tôi, nguyên nhân sâu xa của những vụ án loại này chủ yếu là do ảnh hưởng xã hội, do áp lực trong cuộc sống, kinh tế khó khăn. Đặc biệt là việc giáo dục tính nhân văn cho trẻ em đang bị khiếm khuyết từ nhà trường đến xã hội. Đồng thời, việc giáo dục về pháp luật và tôn trọng pháp luật trong môi trường giáo dục hiện nay cũng không được chú trọng và xây dựng. Ở một xã hội văn minh thì tính nhân văn cao, còn một xã hội lạc hậu thì những biểu hiện dã man sẽ nhiều.

Luật pháp hiện nay không nghiêm, việc điều hành xã hội cũng yếu kém, điều hành luật pháp bị áp lực từ nhiều phía, khiến luật pháp dù nhiều nhưng nhiều khi chỉ tồn tại trên giấy mà không được thực thi.

Thêm vào đó, truyền thông bây giờ quá nhanh, quá nhiều, một ngày có thể biết hàng triệu thông tin. Lẽ ra truyền thông phải là tiếng chuông dự báo cho nhà điều hành xã hội để đưa ra những chính sách hữu hiệu thì xã hội mới ổn định. Tuy nhiên, truyền thông hiện nay chú trọng nhiều vào mục đích thương mại, giải trí mà ít đề cập những câu chuyện mang tính nhân văn.

Theo tôi, để hạn chế được những cơn bốc đồng đáng tiếc ở mỗi người, cần phải có sự kết hợp chặt chẽ về giáo dục giữa gia đình và nhà trường. Đặc biệt truyền thông nên tích cực đưa những câu chuyện về lòng nhân ái, tính nhân văn vốn là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.

* Thạc sĩ tâm lý học Nguyễn Văn Công:

Tăng cường các lớp học kỹ năng sống

Tôi vẫn theo dõi thường xuyên những thông tin trên báo chí về những vụ việc mâu thuẫn nhỏ mà xảy ra án mạng. Phân tích kỹ thì nói chung tâm lý của những người này là phải “thắng” cho bằng được. Hơn nữa, trong quá trình học tập, làm việc lại ít được trang bị kiến thức về kỹ năng tình huống phát sinh dễ dẫn đến các ứng xử không hợp lý...

Thông thường, dính vào những vụ án này chủ yếu là những người không việc làm và trẻ tuổi. Để giải quyết vấn đề cần chia ra nhiều mức tuổi, nhiều thành phần khác nhau để có những giải pháp phù hợp. Theo tôi, ngoài việc tuyên truyền về những vụ việc điển hình để mọi người hiểu phương pháp ứng xử như vậy là chưa phù hợp, còn cần tăng cường các lớp học kỹ năng sống để rèn luyện khả năng kiềm chế và giải quyết tình huống khi gặp những vấn đề do mâu thuẫn phát sinh trong cuộc sống.

HOÀNG ĐIỆP ghi

CHI MAI ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp