Phóng to |
Sông Hằng là một trong những con sông ô nhiễm nhất thế giới Ảnh: Wordpress |
Hằng ngày, Sushila Devi cùng những phụ nữ khác trong làng phải đi bộ nhiều cây số đến các làng khác để lấy nước. “Mỗi ngày chúng tôi mất hai, ba giờ cãi cọ, tranh giành nhau để kiếm từng chút nước - Devi kể - Người dân đang trở nên giận dữ”.
Năm 2006, kể từ khi đập thủy điện Tehri cao 265m với một hồ chứa nước dài 75m trên sông Bhagirathi, một nhánh quan trọng của sông Hằng, hoàn thành và đưa vào hoạt động ở bang Uttarakhand, thì các con suối vốn là nguồn nước từ lâu nay cho làng Pipola nằm cách con đập vài kilômet đã khô cạn. Hơn 100 ngôi làng khác quanh đập cũng rơi vào tình trạng thiếu nước trầm trọng.
"Không thể cứ xiềng xích sông Hằng và gọi đó là phát triển " |
Kế hoạch vĩ đại xây thêm 10 con đập nữa trong vòng vài năm tới để “biến Uttarakhand thành Thụy Sĩ mới” của bang Uttarakhand đang có nguy cơ phá sản khi mực nước ở các con sông trong bang đồng loạt suy giảm. Dù phát triển mạnh thủy điện, nhưng hai năm qua Uttarakhand từ thừa điện hiện rơi vào cảnh thiếu điện. Tháng 3 vừa qua, chính quyền đã buộc phải tạm dừng hai dự án thủy điện do mực nước các con sông giảm sút.
Theo nghiên cứu của Tổ chức Mạng lưới đập, sông, con người Nam Á (ANDRP), 89% trong tổng số 208 con đập thủy điện ở Ấn Độ chỉ sản xuất chưa đầy 50% công suất do thiếu nước.
Theo truyền thuyết của người Hindu, sông Hằng là con sông chảy từ thiên đường xuống Trái đất. Người Hindu tin rằng con sông sẽ luôn trong sạch, thuần khiết và có khả năng tự phục hồi. Nhưng nước thải đang đầu độc sông Hằng và biến nó thành một trong những con sông ô nhiễm nhất thế giới. Mỗi ngày, chỉ riêng New Delhi xả ra sông Hằng 1,8 tỉ lít nước thải chưa qua xử lý. Thành phố Kanpur xả 30 triệu lít nước thải chứa nhiều loại hóa chất độc hại, trong đó có chromium. Thành phố Varanasi cũng xả tới 189 triệu lít nước thải không qua xử lý mỗi ngày. Theo ước tính của Diễn đàn nước thế giới (WWF), khoảng 30 thành phố, 70 thị trấn và hàng nghìn ngôi làng dọc bờ sông Hằng đang xả trực tiếp ra dòng sông này hàng tỉ lít nước thải cộng với hàng ngàn tấn phân gia súc mỗi ngày. Chưa kể hàng trăm nhà máy công nghiệp mỗi ngày cũng xả ra 260 triệu lít nước thải chứa nhiều hóa chất độc hại. Ở một nhánh của sông Yamuna, nước sông ô nhiễm đến mức mọi sinh vật đều không thể tồn tại. |
Đập Tehri cung cấp một lượng nước lớn cho thủ đô New Delhi. Cộng với nguồn cung từ sông Yamuna, nhánh lớn nhất của sông Hằng ở miền bắc Ấn Độ, New Delhi tận hưởng lượng nước trung bình 250 lít/người/ngày. Tuy nhiên, New Delhi mất 50% lượng nước do hệ thống đường ống rò rỉ và nạn ăn cắp nước. Các gia đình giàu có ở trung tâm thành phố tận hưởng tới 500 lít/người/ngày, trong khi các khu vực khác chỉ có 8 lít.
Trong khi đó, các khu vực vùng hạ lưu rơi vào cảnh thiếu nước trầm trọng do các con đập ở phía thượng nguồn, cũng như các con kênh chuyển nước đến những vùng nông nghiệp giàu có. Khi sông Hằng chảy đến thành phố Kanpur nó gần khô cạn, đẩy Kanpur vào cảnh là thành phố “khát nước” nhất Ấn Độ. Khoảng 33% dân số thành phố sống với chưa đầy 50 lít nước/ngày.
Khi chảy đến thành phố Varanasi, sông Hằng phần nào được phục hồi nhờ một vài nhánh. Dù vậy, mực nước sông Hằng quanh Varanasi đã giảm rất nhanh những năm qua.
Trước đây, độ sâu trung bình của con sông ở Varanasi lên tới 60m, nhưng hiện ở nhiều khu vực chỉ còn chưa đầy 10m. Một số nhánh khác đã khô cạn hoàn toàn. Vài năm qua, hàng loạt cuộc biểu tình đã nổ ra tại các cộng đồng dọc sông Hằng để phản đối các dự án đập thủy điện trên con sông.
Các chuyên gia Ấn Độ dự báo nếu chính quyền các địa phương tiếp tục thực hiện các dự án đập thủy điện một cách vô tội vạ, các nhánh của sông Hằng ở thượng nguồn sẽ khô cạn. “Chúng ta có thể sống nếu thiếu điện, chứ thiếu nước chắc chắn sẽ chết”, một người dân tuyên bố trong một cuộc biểu tình chống đập thủy điện ở Uttarakhand hồi tháng 4. Hiện chính quyền Ấn Độ đang tính xây một con đập mới còn lớn hơn đập Tehri trên sông Mahakali, cũng là một nhánh của sông Hằng.
Trong danh sách các con sông ô nhiễm nhất thế giới do tạp chí Time (Mỹ) công bố năm 2007, sông Hằng đứng thứ nhất. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính mỗi năm khoảng 1,5 triệu trẻ em Ấn Độ chết do các bệnh xuất phát từ tình trạng ô nhiễm nước. Trong khi đó sông Hằng cung cấp 40% lượng nước cho người dân Ấn Độ.
Thời gian qua New Delhi đã chi hơn 325 triệu USD cho dự án làm sạch sông Hằng khu vực quanh thủ đô nhưng không đạt hiệu quả. Tháng 2 vừa qua, chính quyền Ấn Độ lại công bố dự án 4 tỉ USD nữa (trong đó 1 tỉ USD vay của Ngân hàng Thế giới) để làm sạch sông Hằng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận